Chia sẻ với chúng tôi, chị Huyền Ch, hiện đang sống tại Tp.Thủ Đức, Tp.HCM nhận mình là người có "duyên" với BĐS, và nhanh nhạy trong việc nắm bắt thông tin thị trường. Có lẽ đó là lý do mà tất cả những mảnh đất, căn nhà phố hay căn hộ "qua tay" chị Ch đều lên giá tốt.
Đó đều là những tài sản chị Ch mua để phục vụ cho nhu cầu sinh sống của gia đình nhỏ, nhưng vì giá lên tốt, chị trở thành nhà đầu tư "lúc nào không hay".
"Mỗi căn nhà mua đều để ở thôi, nhưng khi giá lên, tôi tính toán tài chính để cân đối và quyết định bán ra khi lựa chọn sau tốt hơn trước. Đồng thời, mỗi lần bán ra, tôi giải quyết được bài toàn vay ngân hàng với mức lời do BĐS lên giá. Thành ra, từ một người có số vốn khiêm tốn đi mua nhà để ở, tôi bỗng đam mê đầu tư BĐS…", Chị Ch (cười) cho hay.
Năm 2013, chị Ch lập gia đình. Hai vợ chồng trẻ tích cóp và vay thêm ngân hàng được 700 triệu đồng nên tìm mua căn nhà phố trong hẻm nhỏ tại Q.2 (Tp.HCM). Thế nhưng, sau khi sinh con, chị Ch nhận thấy căn nhà nhỏ này không đáp ứng được nhu cầu sống thoải mái của 2 vợ chồng và 2 con.
Sau 3 năm sinh sống, căn nhà lên giá 1 tỉ đồng, chị Ch quyết định bán để tìm mua một căn hộ chung cư cùng khu vực với mức giá 1.2 tỉ đồng/căn. Mục đích là có chốn an cư cho con cái ở thoải mái, tiện ích hơn khu nhà phố chật hẹp. Như vậy, để mua được căn hộ, chị Ch bán nhà và vay ngân hàng 200 triệu đồng để mua căn hộ.
Sau nhiều lần đổi chỗ, hầu hết các căn hộ "qua tay" chị Ch đều có mức chênh từ 300-400 triệu đồng
Sống ở căn hộ, chị Ch thấy khá thoải mái, nhưng trong tâm lý vẫn muốn tìm một nơi tốt hơn chỗ ở hiện tại. Với tài chính hạn hẹp, chị Ch cho biết, chọn mua căn hộ chung cư thời điểm đó là hợp lý, trong khi nhà đất giá đã tăng cao.
Ở căn hộ Q.2 được 2 năm, đến năm 2019, chị Ch lại rao bán với giá 1,550 tỉ đồng, tức chênh so với giá mua vào là 350 triệu đồng. Trả khoản vay ngân hàng mua nhà, chị Ch tiếp tục tìm một dự án khác để mua.
Lần này, chị Ch tiếp tục chọn mua tại Q.2 nhưng là dòng sản phẩm cao cấp hơn (căn hộ duplex), với giá 2,350 tỉ đồng/căn. Chị Ch vẫn tiếp tục câu chuyện vay ngân hàng để mua BĐS (cùng với tích lũy tăng thêm theo thời gian).
"Tôi tính toán, với mức tăng giá BĐS bao giờ cũng cao hơn lãi vay ngân hàng, cho nên dùng đòn bẩy tài chính để giải quyết bài toán nhà ở/đầu tư của mình ở giai đoạn mà nguồn vốn còn eo hẹp. Cứ mỗi lần BĐS tăng giá và bán ra, tôi đều vay ngân hàng thêm vài trăm triệu", chị Ch chia sẻ.
Sau khi ở được một năm, chị Ch tiếp tục rao bán căn hộ này với giá 2,750 tỉ. Như vậy, mức lời căn hộ là 400 triệu đồng trong vòng một năm.
