Về vấn đề tăng tiếp cận vốn tín dụng, tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 với chủ đề "phục hồi và phát triển bền vững", GS Hoàng Văn Cường (Đại biểu Quốc hội) cho biết, không phải doanh nghiệp chỉ trông chờ giảm lãi suất, mà chỉ cần tiếp cận được vốn.
Tại phiên tọa đàm cấp cao trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế 2021 diễn ra sáng nay (5.12), GS. Hoàng Văn Cường - đại biểu Quốc hội đoàn TP Hà Nội cho rằng, cần quan tâm, đánh giá mức độ hấp thụ nền kinh tế. Trong đó có hai cơ sở để đánh giá, đó giải ngân đầu tư công và tốc độ tăng trưởng tín dụng.
Song, giải ngân đầu tư công hiện nay rất chậm, chỉ còn gần 1 tháng nữa, khó có khả năng về đích năm nay. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng trên 8%.
"Điều này cho thấy khả năng hấp thụ, chuyển vốn vào sản xuất chậm", ông Cường nói, đồng thời đặt câu hỏi, liệu với việc tung gói hỗ trợ thời gian tới, dòng tiền có đi vào sản xuất kinh doanh không?
Phân tích rõ hơn, PGS.TS Hoàng Văn Cường dẫn chứng: Tốc độ tăng trưởng chứng khoán thường gắn với sức khỏe nền kinh tế. Tuy nhiên, trong khi nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng chậm hơn so với trước nhưng thị trường chứng khoán lại tăng trưởng mạnh. "Đó là do dòng tiền đổ vào chứng khoán đẩy giá tăng lên chứ không phải do lợi nhuận doanh nghiệp".
Về vấn đề tăng tiếp cận vốn tín dụng, ông Cường cho biết, không phải doanh nghiệp chỉ trông chờ giảm lãi suất, mà chỉ cần tiếp cận được vốn. Theo đó, ngân hàng nên thay đổi các phương thức tiếp cận, đẩy mạnh theo hướng đồng hành cùng doanh nghiệp, bám sát theo các hợp đồng để đưa vốn vào sản xuất. Qua đó xem dòng tiền đi đâu, cho vay làm việc gì.
"Trong bối cảnh COVID-19, chúng ta chuyển đổi mạnh sang không dùng tiền mặt. Tức là dòng tiền đi đâu kiểm soát được, tránh chuyện trục lợi", ông Cường nói.
Cần phải giám sát khi thực hiện gói hỗ trợ
Ông Đặng Hồng Anh – Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cũng kiến nghị, khi thực hiện gói hỗ trợ cần chú ý tới vấn đề giám sát.
Nhắc lại bài học kích cầu năm 2008-2009, ông Hồng Anh cho biết, nguyên nhân chính nằm ở vấn đề kiểm soát. Kích cầu quy mô lớn nhưng dòng tiền ít vào sản xuất, mà chảy vào bất động sản, chứng khoán, hậu quả lạm phát tăng cao, gây bất ổn kinh tế vĩ mô.
Do vậy với gói kích thích lần này, ông Đặng Hồng Anh kiến nghị cần tăng cường giám sát, từ sớm từ xa. Mô hình giám sát chính sách từ sớm từ xa ngay từ khâu xây dựng chính sách. Cách này giúp tránh sự bất cập trong quá trình triển khai.
Ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho hay, với tinh thần chủ động từ sớm từ xa, các cơ quan của Quốc hội đã có các cuộc làm việc với các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước để bàn về chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Theo ông Thanh, có thể vạch ra một số nguyên tắc lớn khi xây dựng, thiết kế gói hỗ trợ phục hồi và phát triển như bảo đảm bám sát chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước, Nghị quyết của Quốc hội...
Nhấn mạnh gói hỗ trợ cần có trọng tâm, trọng điểm, ông Thanh cho biết sẽ hỗ trợ cả tổng cung và tổng cầu. Trong đó về phía cung, giảm thuế cho doanh nghiệp, người sử dụng lao động, đồng thời kích cầu thị trường, đầu tư.
Cũng theo lãnh đạo Ủy ban Kinh tế, gói hỗ trợ sẽ kết hợp hài hòa chính sách tài khóa, tiền tệ, phối hợp hài hòa hiệu quả các chính sách kinh tế vĩ mô.
"Gói hỗ trợ cũng cần đủ lớn. Nếu quy mô gói hỗ trợ không đủ lớn thì sẽ không tạo ra được cú huých, không tạo ra thay đổi như kỳ vọng, thậm chí lãng phí nguồn lực hỗ trợ. Thực hiện gói kích thích, cũng cần lưu ý tính khả thi, nhanh chóng, hiệu quả", ông Thanh nhấn mạnh.
Cũng theo ông Thanh, trong gói kích thích hỗ trợ có đề xuất nội dung về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân - đây là trọng tâm trọng điểm. Đồng thời hướng tới các lĩnh vực các ngành nghề ảnh hưởng của COVID-19, có dư địa phục hồi.
"Vừa qua chúng tôi có thẩm tra 1 luật, sửa 8 luật trong thời gian tới. Sẽ đẩy mạnh cải cách thể chế, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Khó khăn chỉ là tạm thời, cùng với các chính sách hỗ trợ, cộng đồng doanh nghiệp sẽ sớm vượt qua khó khăn", ông Thanh nhấn mạnh.
Xem thêm: odl.022189-taus-ial-maig-ohc-gnort-ihc-gnohk-nov-nac-peit-coud-nac-nd-ioh-cuhp-ed/et-hnik/nv.gnodoal