Xóa 67 "điểm đen" ùn tắc nhưng giao thông vẫn phức tạp
Đề xuất trên được đưa ra trong bối cảnh, UBND thành phố và các sở ngành có liên quan vừa hoàn thành Chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc và đảm bảo an toàn giao thông giai đoạn 2016 - 2020. Đánh giá về kết quả kế hoạch này, ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông tăng từ 8,65% năm 2015 lên 10,07% năm 2020; tỷ lệ đáp ứng nhu cầu của vận tải hành khách công cộng tăng từ 11% lên 17,03%. Trong 5 năm qua, thành phố xử lý được 67 điểm ùn tắc giao thông; tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố hàng năm đều giảm cả ba tiêu chí.
Tuy nhiên, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội thẳng thắn nêu ra một số bất cập của giao thông và hạ tầng phục vụ giao thông Hà Nội. Trong đó, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông chưa đạt yêu cầu; tỷ lệ đất dành cho giao thông, tỷ lệ vận tải hành khách công cộng còn thấp; việc ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác tổ chức, quản lý, điều hành, giám sát giao thông còn chậm và thiếu đồng bộ; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông có lúc, có nơi còn chưa thường xuyên, chưa kiên quyết; ùn tắc giao thông vẫn còn diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông hàng năm tuy giảm cả 3 tiêu chí nhưng vẫn ở mức cao.
Từ các tồn tại trên, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội cho biết, thành phố cần phải tiếp tục xây dựng Chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc và đảm bảo an toàn giao thông cho giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó các mục tiêu, nội dung được ưu tiên thực hiện giai đoạn này, gồm: mỗi năm xử lý từ 7 điểm đến 10 "điểm đen" thường xuyên ùn tắc giao thông, hạn chế phát sinh mới các điểm ùn tắc giao thông. "Không để xảy ra các vụ ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút, xóa bỏ kịp thời các điểm đen về tai nạn giao thông, qua đó góp phần giảm tai nạn giao thông từ 5% -10% hàng năm trên cả ba tiêu chí (về số vụ, số người chết và số người bị thương)", ông Dương Đức Tuấn nêu rõ trong đề xuất gửi HĐND thành phố Hà Nội.
Tổng kinh phí chi cho các nội dung công việc để đạt mục tiêu trên, dự kiến là hơn 1.800 tỷ đồng, nguồn lấy từ là ngân sách thành phố.
Hơn 1.800 tỷ đồng chi cho những việc gì?
Trao đổi với PV Tiền Phong ngày 6/12, ông Nguyễn Nguyên Quân, Trưởng Ban Đô thị, HĐND thành phố Hà Nội cho biết, hiện tờ trình của UBND thành phố đã được gửi đến HĐND thành phố, Ban Đô thị được phân công thẩm định và có báo cáo thẩm tra.
Theo Ban Đô thị, trong tổng nguồn kinh phí hơn 1.800 tỷ đồng được UBND thành phố Hà Nội đề xuất, số tiền được chi cho 10 nhóm nhiệm vụ, đầu công việc. Trong đó có một số công việc được đánh giá là trọng tâm, bao gồm: thực hiện chỉnh trang đồng bộ 180 tuyến đường trên địa bàn 12 quận trên 560 tỷ đồng; lắp đặt 168 nút đèn tín hiệu giao thông, cải tạo hạ tầng, điều chỉnh tổ chức giao thông 46 tuyến đường, nút giao 419 tỷ đồng; nghiên cứu, tổ chức giao thông, sửa chữa các tuyến đường, các tuyến trục chính, các tuyến hướng tâm để giảm ùn tắc giao thông 404 tỷ đồng; 25 tỷ để đầu tư, lắp đặt một số cầu thép lắp ghép, dàn benley trên các sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét, Nhuệ... để kết nối giao thông khu vực 2 bên sông và dự phòng một số bộ dàn benley để xử lý kịp thời các sự cố hư hỏng cầu do thiên tai; tiếp tục thu hẹp dải phân cách đối với các tuyến đường đủ điều kiện để mở rộng tối đa mặt đường là 225 tỷ đồng.
Về các nhóm giải pháp thực hiện, Ban Đô thị lưu ý, UBND thành phố cần huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, trong đó ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách để tập trung triển khai nhanh, đồng bộ các dự án hạ tầng giao thông; chỉ đạo Sở GTVT, các Sở, ngành thành phố phối hợp chặt chẽ với UBND các quận của thành phố trong việc cải tạo, nâng cấp, chỉnh trang 180 tuyến phố Thành ủy đã nêu ra trong Chương trình số 03; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực vận tải hành khách, vi phạm về lấn chiếm lòng đường, hè phố, hành lang an toàn giao thông; duy trì trật tự tại các bến xe liên tỉnh, khắc phục tình trạng xe dù, bến cóc, sử dụng xe hợp đồng hoạt động; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại, thông minh trong tổ chức, quản lý giao thông…
Đề cập đến các giải pháp chống ùn tắc, đảm bảo giao thông lâu dài, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, thành phố tiếp tục nghiên cứu và thực hiện các giải pháp nhằm hạn chế ùn, tắc giao thông và ô nhiễm môi trường khu vực trung tâm.
Giải pháp được thành phố thực hiện với 2 nội dung, bao gồm đề án "Thu phí phương tiện cơ giới đường bộ vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường"; đề án "Phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030" (Đề án dừng hoạt động xe máy tại các quận nội thành).
Đối với Đề án dừng hoạt động xe máy tại các quận nội thành, ông Quyền cho hay, trước khi dừng hoạt động toàn bộ xe máy tại các quận nội thành vào năm 2030 như kế hoạch, thành phố đang xây dựng các phương án phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy tại một số khu vực.
Theo Trọng Đảng
Tiền phong
Xem thêm: nhc.34591158070211202-ion-ah-od-ion-cuv-uhk-yam-ex-mac-taux-ed/nv.zibefac