Sau khi bán căn hộ, chị Ch lại tiếp tục mua một căn hộ khác tại Q.9, và bắt đầu nung nấu ý định mua nhà đất tại khu vực này để ở. Theo đó, trong quá trình ở căn hộ mới được vài tháng, năm 2020, chị Ch "ngắm nghía" được căn nhà phố đang rao bán tại phường Phước Long B với giá 4.5 tỉ đồng.
Do nắm được giá cả thị trường BĐS nên chị Ch nhận thấy mức giá này là hợp lý. Nếu bán hết tài sản cộng với tích luỹ, vợ chồng chị có khoảng 3 tỉ đồng, tức phải vay thêm 1.5 tỉ để mua được nhà đất.
Căn nhà phố tại Tp.Thủ Đức, chị Ch mua năm 2020, bán ra lời 1 tỉ đồng sau 8 tháng sinh sống. Thời điểm chị mua vào, giá tăng liên tục do thông tin thành lập Tp. Thủ Đức
Nói rồi làm, chị Ch bắt đầu đi thương lượng với chủ nhà để mua căn nhà phố 3 tầng. Thời điểm đó, thông tin thành lập Tp.Thủ Đức rục rịch, cho nên vừa mua xong, căn nhà của chị tăng giá liên tục. Trong 8 tháng, căn nhà từ 4.5 tỉ tăng lên 5.7 tỉ đồng. Chị Ch quyết định bán ra và tìm mua một mảnh đất gần đó để tự xây nhà.
Vì có chồng làm trong lĩnh vực xây dựng, nếu tự xây, chị tính toán sẽ tiết kiệm được chi phí xây nhà, trong khi đó, tự ý để thiết kế căn nhà theo cách của mình và vẫn có khoản dôi ra để trả nợ vay ngân hàng (kéo giảm tiền vay ngân hàng xuống).
Theo chị Ch, việc nhạy với thông tin thị trường BĐS chính là bí kíp để mua được BĐS tăng giá tốt. Khi quyết định mua BĐS khu vực nào, vào thị trường thời điểm nào cũng cần quan sát kỹ lưỡng.
Thời điểm chị mua nhà phố tại Q.9 cũng là lúc thông tin về thành lập Tp.Thủ Đức từ "manh nha" đến hiện thực hoá, nên căn nhà tăng giá nhanh. Trong khi, từ lúc bán ra đến nay giá căn nhà chỉ nhích nhẹ, một phần vì thị trường ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
"Mảnh đất mua được rất ưng ý nên khi căn nhà kia được giá là tôi bán ngay. Mảnh đất mua có giá 3.8 tỉ đồng, tiền xây dựng khoảng 1.2 tỉ đồng, vẫn dôi ra 700 triệu để trả bớt phần ngân hàng và có thể giải quyết được một số việc như biếu ông bà để xây căn nhà mới ở quê…", cho Ch cho hay.
Như vậy, với tính toán "2 trong 1", BĐS vừa để ở trở thành khoản đầu tư sinh lợi, chị Ch cho rằng, nếu biết tính toán thì sẽ giải quyết được vấn đề tài chính trong vay vốn ngân hàng. Thay vì ôm nợ ngân hàng 1.5 tỉ đồng thì có thể rút ngắn khoản vay xuống khoảng 900 triệu đến 1 tỉ bằng việc tăng giá BĐS rồi chốt lời, vừa không bị áp lực, trong khi vẫn giải quyết được câu chuyện nhà ở.
"Đến thời điểm hiện tại, tôi khá ưng ý với việc mua đất xây nhà, nên không còn nuôi ý định đổi nhà liên tục nữa. Miếng đất căn nhà hiện tại xây xong có thể bán được 5.5 tỉ đồng (tức chênh 500 triệu đồng so với giá mua vào), nhưng tính toán cũng không còn chỗ nào ưng ý để mua vào, vì giá cả BĐS liên tục thiết lập mặt bằng mới. Cho nên, hiện tại, tôi xác định đây là chốn an cư và là khoản đầu tư lâu dài", chị Ch chia sẻ.
