Sáng 6/12, Tòa án Nhân dân TPHCM xét xử bị cáo Trần Vĩnh Tuyến - nguyên Phó Chủ tịch UBND TPHCM, cùng đồng phạm, về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát lãng phí.
Liên quan tới vụ án, bị cáo Lê Tấn Hùng - nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI) - bị xét xử về tội tham ô tài sản và vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát lãng phí.
Trong phần thủ tục, thư ký phiên tòa thông báo bị cáo Hồ Văn Ngon - nguyên phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty SAGRI - vắng mặt và có đơn xin hoãn phiên tòa vì lý do đang điều trị bệnh ung thư.
Theo hồ sơ vụ án, bị cáo Ngon biết việc chuyển nhượng khu nhà ở tại phường Phước Long B, quận 9 (nay là TP Thủ Đức) phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn Nhà nước vào đầu tư sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, phải tiến hành thẩm định giá, xác định giá trị chuyển nhượng theo giá thị trường. Tuy nhiên, bị cáo Ngon đã thống nhất cũng bị cáo Lê Tấn Hùng chuyển nhượng toàn bộ dự án trên cho công ty Phong Phú gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền 627 tỷ đồng.
Bị cáo Hồ Văn Ngon từng giữ chức Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, Bí thư huyện ủy Cần Giờ, Bí thư quận ủy Thủ Đức.
Về việc bị cáo xin hoãn phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát đề nghị hội đồng xét xử (HĐXX) xem xét cân nhắc.
Bên cạnh đó, bị cáo Nguyễn Thị Tuyết Mai - Trưởng phòng hành chính nhân sự Tổng Công ty SAGRI - xin xét xử vắng mặt vì có tiếp xúc với F0 và đang theo dõi sức khỏe tại nhà.
Đối với yêu cầu này, cơ quan công tố đề nghị HĐXX chấp nhận vì trong hồ sơ vụ án đã có đầy đủ lời khai của nữ bị cáo.
Trước các tình huống trên, HĐXX quyết định tạm dừng phiên tòa để tiến hành xác minh tình trạng sức khỏe của bị cáo Ngon, phiên tòa sẽ được tiếp tục vào ngày 8/12.
Theo cáo trạng, trong giai đoạn giữ chức Tổng Giám đốc SAGRI, ông Lê Tấn Hùng biết việc chuyển nhượng dự án nhà ở tại phường Phước Long B, quận 9 (nay là TP Thủ Đức) chỉ xây dựng được 80% công trình kỹ thuật hạ tầng, chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, chưa đủ điều kiện để chuyển nhượng nhưng vẫn chỉ đạo cấp dưới hoàn thiện thủ tục, đề nghị UBND TPHCM chấp thuận để chuyển nhượng toàn bộ dự án cho Tổng Công ty Cổ phần Phong Phú.
Ông Trần Vĩnh Tuyến biết việc chuyển nhượng dự án phải thực hiện đúng quy định của pháp luật, phải tiến hành thẩm định giá, xác định giá trị chuyển nhượng theo giá thị trường…
Dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước, chưa đủ điều kiện và căn cứ pháp lý để chuyển nhượng, tuy nhiên ông Tuyến đã ký quyết định chấp thuận chuyển nhượng dự án phát triển khu nhà ở tại khu phố 4, phường Phước Long B, quận 9 do SAGRI làm chủ đầu tư cho Tổng Công ty Phong Phú.
Viện kiểm sát cho rằng quyết định của UBND TP chấp thuận cho SAGRI chuyển nhượng toàn bộ dự án cho Tổng công ty cổ phần Phong Phú chưa đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch.
Đây là cơ sở để ông Lê Tấn Hùng và các đồng phạm tại SAGRI tự ý quyết định giá trị dự án để chuyển nhượng trái pháp luật gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 672 tỷ đồng.
Ngoài ra, ông Hùng còn chỉ đạo nhân viên lập 10 hồ sơ, hợp đồng khống cho cán bộ, nhân viên SAGRI đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại nước ngoài để chiếm đoạt hơn 13 tỷ đồng, chiếm hưởng chi tiêu chung gần 9 tỷ đồng và thu lời bất chính từ số tiền lãi ngân hàng của các khoản tiền đã tham ô hơn 200 triệu đồng.
Xuân Duy - Hải Long