Nhu cầu mới
Chị Nguyễn Thu Phương - nhân viên văn phòng tại TPHCM - cho biết, sau nhiều tháng làm việc tại nhà, nhóm bạn bốn người chung công ty của chị đều rơi vào trạng thái căng thẳng, uể oải và rất muốn được đi đâu đó để lấy lại cân bằng. Cả nhóm đang tham khảo một số chương trình tour riêng cho nhóm, chủ yếu muốn trải nghiệm các hoạt động chăm sóc sức khỏe như thiền, yoga, massage… để giảm stress, lấy lại năng lượng tích cực. “Có thể chúng tôi chọn đi Bình Châu (H.Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) hoặc chọn một khách sạn 5 sao lớn ngay tại TPHCM để nghỉ dưỡng trong tháng 12 này” - chị Thu Phương nói.
Trên nhiều diễn đàn, hội nhóm đam mê du lịch trên mạng xã hội, thời gian gần đây, du lịch chữa lành (wellness tour) luôn là chủ đề được thảo luận sôi nổi nhất. Phần lớn người quan tâm chủ đề này đang sinh sống, làm việc tại TPHCM, TP.Hà Nội - những nơi từng trải qua các đợt giãn cách xã hội dài, người dân hạn chế ra khỏi nhà và làm việc trực tuyến.
Việt Nam có rất nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển các tour chữa lành - Ảnh Q.Thái |
Loại hình du lịch chữa lành đã phổ biến ở nhiều nước nhưng còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Nhu cầu của du khách mới xuất hiện sau khi trải qua biến cố dịch bệnh nên các doanh nghiệp (DN) lữ hành chuyên nghiệp trong nước chưa kịp thiết kế những sản phẩm chưa hoàn toàn đúng với nhu cầu của du khách. Ở các tỉnh phía Nam, các DN thường đưa khách về khu du lịch Bình Châu vì nơi đây có suối nước nóng để ngâm chân, có rừng, có biển, đáp ứng được các tiêu chí của loại hình du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe. Rất nhiều du khách đánh giá tích cực sau khi trải nghiệm các dịch vụ ngâm, tắm nước khoáng nóng, kết hợp massage. Nơi đây cũng phù hợp với các hoạt động ngoài trời như đạp xe, câu cá, khám phá thiên nhiên.
Hiện Vietravel (Q.3) đang bán các gói sản phẩm nghỉ dưỡng “thanh lọc cơ thể” (detox) cho nhóm gia đình, nhóm bạn bè 4 - 8 khách từ TPHCM đến Bình Châu với giá 4,1 - 7,5 triệu đồng/người tùy số lượng người trong mỗi nhóm, lịch trình trải nghiệm 2 - 3 ngày.
Theo bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh - Phó Giám đốc Ban Tiếp thị, Công ty Du lịch Vietravel - đây là một sản phẩm mới của công ty. Tuy nhiên, thời điểm này, các loại hình mới như tour “detox” hay loại hình cũ như tham quan, nghỉ dưỡng đều chưa có nhiều khách. Phần lớn du khách vẫn còn tâm lý e ngại dịch bệnh, nhất là khi có sự xuất hiện biến chủng mới Omicron.
Du lịch chữa lành sẽ hút khách
Đại diện một số đơn vị lữ hành nhận định, nếu được tổ chức bài bản, tour du lịch chữa lành sẽ thu hút khách nhanh hơn các tour thông thường do nó phù hợp với trạng thái “bình thường mới”, khách đi tour này chỉ tiếp xúc trong nhóm.
Ông Hoàng Huy - Giám đốc Công ty Vitamin Tour - cho rằng, loại hình du lịch này không quá mới lạ nhưng gần đây nó được nhắc tới thường xuyên hơn, nhất là sau đợt giãn cách xã hội kéo dài nhiều tháng. Trước đây, một số DN đã đưa khách đến những nơi tương đối tĩnh lặng, nhịp sống chậm, phong cảnh đẹp để thiền, massage, nghỉ dưỡng… nhưng sản phẩm này chưa được quảng bá rộng rãi như các tour du lịch trải nghiệm, vui chơi thông thường nên có thể vẫn mới với một số người.