Được biết, chị Ch có ý định không gắn bó với Sài Gòn lâu dài nên căn nhà vợ chồng chị đang xây vừa là tài sản để ở, vừa là sẽ là khoản đầu tư về già. Cho nên, mua đất – xây nhà được xem là mục tiêu đầu tư lâu dài của chị.
Vốn là người có "duyên", cộng một chút "mát tay" với BĐS nên theo chị Ch, việc rao bán căn hộ của chị rất nhanh chóng. Hầu hết các căn hộ đều do chị tự rao bán trong các group cư dân, không thông qua môi giới và có khách chốt sau đó vài hôm. Riêng căn nhà phố là chị nhờ môi giới và cũng tìm được khách khá nhanh.
Tích lũy qua nhiều năm bán BĐS trên chính tài sản mua ở, chị Huyền Ch đúc kết, nếu có tài chính chừng nào thì lựa BĐS phù hợp tài chính chừng đó. Sau đó, khi có tiền tích lũy tốt hơn sẽ "đổi nhà", khi đó giá BĐS mua cũng đã tăng lên một nấc. Nghĩa là, chịu khó di chuyển, sẵn sàng di chuyển nếu BĐS mua ở được giá tốt và kiếm BĐS có lợi cho mình hơn.
Dĩ nhiên, phải biết tìm một BĐS có vị trí ổn, thiết kế căn nhà đẹp. Nếu xác định là tài sản vừa ở, vừa đầu tư không nên chọn căn hộ gần thang máy, thùng rác… sẽ dễ ra hàng sau đó. Căn nhà đẹp chính là khoản gia tăng trong đầu tư, không bị mất giá.
Cùng với đó, để căn hộ bán được giá tốt dù đã ở thì nên chọn căn hộ mới bàn giao, tức chưa có ai ở (có thể là NĐT khác đã mua nhưng họ chưa ở mà để bán lại), nếu mình vào ở 1-2 năm thì căn hộ vẫn mới, bán vẫn có giá.
"Đặt tâm lý của mình là người mua ở vào người mua BĐS sau đó để tìm kiếm căn hộ. Khi mình đã thích thì họ cũng sẽ thích, chắc chắn sẽ không mất giá khi bán ra", chị Ch chia sẻ.
Theo chị Ch, nếu người trẻ có tài chính khiêm tốn thì lựa chọn căn hộ để mua là hợp lý. Tuy nhiên, nếu xác định đó là khoản vừa ở, vừa đầu tư thì nên chọn căn hộ mới bàn giao, chưa ai ở.
Nếu tài chính khiêm tốn, chị Ch cho rằng, chấp nhận vay ngân hàng trong khả năng chi trả được. Bởi chắc chắn giá nhà tăng bao giờ cũng cao hơn so với lãi suất ngân hàng. Cho nên, phương án vay ngân hàng luôn được chị áp dụng để gia tăng giá trị tài sản của mình.
Minh chứng là từ số tiền 700 triệu đồng căn nhà đầu tiên, hiện tài sản của chị Ch là căn nhà khang trang gần 6 tỉ tại Tp.Thủ Đức. Mặc chị vẫn vay ngân hàng nhưng khoản vay đó vẫn đang trong phạm vi kiểm soát được, cùng với số tiền tích lũy tăng lên theo thời gian, giá BĐS vẫn tăng thì đó là cách gia tăng giá trị tài sản.
Ngoài ra, chọn thời điểm để mua nhà và quyết định nhanh khi được giá cũng là yếu tố rất quan trọng. "Ở góc độ đầu tư, mức độ tăng giá chậm hay nhanh phụ thuộc vào việc thời điểm vào thị trường, cùng tổng thể các yếu tố về vị trí, thiết kế…", chị Huyền Ch nhấn mạnh.