Tập đoàn Vingroup mới đây đã công bố thông tin tái cấu trúc sở hữu VinFast để chuẩn bị IPO tại Mỹ. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi thêm với bà Lê Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup xung quanh vấn đề này.
- Vingroup mới đây đã công bố chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại VinFast Việt Nam cho VinFast Singapore để chuẩn bị cho quá trình IPO tại Mỹ. Xin bà lý giải thêm tại sao Vingroup phải đi đường vòng như vậy mà không trực tiếp IPO VinFast Việt Nam?
Sở dĩ chúng tôi phải làm vậy vì dù luật Việt Nam cho phép nhưng thực tế, việc niêm yết các Công ty Việt Nam tại nước ngoài, nhất là tại Mỹ chưa thực hiện được do thiếu sự liên thông về pháp lý và các cơ chế phối hợp liên quan. Do đó để có thể niêm yết tại Mỹ, VinFast bắt buộc phải thực hiện việc niêm yết qua VinFast Singapore vì Singapore là nước đã có sự liên thông với Mỹ trong lĩnh vực này.
- Việc tái cấu trúc để niêm yết tại Mỹ được thực hiện cụ thể thế nào, thưa bà?
Tháng 4/2021, Tập Đoàn Vingroup và Tập đoàn Đầu tư Việt Nam (ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch Vingroup là cổ đông chính nắm giữ 97,11% cổ phần – theo PV) đã mua 100% cổ phần Công ty Fiscus Consultancy Pte.Ltd – một công ty được thành lập và hoạt động theo luật pháp Singapore. Việc này tuân thủ theo quy định đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam và đã được Bộ Kế hoạch đầu tư cấp Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài số 202100916 ngày 02/03/2021.
Fiscus Consultancy Pte.Ltd sau đó đã được đổi tên thành VinFast Trading and Investment Pte.Ltd. ("VinFast Singapore").
Về phía VinFast Việt Nam, Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast, trụ sở tại Khu Kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, Hải Phòng ("VinFast Việt Nam") có hai cổ đông chính là Tập đoàn Vingroup sở hữu 51,52% và Tập đoàn Đầu tư Việt Nam, sở hữu 48,38%.
Với việc Vingroup chuyển nhượng 51,52% và Tập đoàn Đầu tư Việt Nam chuyển nhượng 48,38% vốn cổ phần trong VinFast Việt Nam cho VinFast Singapore, Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn Đầu tư Việt Nam sẽ gián tiếp sở hữu 99,9% VinFast Việt Nam. Vingroup sẽ duy trì tỷ lệ lợi ích 51,52% trong VinFast Việt Nam như hiện tại.
Như vậy, việc tái cấu trúc này hoàn toàn không thay đổi chủ sở hữu của công ty. Đơn giản, đây chỉ là giải pháp kỹ thuật để phục vụ việc IPO VinFast trên sàn chứng khoán tại Mỹ.
- Việc niêm yết thành công tại Mỹ sẽ mang lại lợi ích gì cho VinFast, thưa bà?
Việc niêm yết thành công, thứ nhất sẽ mở ra cơ hội cho VinFast tiếp cận các nguồn vốn quốc tế để phục vụ cho chiến lược phát triển của mình; thứ hai là nâng vị thế VinFast lên tầm cao mới và góp phần hiện thực hóa chiến lược đưa VinFast trở thành thương hiệu toàn cầu. Bởi riêng việc tuân thủ được các quy định khắt khe của Ủy ban Chứng khoán Mỹ và được họ cấp phép niêm yết đã chứng tỏ được đẳng cấp, uy tín của VinFast, qua đó củng cố lòng tin của khách hàng Mỹ đối với một thương hiệu còn non trẻ, lại đến từ Việt Nam. Việc này sẽ giúp chúng tôi dễ dàng hơn khi tiếp thị và đưa các sản phẩm vào thị trường rộng lớn này.
VinFast chỉ bán tối đa 10% cổ phần
-Không ít ý kiến lo ngại, khi "quốc tế hóa", VinFast dễ bị nhà đầu tư nước ngoài chi phối và không còn là hãng xe của Việt Nam nữa. Vingroup có lường trước điều này?
