Nhiều nhà đầu tư cho biết đang tính toán cơ cấu lại danh mục trong tuần mới. Trong ảnh là một nhà đầu tư đang theo dõi thị trường - Ảnh: BÔNG MAI
Sau khi bật lên mốc 1.500 điểm, VN-Index giảm khá sâu trong tuần qua (29-11 đến 3-12) và đóng cửa tại mốc 1.443,32, tương đương giảm 50 điểm (-3,33%) so với tuần trước. Thanh khoản thị trường cũng bị sụt giảm mạnh, song không quá thấp, đạt bình quân 28.000 tỉ đồng/phiên.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, điều này khiến nhiều nhà đầu tư hồi hộp, lo lắng và chờ đợi nhiều ở phiên giao dịch đầu tuần.
Áp lực giảm điểm đè nặng ở rổ VN30, trong khi có hơn 15 mã bị âm tới 5% trong tuần qua, chỉ có cổ phiếu VIC (Vingroup) và NVL (Novaland) ghi nhận tăng tương đối.
Ở một tuần đầy biến động, khối ngoại bán ròng hơn 3.300 tỉ đồng, tập trung vào nhóm bất động sản, dịch vụ, tài chính, tài nguyên cơ bản, thực phẩm ăn uống, ôtô và phụ tùng, năng lượng... Trong khi đó, bán lẻ và y tế là hai ngành được nhà đầu tư ngoại đổ tiền vào mua ròng.
Cổ phiếu MSN (Masan), HPG (Tập đoàn Hòa Phát), DXG (Đất Xanh)... nằm trong top đầu bị khối ngoại bán ròng, điều ngược lại diễn ra ở cổ phiếu CTG (VietinBank), VND (Vindirect), STB (Sacombank)...
Ông Huỳnh Minh Tuấn, giám đốc môi giới hội sở Chứng khoán Mirae Asset, cho rằng diễn biến của thị trường tuần qua, đặc biệt phiên cuối tuần cho thấy sự hội tụ khá nhiều các yếu tố ảnh hưởng tới tâm lý kỳ vọng của thị trường gồm biến chủng mới Omicron, nhiều mã chứng khoán đã đạt được kỳ vọng chốt lời...
Về lệnh siết trái phiếu bất động sản, theo ông Tuấn, trong ngắn hạn sẽ ảnh hưởng tâm lý lên nhóm cổ phiếu bất động sản, vì nhà đầu tư suy luận theo hướng đơn giản siết trái phiếu là siết tiền, chứ khó đi sâu về chất lượng doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, xu hướng kết thúc đầu cơ cũng rất rõ khi hàng loạt mã theo dạng này đã bắt đầu có sự bán tháo mạnh và dứt khoát, khi đi lên quá nhanh và quá nhiều trong thời gian ngắn.
Điều này tạo ra tín hiệu "lo ngại ngắn hạn" cho thị trường, có thể tạo ra sự xoay chuyển tâm lý kỳ vọng ngắn hạn, khi các nhóm ngành và phân lớp cổ phiếu (vốn hóa lớn - trung bình - nhỏ) thể hiện sự suy yếu khi dòng tiền rút ra.
Tuần này (từ 6 đến 10-12), đội ngũ phân tích của Chứng khoán Yuanta Việt Nam dự báo chỉ số VN-Index có thể sẽ kiểm định lại ở vùng 1.420 - 1.425 điểm trong phiên giao dịch đầu tuần.
Đồng thời, thị trường có dấu hiệu bước vào giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tiêu cực cho nên nếu đà giảm tiếp tục diễn ra ở phiên giao dịch đầu tuần thì rủi ro ngắn hạn có thể tăng mạnh.
Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục giảm mạnh trong vùng bi quan cho thấy chiến lược ngắn hạn chủ đạo vẫn là giảm tỉ trọng cổ phiếu.
Yuanta khuyến nghị nhà đầu tư ngắn hạn tiếp tục hạ tỉ trọng cổ phiếu đưa về mức 40% danh mục và chưa nên mua mới khi rủi ro ngắn hạn có dấu hiệu gia tăng mạnh.
Dù vậy, rủi ro trung hạn vẫn ở mức thấp và xu hướng trung hạn vẫn duy trì ở mức tăng. Do đó, đơn vị phân tích khuyến nghị các nhà đầu tư trung hạn vẫn duy trì vị thế mua và nắm giữ tỉ trọng cổ phiếu cao trong danh mục.
Trải qua biến động của tuần vừa qua, dự báo gần cho tuần này, Chứng khoán SSI cho rằng chỉ số VN-Index đã xuyên thủng vùng hỗ trợ 1.465 - 1.470 điểm và đi về gần vùng hỗ trợ tiếp theo tại 1.435 - 1.425 điểm, đây là vùng hỗ trợ rất mạnh hình thành bởi vùng đỉnh lịch sử vào đầu tháng 7-2021.
Vì vậy, khả năng chỉ số VN-Index sẽ hồi phục trở lại từ vùng hỗ trợ này.
Chứng khoán Mỹ tiếp tục lao dốc
Trong lúc dữ liệu kinh tế Mỹ đang củng cố cho quyết định của Cục Dữ trự liên bang (FED) về việc sớm cắt giảm chính sách tiền tệ trong năm 2022, số lượng việc làm cải thiện, cùng với lạm phát có thể còn gia tăng mạnh, thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục giảm mạnh.
Chỉ số của sàn giao dịch chứng khoán điện tử Nasdaq đóng cửa giảm 1,9% xuống còn 15.085,47 điểm, mức hỗ trợ tiếp theo cho đà giảm ngắn hạn của chỉ số Nasdaq là 14.600 điểm.
Về phần chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones cũng giảm 0,17% lùi về 34.580,08 điểm. Cả chỉ số S&P 500 cũng giảm 0,84% xuống 4.538,43 điểm.
TTO - Các nhà đầu tư đã giảm nắm giữ các tài sản rủi ro trong tuần qua và vốn hóa thị trường chứng khoán ở Nhật Bản, Mỹ và châu Âu đã giảm nhanh chóng từ 4-5% so với trước thời điểm xuất hiện thông tin về biến thể Omicron.
Xem thêm: mth.11480138060211202-nah-nagn-gnort-maig-gnourt-iht-oab-ud-naohk-gnuhc-yt-gnoc-ueihn/nv.ertiout