Cô gần hoàn thành mục tiêu cuối cùng của đời mình. Amelia đã có quãng đường 320.000 km trong nỗ lực trở thành người phụ nữ đầu tiên đi vòng quanh địa cầu, chỉ còn 11.000 km băng qua Thái Bình Dương.
Điểm đến tiếp theo của họ là Đảo Howland ở trung tâm Thái Bình Dương, cách đó khoảng 4.000 km. Một máy bay của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ (ITASCA), đã đợi ở đó để hướng dẫn nữ phi công nổi tiếng thế giới hạ cánh xuống đảo san hô nhỏ bé .
Nhưng Amelia không bao giờ đến được đảo Howland. Đối đầu với bầu trời u ám, hệ thống truyền sóng vô tuyến bị lỗi và nguồn cung cấp nhiên liệu giảm nhanh chóng trong chiếc máy bay Lockheed Electra hai động cơ của mình, cô và hoa tiêu Fred Noonan đã mất liên lạc với tàu ITASCA ở đâu đó trên Thái Bình Dương.
Bất chấp sứ mệnh tìm kiếm và cứu hộ quy mô chưa từng có, bao gồm cả tàu và máy bay của Hải quân và Cảnh sát biển rà soát khoảng 650.000 km2 của đại dương, họ vẫn chưa bao giờ được tìm thấy.
Amelia Earhart sinh năm 1897 tại Atchinson, Kansas, trong một gia đình tiến bộ, khuyến khích các con phát triển tự nhiên. Amelia và chị gái có tuổi thơ phiêu lưu, khám phá khu rừng gần đó, leo cây, đi xe trượt tuyết, thu thập cóc và bướm đêm. Với sự đồng ý của ông nội, cô bé Amelia đã tạo ra chiếc tàu lượn siêu tốc mô hình ở sân sau, bắt đầu nuôi dưỡng đam mê với bầu trời.
Năm 1920, cha của Amelia mua cho cô một vé 10 USD cho chuyến bay kéo dài 10 phút tại một sân bay ở Long Beach, California. "Vào thời điểm đó, tôi đã biết, mình phải trở thành phi công". Cô đã hoàn thành lời hứa với bản thân, học bay và vào năm 1923, và trở thành phụ nữ thứ 16 ở Mỹ được cấp bằng phi công.
Sau khi Charles Lindbergh làm nên lịch sử khi trở thành phi công đầu tiên bay một mình qua Đại Tây Dương. Điều này càng thúc đẩy cô ấy chứng tỏ bản thân, trở thành người phụ nữ đầu tiên thực hiện hành trình tương tự. Cuối cùng, cô quyết định thực hiện nó vào ngày 20/5/1832.
Cô khởi hành từ Newfoundland, New Jersey với ý định đến Paris. Chặng bay đầu này phải đối phó với gió mạnh, điều kiện băng giá và các vấn đề máy móc, và hạ cánh gần 15 giờ sau đó ở Bắc Ireland. Khi một người nông dân tại đây thấy một nữ phi công bước ra từ ghế lái, ông hỏi cô đã bay xa chưa, Amelia trả lời: "Từ Mỹ".
Danh tiếng của cô đã lên đên "chín tầng mây", theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Cô đã giành được các giải thưởng cao quý của chính phủ Mỹ, Pháp và Hiệp hội Địa lý Quốc gia, trao tặng bới chính Tổng thống thứ 31 của Mỹ, Herbert Hoover. Cô kết bạn với nhiều người quyền cao chức trọng, bao gồm cả Đệ nhất phu nhân Eleanor Roosevelt.
Sự nghiệp "cất cánh", cô đã tài trợ cho chuyến bay của mình với tư cách nhà văn và giảng viên, và thậm chí còn thiết kế dòng quần áo phụ nữ của riêng mình. Năm 1935, cô được trả 10.000 USD (tương đương 185.000 USD ngày nay) để trở thành người đầu tiên bay từ Hawaii đến đất liền của Mỹ. Cùng năm đó, TIME mô tả cô là "nữ phi công số một thế giới".
Đại học Purdue đã tuyển dụng cô để điều hành một trung tâm nghề nghiệp dành cho phụ nữ, và cô đã truyền cảm hứng cho nhiều người chuyển từ nữ công gia chánh sang kỹ sư và các công việc khác trong ngành hàng không.
