Sau đợt lũ lịch sử ở vùng hạ du sông Ba, lãnh đạo Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) đã đến Phú Yên thị sát, kiểm tra. Nhận định ban đầu của lãnh đạo ban chỉ đạo này đã gián tiếp chỉ ra rằng trận lũ lịch sử ở Phú Yên có phần do “nhân tai” chứ không hoàn toàn do thiên tai.
Trên lưu vực sông Ba tồn tại hàng chục hồ thủy điện nhưng chỉ sáu hồ có chức năng điều tiết lũ. Cũng như các lưu vực sông có thủy điện khác, Thủ tướng có ban hành quyết định về Quy trình vận hành liên hồ để đảm bảo an toàn cho các công trình và hạ du trong mùa lũ cũng như điều tiết nước chống hạn cho mùa khô.
Lực lượng quân đội cứu hộ người dân bị mắc kẹt giữa lũ trên sông Ba, đoạn qua thị xã Đông Hòa, Phú Yên. Ảnh: TL
Ở lưu vực sông Ba, trong Quyết định 878 năm 2018, Thủ tướng nêu rõ về trách nhiệm thông báo giữa Ban chỉ huy PCTT&TKCN của tỉnh Gia Lai và tỉnh Phú Yên trong mùa lũ. Theo đó, trước ít nhất 4 giờ ban hành lệnh vận hành hồ, trưởng Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Gia Lai phải thông báo cho Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Phú Yên.
Đợt lũ vừa qua, chủ tịch tỉnh Gia Lai thông tin cho chúng tôi rằng ông đã ủy quyền lệnh vận hành hồ trên địa bàn cho giám đốc Sở NN&PTNT. Trong khi giám đốc Sở NN&PTNT thì thông tin rằng ông “chỉ thông báo cho các địa phương thuộc tỉnh Gia Lai. Chủ hồ xả phải thông báo toàn tuyến và có trách nhiệm thông báo cho Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Phú Yên và các huyện ven sông Ba”.
Chưa rõ phạm vi ủy quyền của chủ tịch tỉnh Gia Lai với giám đốc Sở NN&PTNT có bao hàm nội dung thông báo cho trưởng Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Phú Yên hay không nhưng thực tế là Phú Yên hoàn toàn không nhận được thông báo nào từ phía Gia Lai.
Theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) về ủy quyền cho cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, việc chủ tịch tỉnh Gia Lai ủy quyền cho người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND cùng cấp là phù hợp. Tuy nhiên, người ủy quyền phải có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đã ủy quyền và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn mà mình đã ủy quyền.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, các chủ hồ thủy điện trên lưu vực sông Ba có thông báo nhưng chỉ là chủ hồ phía trên thông báo cho chủ hồ ngay bên dưới biết chứ hoàn toàn không thông báo cho toàn tuyến. Và thông báo này là nội bộ, cắt khúc giữa hai hồ liền kề chứ hoàn toàn không phải trên toàn lưu vực.
Thực tế vừa qua là Nhà máy thủy điện Đăk Srông (không có chức năng điều tiết) có báo cho chủ hồ thủy điện Sông Ba Hạ về lưu lượng nước chảy qua tràn và Phú Yên chỉ nắm được thông tin ở mức đó mà thôi, Phú Yên hoàn toàn không biết mình sẽ nhận bao nhiêu nước, trong thời gian bao lâu…
Như vậy, nếu giám đốc Sở NN&PTNT nhận ủy quyền vận hành hồ có nội dung thông báo cho trưởng Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Phú Yên mà chỉ thông báo trong nội bộ tỉnh Gia Lai là chưa làm hết chức trách được ủy quyền.
Nếu chủ tịch tỉnh Gia Lai không ủy quyền nội dung thông báo nhưng không thực hiện hoặc có thông báo nhưng không đến người nhận là trưởng Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Phú Yên là chưa thực hiện hết quyền và nghĩa vụ của mình. Bởi lũ lụt là trường hợp khẩn cấp, thông tin liên lạc phải thông suốt và thực tế trong đợt lũ qua, thông tin liên lạc giữa các địa phương không hề tắc nghẽn. Tuy nhiên, không hiểu vì sao Phú Yên không nhận được thông tin nào từ phía Gia Lai cả.
Sau buổi làm việc với Phú Yên, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về PCTT&TKCN, đã chỉ ra hàng loạt vấn đề tồn tại trong việc vận hành các thủy điện, hồ chứa thủy lợi trên lưu vực sông Ba. Ông Hiệp nhấn mạnh rằng: Tất cả biện pháp, giải pháp… thì cuối cùng vẫn là thông báo cho người dân trước 6 tiếng đồng hồ tính đến thời điểm xả lũ. Thông báo phải nói rõ là “5, 6 tiếng tới, tại chỗ ông bà đang ở nước sẽ lên bao nhiêu mét” để người dân và chính quyền địa phương chủ động, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản.
Câu chuyện nhiều năm nay: Mùa khô thủy điện tích nước gây hạn hán, ngập mặn cho hạ du, còn mùa lũ thì mạnh ai nấy xả gây thiệt hại vô cùng lớn về tài sản và tính mạng của người dân. Cần phải truy và xử lý các cá nhân chưa làm tròn trách nhiệm, bởi trong các quy trình vận hành hồ đều có nêu họ phải “chịu trách nhiệm trước pháp luật” nếu thực hiện vận hành không đúng.
Hy vọng sau cơn lũ lịch sử ở Phú Yên, những kẽ hở trong việc vận hành hệ thống hồ chứa thủy điện lưu vực sông Ba nói riêng và hệ thống thủy điện trên các con sông của cả nước nói chung sẽ được chấn chỉnh lại, không để người dân hạ du phải tiếp tục hứng chịu “nhân tai” nữa.