Trong khi lãi suất cao nhất tại các ngân hàng phổ biến trong khoảng 5,5-6,5%/năm, cá biệt có một số ngân hàng đẩy lãi suất huy động lên tới 7%, thậm chí 8%/năm.
Theo khảo sát của PV Báo Lao Động trong chiều ngày 7.12, mặt bằng lãi suất huy động tiền đồng (VND) tại các ngân hàng trong các ngày gần đây có nhiều biến động đáng chú ý.
Cụ thể tại các ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước và các ngân hàng thương mại có quy mô lớn như Vietcombank, VietinBank, BIDV hay Techcombank, lãi suất huy động VND cao nhất trong ngày 7.12 chỉ dao động trong khoảng 5,5 - 5,6%/năm.
Như tại Vietcombank, mức lãi suất cao nhất 5,5%/năm hiện chỉ được áp dụng với kỳ hạn huy động 12 tháng. Trong khi đó các kỳ hạn dài hơn từ 24 tháng đến 60 tháng chỉ được áp dụng lãi suất 5,3%/năm.
Còn tại BIDV, ngân hàng này hiện đang áp dụng một biểu lãi suất huy động duy nhất 5,5%/năm cho đồng loạt các kỳ hạn từ 12 tháng đến 36 tháng. Đây cũng là mức lãi suất cao nhất tại BIDV hiện nay.
Trong khi đó, ghi nhận của PV Báo Lao Động cho thấy, mặt bằng lãi suất huy động tại các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ lại đang tăng cao hơn đáng kể so với các ngân hàng nhà nước hoặc có quy mô lớn.
Thậm chí trên cùng một tuyến phố như tại Trung Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội), hai ngân hàng có phòng giao dịch sát nhau nhưng có lãi suất chênh lệch tới 1,5%/năm.
Cụ thể trong khi lãi suất cao nhất tại BIDV, Techcombank chỉ vào khoảng 5,5-5,6%/năm, lãi suất cao nhất tại một số ngân hàng có quy mô nhỏ hơn như Quốc Dân (NCB) và VietBank lại đang được áp dụng ở mức 6,7-7%/năm.
Cá biệt một phòng giao dịch của ngân hàng cổ phần SHB trên địa bàn quận Ba Đình (Hà Nội) thậm chí đang treo biển lãi suất huy động cao nhất lên tới 8%/năm với tiền gửi VND.
So sánh với biểu lãi suất huy động cao nhất đang được các ngân hàng áp dụng tính đến đầu tháng 12, mức 8%/năm nói trên là mức lãi suất cao nhất ghi nhận trên thị trường đến thời điểm hiện nay.
Như phản ánh của Lao Động, mặt bằng lãi suất huy động xuống thấp là một trong những yếu tố khiến người dân liên tiếp rút tiền tiết kiệm ngân hàng trong 2 tháng 8-9.2021.
Cụ thể chỉ trong hai tháng trên, tổng số dư tiền gửi, tiết kiệm của người dân tại các ngân hàng lại diễn biến trái chiều khi liên tục đi xuống trong hai tháng liên tiếp. Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến cuối tháng 9.2021, tổng số dư tiền gửi của người dân giảm tới 2.459 tỉ đồng so với cuối tháng 7.2021.
Theo đánh giá của các chuyên gia tài chính, việc các ngân hàng lần lượt giảm mạnh lãi suất huy động vốn là yếu tố khiến nhiều người rút tiền chuyển sang kênh đầu tư khác.
"Các tác động của dịch COVID-19 cùng với việc lãi suất tiết kiệm liên tục giảm đã khiến cho tiền nhàn rỗi trong cư dân chảy vào các kênh có khả năng sinh lời cao hơn như bất động sản hay chứng khoán và giảm tiền gửi tại hệ thống ngân hàng" - các chuyên gia phân tích của chứng khoán BVSC nhận định.
Tuy nhiên các tháng cao điểm cuối năm, đặc biệt là giai đoạn gần Tết Nguyên đán thường là thời điểm bùng nổ nhu cầu vay vốn tiêu dùng và phục vụ sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.
Theo đó mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng thường có xu hướng được điều chỉnh tăng nhằm kích thích nhu cầu gửi tiền của người dân, đảm bảo nguồn vốn phục vụ cho vay.
Xem thêm: odl.969189-man8-hnid-mahc-ogn-tab-gnah-nagn-taus-ial/et-hnik/nv.gnodoal