Nhân viên cứu hộ Indonesia khiêng thi thể một nạn nhân của vụ phun trào núi lửa ở làng Sumber Wuluh, tỉnh Đông Java, Indonesia ngày 6-12 - Ảnh: REUTERS
Rizal Purnama, một nhân viên cứu hộ, xác nhận với Hãng tin AFP: "Tất cả các đội cứu hộ đều tạm rút lui do có một đợt phun trào nhỏ".
Theo anh Purnama, hoạt động cứu hộ sẽ được nối lại ngay khi điều kiện an toàn cho phép.
Ngoài ra, dự báo khu vực này sẽ có mưa. Mưa kết hợp với tro nóng sẽ tạo một dòng sông dung nham nóng mới, càng khiến công tác cứu hộ gặp khó khăn.
Theo cơ quan thảm họa quốc gia Indonesia, vẫn còn 27 người được báo cáo là mất tích sau vụ phun trào trước đó, ngày 4-12. Hiện Indonesia đã xác nhận có 15 người chết và hàng chục người mất tích sau thảm họa này.
Trong bối cảnh nhiều người dân nôn nóng quay về nhà để kiểm tra đồ đạc và gia súc, các chuyên gia khuyên họ "cần phải cảnh giác vì đe dọa tiềm ẩn của núi lửa vẫn còn đó".
Thú nuôi bị thương nằm đau đớn ở làng Lumajang, tỉnh Đông Java, Indonesia ngày 5-12 - Ảnh: REUTERS
Theo AFP, trước khi phải tạm ngừng, dù khói dày vẫn bốc ra từ các khu vực bị tro núi lửa bao phủ, lực lượng cứu hộ vẫn cố gắng đào vào lớp dung nham nóng để cố gắng tìm kiếm những người sống sót - và tiếp cận các thi thể.
Nhiệm vụ của họ khó khăn hơn do dung nham bắt đầu cứng lại.
"Rất khó đào bới... với những công cụ đơn giản. Rất có thể những thi thể chưa được tìm thấy đã bị chôn vùi dưới dòng bùn nóng", anh Rizal Purnama nói.
Tại khu vực Sumberwuluh, Estianto Hendriantono, đội trưởng đội tìm kiếm và cứu hộ địa phương, cho biết: "Có 9 người được báo cáo là mất tích. Chúng tôi đã tìm thấy (thi thể của) 3 nạn nhân. Họ bị mắc kẹt dưới các khúc gỗ và đá, đất thì vẫn còn nóng nên rất khó đưa họ ra".
Trên mạng xã hội Facebook, nhiều người dân đăng thông tin tìm người nhà đang bị mất tích và kêu gọi cộng đồng cung cấp manh mối về vị trí của họ.
Indonesia đã cho thiết lập các bếp ăn công cộng và chăm sóc y tế cho hơn 1.700 người phải di dời tránh vùng nguy hiểm do tác động của núi lửa.
Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân tránh xa phạm vi 5km từ miệng núi lửa Semeru do không khí gần đó rất ô nhiễm. Tro và bùn núi lửa cũng làm ô nhiễm nguồn nước xung quanh núi Semeru.
Lần cuối cùng núi Semeru phun trào lớn là tháng 12-2020, hàng ngàn người dân cũng phải đi di tản trong đợt này.
Núi Semeru là ngọn núi cao nhất trên đảo Java cũng là một trong 100 ngọn núi lửa còn hoạt động ở Indonesia.
TTO - Theo Tân Hoa xã, ngày 21-6 ngọn núi lửa còn hoạt động mạnh nhất tại Indonesia là Merapi một lần nữa "thức giấc", phun trào tro bụi cao tới 6km lên bầu trời, buộc giới chức phải ban bố cảnh báo hàng không mức cao nhất.
Xem thêm: mth.26973526160211202-aisenodni-o-aul-iun-nahn-nan-oh-uuc-gnud-mat/nv.ertiout