Trước hết, cần khẳng định Vingroup và VinFast mãi là thương hiệu của Việt Nam. Tập đoàn Vingroup xác định sứ mệnh của mình là xây dựng bằng được một thương hiệu Việt Nam có tầm vóc, đẳng cấp cao quốc tế chứ không phải đơn thuần là kinh doanh. Nếu chỉ tính từ góc độ kinh doanh thì chúng tôi đã không làm một dự án quá khó như vậy. Vì vậy sẽ không có chuyện bán hết VinFast!
Khi IPO tại Mỹ, VinFast sẽ chỉ bán từ 5 - 10% cổ phần, tức là nhà đầu tư nước ngoài sẽ chỉ nắm giữ tối đa 10% vốn điều lệ công ty. Việc IPO tại Mỹ không có một mục tiêu nào khác ngoài việc tăng vốn, thu hút đầu tư công nghệ và kỹ thuật để phát triển VinFast theo đúng tầm nhìn và định hướng mà chúng tôi đã đặt ra.
Chiến lược đưa VinFast trở thành thương hiệu toàn cầu
- Bên cạnh kế hoạch IPO tại Mỹ, xin bà chia sẻ thêm về những hoạt động tại thị trường nước ngoài của VinFast?
Sau những thành công bước đầu tại thị trường trong nước và nhận được sự tín nhiệm của khách hàng, chúng tôi đang dồn lực cho cho chiến lược đưa VinFast trở thành hãng xe điện thông minh toàn cầu.
Về quản trị, tại mỗi thị trường như Mỹ, Canada, châu Âu..., chúng tôi cũng xây dựng đội ngũ lãnh đạo thông hiểu về thị trường và đang mạnh mẽ xúc tiến các hoạt động tại đây.
Về vận hành, ngày 16/11/2021, trụ sở của VinFast Mỹ tại thành phố Los Angeles, bang California đã chính thức đi vào hoạt động với cam kết đầu tư hơn 200 triệu đô la Mỹ trong giai đoạn đầu và tạo ra ít nhất 1.065 việc làm toàn thời gian tại địa phương. Trải qua quá trình làm việc sát sao với chính quyền bang California, VinFast đã nhận được khoản ưu đãi thuế 20,5 triệu đô la Mỹ. Có thể nói, đây chính là một tín hiệu tốt lành dành cho những nỗ lực của chúng tôi tại thị trường rộng lớn và khắt khe này.
Bên cạnh đó, VinFast còn đưa vào hoạt động các chi nhánh tại Canada, Pháp, Đức, Hà Lan. Ngày 4/11/2021, Công ty đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Tập đoàn điện lực hàng đầu của Pháp Électricité de France (EDF) nhằm thúc đẩy lắp đặt và vận hành mạng lưới trạm sạc công cộng và các dịch vụ liên quan tại Pháp.
Về sản phẩm, ngày 18/11/2021, chúng tôi đã ra mắt thành công hai mẫu ô tô điện VF e35 và VF e36 tại triển lãm Los Angeles Auto Show 2021, nhận được sự quan tâm của hàng triệu người tiêu dùng toàn cầu. Theo dự kiến, cuối năm 2022, những chiếc ô tô điện đầu tiên sẽ được bàn giao cho khách hàng quốc tế. Vào tháng 1 tới tại triển lãm Điện tử tiêu dùng CES 2022, chúng tôi sẽ trình làng thêm 3 mẫu xe điện nữa.
Với triết lý khách hàng là trung tâm, chúng tôi kỳ vọng rằng VinFast sẽ được chào đón nhờ các mẫu xe điện chất lượng, chính sách bán hàng linh hoạt và sáng tạo, tiêu chuẩn dịch vụ hậu mãi chuyên nghiệp với sự chu đáo và tinh tế của người Á Đông.
https://cafef.vn/pho-chu-vingroup-le-thi-thu-thuy-qua-trinh-ipo-vinfast-tai-my-chinh-thuc-bat-dau-20211205093329623.chnBằng Lăng
Nhịp sống kinh tế