Dẫn việc các đoàn tìm đến Làng Mai - một trung tâm tu học và thực hành Phật pháp do thiền sư Thích Nhất Hạnh sáng lập - ông Hoàng Huy cho rằng, dù không gọi đó là tour du lịch nhưng nó gần như một tour du lịch chữa lành. Khách thường đi theo nhóm, đến Làng Mai để thiền, ăn chay, trao đổi về Phật pháp. “Tour chữa lành sẽ tròn trịa hơn, có người dẫn dắt, truyền đạt phương pháp tìm lại sự cân bằng tâm sinh lý cho du khách” - ông nói.
Theo ông Hoàng Huy, Thái Lan, Ấn Độ là hai quốc gia đang làm dạng tour này gần như tốt nhất thế giới. Ông từng trải nghiệm một tour chữa lành của Ấn Độ với chi phí 10.000 USD/tuần, có yoga, ăn chay, massage trị liệu. Các điểm đến của tour này không phải là kỳ quan thiên nhiên hay thắng cảnh đẹp mà chỉ là một trang trại biệt lập rộng khoảng 50ha, có cách tổ chức, phục vụ bài bản nên rất thu hút du khách. Việt Nam có những điểm đến rất lý tưởng như thiền viện Trúc Lâm Yên Tử (tỉnh Quảng Ninh) hay Lăng Cô (tỉnh Thừa Thiên - Huế) để khai thác dạng tour du lịch này.
“Các tour du lịch chữa lành hay tour sống chậm hướng tới khách lớn tuổi hoặc khách còn trẻ nhưng chịu áp lực lớn trong công việc, cần một khoảng thời gian tách biệt ra khỏi nhịp sống thường ngày. Đây là những sản phẩm mà công ty chúng tôi đang hướng đến” - ông Hoàng Huy chia sẻ thêm.
Ông Nguyễn Minh Mẫn - Giám đốc truyền thông - marketing, Công ty Du lịch TST - nhận định, nhu cầu du lịch chữa lành có xu hướng tăng ở phân khúc khách doanh nhân, người có thu nhập cao, còn đa số du khách vẫn nhắm đến loại hình du lịch nghỉ dưỡng, tái tạo sức khỏe ở điểm đến đẹp, yên bình. Khó khăn để triển khai hình thức du lịch này là tìm được nơi đảm bảo các tiêu chí an toàn, có tính riêng tư, phong cảnh thiên nhiên đẹp, trong lành, có các dịch vụ phù hợp. Hiện chưa có nhiều DN tổ chức tour chữa lành, nhưng sản phẩm này sẽ tăng trưởng tốt trong thời gian sắp tới.
Ông Lê Trương Hiền Hòa - Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM - cho biết, sở mới bắt đầu nghiên cứu, tổ chức loại hình wellness tour này sau trong đợt giãn cách xã hội vừa qua, đang đánh giá tiềm năng phát triển của nó. Ngành du lịch TPHCM lâu nay khai thác khá mạnh tour nha khoa hoặc tour khám chữa bệnh. Tour chữa lành sẽ giúp đa dạng hóa sản phẩm du lịch kết hợp y tế của TPHCM.
Gần đây, Sở Du lịch TPHCM đã liên kết với Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức các tour khép kín, đưa khách từ TP.HCM đến Bà Rịa - Vũng Tàu nghỉ dưỡng trong các khu resort đủ điều kiện, tiêu chuẩn đón khách. Những tour này giúp du khách giải tỏa áp lực, phục hồi tâm lý sau đợt cao điểm chống dịch COVID-19. Sắp tới, Phòng Quản lý lữ hành của sở sẽ nghiên cứu, phát triển các tour du lịch theo hướng chữa lành.
Quốc Thái
Xem thêm: lmth.3722541a-hnal-auhc-ruot-cac-ohc-ioh-oc-al-hcac-naig-uas/nv.moc.enilnounuhp.www