Ngày 6-12, thị trường chứng khoán trong nước chứng kiến phiên lao dốc thứ 2 liên tiếp khi hàng trăm cổ phiếu lớn nhỏ trên sàn đồng loạt bị bán mạnh ở mức giá thấp. Trong 30 phút cuối giờ, có lúc VN-Index mất hơn 40 điểm xuống chỉ còn 1.400,87 điểm trước khi thu hẹp đà giảm còn 29,74 điểm (-2,06%) vào cuối giờ và chốt ở mức 1.413,58 điểm.
Các nhà đầu tư mới tỏ ra lo lắng trước áp lực giảm điểm của thị trường chứng khoán trong thời gian ngắn. Ảnh: TẤN THẠNH
Chỉ số của sàn Hà Nội (HNX-Index) cũng giảm tới 13,42 điểm (2,99%) xuống 435,85 điểm. UPCoM-Index của sàn UpCoM giảm 2,92 điểm (-2,6%) xuống 109,19 điểm.
Mặc dù giảm sâu nhưng thanh khoản thị trường vẫn giảm so với phiên trước. Tổng giá trị giao dịch trên 3 sàn đạt trên 41.200 tỉ đồng.
Như vậy, chỉ trong 2 phiên giao dịch trở lại đây, chỉ số chính của thị trường chứng khoán Việt Nam đã mất gần 70 điểm, xuống mức thấp nhất trong hơn 1 tháng trở lại đây, khiến những thành quả của các nhà đầu tư tích góp trong nhiều tháng gần như bị "thổi bay" hoàn toàn. Không ít nhà đầu tư mới tham gia trong tháng 11 thua lỗ nặng vì mua cổ phiếu ở mức giá cao.
Ghi nhận trên thị trường vài phiên gần đây, hầu hết nhà đầu tư đều trong tâm lý lo sợ thị trường có thể lặp lại kịch bản sụt giảm như hồi tháng 7 và 8 vừa qua. Lý giải về tình trạng gần đây của thị trường, ông Lê Vương Hùng, Giám đốc khối khách hàng cá nhân Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt, cho rằng thị trường chứng khoán đã tăng trưởng liên tục thời gian gần đây, VN-Index lần lượt vượt 1.400 điểm và 1.500 điểm chỉ trong thời gian ngắn nên việc điều chỉnh giảm mạnh là điều dễ hiểu khi nhiều nhà đầu tư có lời. Ngay cả những nhóm cổ phiếu chủ lực cũng không thể "đỡ" được thị trường trước áp lực chốt lãi. Ngoài ra, trong thời gian này, thị trường xuất hiện thông tin tiêu cực về chủng mới của virus SARS-CoV-2, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự kiến sẽ thu hẹp việc mua trái phiếu để kiềm chế lạm phát, thị trường chứng khoán thế giới giảm sâu càng khiến các nhà đầu tư trong nước lo lắng. Ngoài ra, theo ông Hùng, có thể nhà đầu tư nhận thấy gói kích thích kinh tế mà các chuyên gia đề xuất có thể chưa "đủ đô" nên chủ động chốt lời cổ phiếu thay vì tiếp tục nắm giữ để được hưởng lợi về chính sách.
Đặt câu hỏi về chủ trương siết trái phiếu doanh nghiệp của Chính phủ có ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán không, ông Hùng cho rằng chính sách này có yếu tố tiêu cực cho doanh nghiệp nhưng chỉ trong ngắn hạn còn về dài hạn thì lại tốt cho thị trường vì lành mạnh hóa tài chính cho nền kinh tế. Ngoài ra, nhóm cổ phiếu bất động sản đóng góp không quá nhiều tới các chỉ số nên cũng không đáng lo.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích khối khách hàng cá nhân của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, cho rằng một trong những lý do khiến thị trường giảm sâu là trong bối cảnh tỉ lệ cho vay đòn bẩy cao (margin), mà thị trường liên tục giảm trong những phiên của tuần trước đã làm nhóm cổ phiếu đầu cơ giảm, mất thanh khoản. Khi độ rủi ro tăng dần, buộc các công ty chứng khoán phải xử lý. Điều này dẫn đến hiện tượng bán giải chấp cổ phiếu khiến đà giảm của cổ phiếu và thị trường ngày càng lớn.
Nhận định thị trường trong ngắn hạn, theo ông Nguyễn Thế Minh, đà giảm chưa kết thúc, rủi ro có thể tăng dần vì áp lực cắt margin vẫn còn. Chưa kể, các quỹ đầu tư có thể sẽ chốt lời cuối năm hoặc nhiều nhà đầu tư đã lời nhiều cổ phiếu nhỏ và vừa thời gian qua bán ra để quản trị rủi ro. Tuy nhiên, điểm tích cực là vùng hỗ trợ 1.400 điểm của VN-Index có thể tạo lực cầu bắt đáy, giúp thị trường hồi phục hoặc ít nhất là chặn đà rơi tiếp. "Nhà đầu tư có thể nhân cơ hội này quay vòng vốn để chọn mua các cổ phiếu lớn, hoạt động kinh doanh tốt. Hạn chế mua nhóm vừa và nhỏ vẫn rủi ro cao nhưng nền tảng cũng không có nhiều yếu tố tích cực" - ông Minh đưa ra khuyến nghị.
Tài khoản mở mới cao kỷ lục
Ngày 6-12, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) công bố trong tháng 11 vừa qua, trung tâm nhận 221.314 tài khoản giao dịch được mở mới, cao gần gấp đôi những tháng trước và là kỷ lục mới của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Trong số này, nhà đầu tư cá nhân mở mới nhiều nhất với 220.602 tài khoản, nâng tổng số tài khoản lên hơn 4 triệu. Không riêng các cá nhân, tổ chức trong nước cũng ghi nhận kỷ lục mở mới 215 tài khoản.
Đáng chú ý, con số trên nhiều hơn những gì đạt được trong cả năm 2019 (192.567 tài khoản). Lũy kế đến ngày 30-11, Việt Nam có 4.083.325 tài khoản giao dịch chứng khoán, tăng hơn 1,3 triệu tài khoản so với cuối năm 2020.
Tr.Nguyễn
Xem thêm: mth.34701220260211202-aul-od-naohk-gnuhc/et-hnik/nv.moc.dln