Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) mới cho biết, ngày 3/12, Đội QLTT số 8, Cục QLTT TP Hải Phòng phối hợp cùng Đội 3, Phòng Cảnh sát Môi trường (Công an TP Hải Phòng) tiến hành kiểm tra một cơ sở sản xuất chế biến do ông Phạm Năng Út làm chủ.
Qua quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện tại cơ sở đang chứa trữ 7,5 tấn lòng già có trị giá khoảng 50 triệu đồng. Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở xuất trình cho Đoàn kiểm tra giấy đăng ký kinh doanh hộ cá thể tuy nhiên không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ hợp phẩm của các sản phẩm trên. Do đó, đoàn kiểm tra đã phối hợp cùng Chi cục chăn nuôi và thú y tiến hành lấy mẫu để kiểm nghiệm.
Lực lượng chức năng kiểm tra tại hiện trường.
Ngày 4/12, Chi cục thú y vùng II có kết quả trả lời các mẫu sản phẩm trên nhiễm virus dịch tả lợn châu phi. Cục trưởng Cục QLTT thành phố Hải phòng ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Hộ kinh doanh Phạm Năng Út với số tiền là 42,5 triệu đồng về hành vi kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc và Kinh doanh hàng hoá dịch vụ thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện mà không có giấy phép theo quy định.
Số sản phẩm trên đã bị buộc tiêu hủy toàn bộ trên dưới sự giám sát, hướng dẫn của chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng có liên quan theo quy định của pháp luật.
Toàn bộ sản phẩm lòng già bị phát hiện tại hiện trường đều dương tính với dịch tả lợn châu Phi.
Hiện nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi đang có diễn biến phức tạp. Tính đến tháng 11, bệnh dịch đã xảy ra tại hơn 2.200 xã của 57 tỉnh, thành phố. Số lợn bị tiêu hủy lên hơn 230.000 con, gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2020. Dịch có nguy cơ lây lan trên diện rộng, tác động lớn, tiêu cực đến ngành chăn nuôi, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và cung cầu thực phẩm.
Trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 32/CT-TTg ngày 25/11/2021 về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp chỉ đạo tập trung các nguồn lực của địa phương để tổ chức xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới; tổ chức xử lý tiêu hủy động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh, chết; tổng vệ sinh, phun thuốc khử trùng, tiêu độc (bằng vôi bột, hóa chất,...); kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật làm lây lan dịch bệnh theo quy định.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!