Sinh viên Trường cao đẳng Đại Việt Sài Gòn trong lễ xuất quân tham gia hỗ trợ TP.HCM chống dịch - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Ngày 6-12, Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM có văn bản khẩn về tổ chức hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo kế hoạch của UBND TP đưa ra vào ngày 30-11.
Cụ thể, sở này đề xuất thí điểm dạy trực tiếp tại 5 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn bắt đầu từ ngày 13-12, bao gồm: Trường cao đẳng Lý Tự Trọng TP.HCM, Trường cao đẳng Nghề TP.HCM, Trường cao đẳng Đại Việt Sài Gòn, Trường cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng và Trường trung cấp Nghề kỹ thuật công nghệ Hùng Vương.
Đáng chú ý, các trường được tổ chức học trực tiếp cả học phần lý thuyết và thực hành cho những học sinh, sinh viên, học viên năm cuối để làm đồ án tốt nghiệp.
Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM cũng lưu ý người tham gia dạy và học phải đáp ứng đủ một trong các điều kiện sau: đã tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 không quá 6 tháng.
Sở cũng yêu cầu các trường cần định kỳ tổ chức vệ sinh, khử trùng toàn bộ khuôn viên. Cần bố trí đầy đủ các bình chứa dung dịch khử khuẩn tay trước các phòng học, xưởng thực hành cũng như lên phương án sử dụng phòng cách ly trong trường hợp phát hiện người học có biểu hiện bệnh.
Ngoài ra, từ nay đến ngày 12-12, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP xây dựng kế hoạch cho học sinh đi học lại tại đơn vị và báo cáo về Sở Lao động - thương binh và xã hội để thẩm định và trình UBND TP xem xét, quyết định.
Sở yêu cầu các trường thường xuyên cập nhật cấp độ dịch được UBND TP công bố. Trong đó, địa bàn ở cấp độ 1 và 2 được hoạt động trực tiếp nếu đảm bảo các quy định về an toàn phòng, chống dịch.
Các trường thuộc địa bàn cấp độ 3 và 4 tiếp tục tổ chức dạy học trực tuyến hoặc kết hợp trực tiếp và trực tuyến tùy theo phương án cụ thể được UBND TP chấp thuận.
TTO - Dự kiến đến năm 2030 không còn trường trung cấp công lập. Mỗi tỉnh thành chỉ có một trường cao đẳng công lập cấp tỉnh trên cơ sở sáp nhập các trường trên địa bàn.