TPHCM - Các ngân hàng đang có sự thay đổi về mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm theo chiều hướng tăng. Tuy nhiên, vẫn khó hấp dẫn trong việc cạnh tranh với các kênh đầu tư khác để thu hút tiền nhàn rỗi.
Ở khối ngân hàng quốc doanh, ngân hàng BIDV đã điều chỉnh lãi suất huy động trong tháng 12 tăng tại một số kỳ hạn cho khách hàng doanh nghiệp so với tháng trước. Cụ thể, lãi suất cao nhất tại ngân hàng BIDV dành cho phân khúc khách hàng doanh nghiệp đồng loạt điều chỉnh tăng 0,1 điểm % lên niêm yết ở mức là 4,8%/năm dành cho các kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên đến 60 tháng.
Về phía các ngân hàng thương mại cũng đã có nhiều ngân hàng điều chỉnh lãi suất tiết kiệm. Đơn cử như từ 1.12, Eximbank áp dụng biểu lãi suất huy động tăng thêm từ 0,1 - 0,3%/năm ở nhiều kỳ hạn ngắn. Cụ thể, tăng cao nhất là lãi suất gửi tại quầy kỳ hạn 4 tháng và 5 tháng với mức lãi suất lần lượt là 3,7%/năm và 3,8%/năm, tương đương tăng 0,3 điểm % so với tháng trước.
Ngân hàng TMCP VietBank vừa có sự điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm áp dụng từ tháng 12 tại đa số kỳ hạn so với đầu tháng trước. Mức tăng từ 0,1-0,2 điểm %. Riêng kỳ hạn phổ biến là 12 tháng được ngân hàng VietBank áp dụng mức tăng lãi suất lên đến 0,3 điểm % ở mức là 6,2%/năm. Tương tự như tiết kiệm tại quầy, lãi suất tiền gửi online trong tháng này cũng được điều chỉnh tăng tại các kỳ hạn từ 6 tháng đến 36 tháng so với trước. Đáng chú ý, khách hàng khi gửi tiền trực tuyến sẽ được nhận lãi suất cao hơn 0,1 - 0,4 điểm % so với lãi suất niêm yết tại quầy ở cùng kỳ hạn gửi.
Lãi suất gửi tiết kiệm online ở một số kỳ hạn tại VPBank đã tăng mạnh tới 0,4 - 0,8%/năm. Cụ thể, lãi suất gửi tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng theo phương thức online với số tiền gửi từ 50 triệu trở lên, khách hàng được hưởng lãi suất là 4%/năm, cao hơn so với mức 3,2%/năm trước đó.
Dẫu vậy, một điều dễ thấy là năm nay kênh tiền gửi không còn hấp dẫn, vì lãi suất huy động xuống rất thấp. Thay vào đó, các kênh chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp trở thành kênh đầu tư hấp dẫn, sôi động. Số liệu do Ngân hàng Nhà nước mới công bố cho thấy, tiền gửi của người dân tại các ngân hàng đã giảm hai tháng liên tiếp (tháng 8 và 9), trong bối cảnh lãi suất huy động duy trì ở mức rất thấp. Từ tháng 3 đến nay, tiền gửi của người dân tăng trưởng “èo uột”, không có tháng nào tăng trên 0,5%, thậm chí là có nhiều tháng sụt giảm. Đây là diễn biến chưa từng thấy ở những năm trước đây.
Báo cáo thị trường tiền tệ mới đây của Chứng khoán SSI cho biết, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay nhìn chung sẽ duy trì ở mức thấp như hiện tại trong thời gian tới. Cụ thể, lãi suất huy động dao động từ 3 - 4% đối với kỳ hạn dưới 6 tháng, 3,7 - 5% đối với kỳ hạn 6 - 12 tháng và 4,2 - 6,5% đối với kỳ hạn trên 12 tháng. Trong khi lãi suất cho vay dao động từ 5 - 7% đối với khoản vay ngắn hạn và 9 - 11% đối với khoản vay trên 12 tháng. Báo cáo gần đây của Chứng khoán Bảo Việt cho biết lãi suất huy động duy trì ở mức rất thấp khiến người dân ngày càng ít gửi tiền vào ngân hàng. Trong đó, lãi suất tiền gửi tại nhóm các ngân hàng TMCP có quy mô lớn đối với hai kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2017 tới nay.
Xem thêm: odl.882189-neit-iug-iougn-nad-pah-ohk-nav-meik-teit-taus-ial-gnat/et-hnik/nv.gnodoal