Vì vậy, ở tuổi 39, Earhart nghĩ rằng còn một chuyến bay đầy tham vọng nữa trước khi sẵn sàng dành phần đời còn lại trên mặt đất. Cô quyết tâm bay vòng quanh thế giới.
Nỗ lực đầu tiên của Amelia, vào tháng 3/1937, kết thúc sau khi chặng đầu tiên hoàn thành, từ Oakland, California, đến Honolulu, khi một chiếc lốp bị nổ trên đường băng và làm hỏng máy bay.
Lần thử thứ hai, cô bay theo hướng ngược lại, do điều kiện thời tiết và gió thay đổi. Với hoa tiêu, Fred Noonan cũng là thành viên phi hành đoàn duy nhất của cô, Amelia rời Oakland, California, vào ngày 20/5/1937, đến Miami, Florida (với các điểm dừng trên đường đi), nơi cô tuyên bố ý định đi vòng quanh thế giới.
Từ đó, hai người bay qua Nam Mỹ, Châu Phi, Ấn Độ, Đông Nam Á, đến Lae ở New Guinea vào ngày 29/6/1937. Với hơn 300.000 km đã bỏ lại phía sau, họ chỉ còn lại 11.000 km trên Thái Bình Dương.
Ngày 2/7/1937, họ cất cánh từ Lae với ý định đổ bộ lên đảo Howland, nhưng không bao giờ làm được.
Lúc 7h42', cô gọi cho ITASCA: "Chúng tôi có lẽ ở ngay gần, nhưng không thể nhìn thấy các anh, xăng sắp hết rồi. Chúng tôi không thể liên lạc với các anh qua đài phát thanh. Chúng tôi đang bay ở độ cao 300 m". Một giờ một phút sau, cô gọi lại: "Chúng tôi đang chạy theo hướng Bắc Nam". Đó là lần cuối cùng cả thế giới nghe được tin tức từ cô ấy.
Khi hay tin chiếc máy bay vợ mất tích, chồng cô đã gửi điện kêu gọi Hải quân và Tổng thống Roosevelt. Nhưng ngay cả trước khi thông điệp đến được Washington, Bộ trưởng Hải quân đã ra lệnh bắt đầu tìm kiếm.
Việc tìm kiếm tiêu tốn 250.000 USD mỗi ngày. Thiết giáp hạm Colorado bay đến ngoài khơi Quần đảo Phoenix, phóng ba máy bay từ boong của nó. Những người bay lướt qua quần đảo Gardner và McKean và rạn san hô Carondelet, không thấy gì ngoài những dãy san hô và xác những chiếc tàu đắm.
Nhiều ngày trôi qua, cơ hội tìm thấy Amelia còn sống, theo sự đồng thuận của những người tìm kiếm, đã giảm xuống còn một phần một triệu.
Chồng cô vẫn bám vào niềm tin rằng Amelia đã không rơi xuống biển mà đã tiếp đất trên đất liền, bởi vì các pin vô tuyến đặt dưới cánh con tàu, sẽ không hoạt động dưới nước.
Cuộc tìm kiếm kéo dài hai tuần tiêu tốn 4 triệu USD, một con số đáng kinh ngạc vào năm 1937. Không có bằng chứng nào được tìm thấy. Amelia Earhart được tuyên bố chính thức qua đời vào ngày 5/1/1939.
Trong báo cáo của mình, chính phủ Mỹ kết luận rằng máy bay của cô đã hết nhiên liệu và đâm xuống đại dương và chết đuối. Điều gì đã xảy ra sau vụ tai nạn vẫn chưa rõ ràng. Trước những bí ẩn xung quanh sự kiện này, một số giả thuyết đã xuất vẫn đang được tranh luận cho đến ngày nay.
Một giả thuyết cho rằng Amelia là điệp viên bí mật của chính phủ và cô đã bị bắt làm tù binh vì cố gắng do thám các hòn đảo do Nhật Bản chiếm đóng. Song cuối cùng thì không có giả thuyết nào được chứng minh là đúng, và vì vậy sự biến mất của Amelia Earhart vẫn là một trong những bí ẩn phổ biến nhất của lịch sử nước Mỹ, tạo cảm hứng cho hàng chục bộ phim, bài hát, kịch và sách...
Hải Thư (Theo Time, History, Britanica, The Vintage news)
Xem thêm: lmth.9648934-tad-iart-hnauq-gnov-yab-neit-uad-gnoc-ihp-un-auc-na-ib-hcit-tam-uv/ten.sserpxenv