Chuyển đổi số là một trong những mục tiêu được coi trọng của Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Ứng dụng công nghệ số - "mỗi nông dân là một thương nhân"
Từ tháng 4 đến tháng 7.2021, dịch COVID-19 bùng phát mạnh tại một số tỉnh phía Bắc, trong đó tại các “vựa” nông sản miền Bắc như: Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, hàng loạt nông sản, đặc sản quý như vải thiều, nhãn lồng, thanh long đỏ, dưa hấu… không có đầu ra, nguy cơ bị đổ bỏ vì thối hỏng.
Tuy nhiên, những nông dân không dễ dàng đầu hàng, đổ bỏ những sản phẩm đã nhọc nhằn làm ra từ mồ hôi, nước mắt. nhờ ứng dụng công nghệ số, nông sản đã được tiêu thụ an toàn, hiệu quả. Nhờ năng động, sáng tạo, trong mùa vải thiều 2020, người trồng vải 2 tỉnh Hải Dương và Bắc Giang đã tiêu thụ được hàng trăm nghìn tấn vải thông qua ứng dụng thương mại điện tử. Không chỉ bán hàng trong nước, vải thiều Thanh Hà và Lục Ngạn của 2 tỉnh này còn lên máy bay xuất ngoại sang Nhật, Úc, Singapore và một số nước Châu Âu…
Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương có nhiều nông sản chủ lực hoặc đặc sản quý như Mộc Châu (Sơn La), Lạng Sơn, Nghệ An, Hà Tĩnh… đã phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) để kết nối tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử Vỏ Sò, Postmart, Sen Đỏ... Nhờ đó,giá trị nông sản của nông dân được nâng lên, không còn tình trạng phải đổ bỏ dù giao thông giai đoạn này gần như tê liệt vì COVID-19.
Ở góc độ “nông hộ” quy mô nhỏ hơn, nông dân cũng đã nhanh nhạy ứng dụng chuyển đổi số để tiêu thụ nông sản. Vụ nhãn lồng năm 2021, gia đình anh Đặng Hiếu (Khoái Châu – Hưng Yên) có trên 300 gốc nhãn lồng cho sản lượng hàng trăm tấn có nguy cơ không thể tiêu thụ do dịch COVID-19 phức tạp, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách. Không thụ động ngồi chờ, anh lên mạng xã hội livestream, chiếu cận cảnh từng chùm nhãn căng mọng, kêu gọi người tiêu dùng đặt hàng qua mạng Zalo, facebook. Tiếp theo đó, anh nhanh chóng tìm xe “luồng xanh” để vận chuyển giao hàng. Chỉ sau 3-4 ngày, hàng chục tấn nhãn của gia đình đã được bán hết, giá tương đương vụ nhãn năm 2020.
Trường hợp nông dân ứng dụng công nghệ số, kinh tế số để bán sản phẩm của mình đang ngày càng phổ biến và đạt kết quả tốt. Nông dân cũng biết ứng dụng công nghệ số để sản xuất hiệu quả mà không vất vả, nặng nhọc.
Anh Trần Văn Phong - chủ trang trại nuôi thủy sản nước ngọt tại xã Giao Long (Giao Thủy-Nam Định) thường bắt đầu công việc sản xuất hàng ngày bằng việc cầm điện thoại kiểm tra các thông số về lượng thức ăn, chế độ dinh dưỡng trong nước, nhiệt độ ao nuôi và thông tin dự báo thời tiết… để quyết định nhập số liệu lượng thức ăn, thời gian cho ăn đối với từng loại cá trong ao nuôi của mình. Sau đó, anh chỉ việc bổ sung cám vào các buồng chứa thức ăn ở các ao, mọi công đoạn còn lại từ cho ăn theo định lượng, thời điểm cho ăn, thời điểm bật quạt khí, chế độ tạo oxy, độ P.H trong ao nuôi… đều được lập trình sẵn cho thiết bị tự động thực hiện.
Với cách làm đó, trang trại nuôi cá nước ngọt của gia đình anh rộng trên 1ha nhưng chỉ cần duy nhất 1 lao động chính; anh vừa quản lý trang trại vừa có thời gian lo công việc xã hội khác. Mỗi năm trang trại thu hoạch từ 20-30 tấn cá, cao hơn trung bình những trang trại khác trong khu vực từ 5-10 tấn. Đồng thời giảm tối đa chi phí do lãng phí thức ăn, làm sạch môi trường và điều trị bệnh...
Mới đây, tại chương trình Tự hào nông dân Việt Nam, 63 nông dân điển hình xuất sắc của cả nước vừa được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021". Đây là những gương mặt tiêu biểu chứng minh câu chuyện “nông dân thông minh”, “mỗi nông dân là một thương nhân” đang trở nên phổ biến ở nước ta.
Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn nhấn mạnh: Dưới tác động của đại dịch COVID-19, chuyển đổi số đã không còn là giải pháp lựa chọn mà trở thành yêu cầu bắt buộc đối với mỗi quốc gia và từng lĩnh vực, từng người dân. Năm 2021, lần đầu tiên chứng kiến phong trào nông dân đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử, nhiều nông dân lần “livestream” bán hàng trên không gian mạng một cách thuần thục không thua kém bất kỳ thương nhân nào.
Triển khai đề án chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới
Theo Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, thời gian qua, thực hiện lộ trình chuyển đổi số ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (NNPTNT) đã cụ thể hóa bằng việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu nông, lâm nghiệp, thủy sản theo biểu thống kê và bản đồ trên nền tảng số; ứng dụng công nghệ Web-GIS trong xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về đất đai, tài nguyên, đê điều; dữ liệu chăn nuôi, dữ liệu xây dựng nông thôn mới và đang triển khai Đề án chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh trong giai đoạn 2021-2025…
Còn theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, chuyển đổi số là giải pháp tích cực, có thể khắc phục những tồn tại về sản xuất manh mún, nhỏ lẻ và hình thành chuỗi giá trị, liên kết sản xuất hiệu quả trong nông nghiệp. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NNPTNT đang triển khai chương trình Nông nghiệp số, Kinh tế nông nghiệp và Nông dân số.
Chuyển đổi số trong nông nghiệp thành công không chỉ cơ cấu lại ngành nông nghiệp, giúp nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp tối ưu hóa hoạt động sản xuất, giảm chi phí, gia tăng lợi nhuận và hiệu quả sản xuất mà còn góp phần quan trọng vào thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia mà Thủ tướng Chính phủ đã ban hành.
Theo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, đến tháng 11.2021, đã có hơn 2 triệu hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng số, gần 50.000 sản phẩm nông sản được đưa đưa lên các sàn thương mại điện tử; hàng nghìn giao dịch điện tử được thực hiện.