Bài hát Tiến quân ca, một nhạc phẩm của cố nhạc sĩ Văn Cao, theo tiến trình lịch sử đã trở thành quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Việt Nam từ năm 1946 cho đến nay.
Tiến quân ca của nhạc sỹ Văn Cao thuộc về nhân dân và đất nước Việt Nam. (Ảnh tư liệu)
Tiến quân ca là tác phẩm của công chúng và được Nhà nước, công chúng thừa nhận. Cụ thể, khoản 3 Điều 13 của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2013 quy định: Quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhạc và lời của bài Tiến quân ca. Ở phương diện quyền tác giả thì chính bà Nghiêm Thúy Băng, vợ cố nhạc sĩ Văn Cao, có thư ngỏ lời gửi bộ trưởng Bộ VH-TT&DL về việc hiến tặng tác phẩm Tiến quân ca cho công chúng, Đảng, Quốc hội và Nhà nước. Đây cũng là tâm nguyện của cố nhạc sĩ Văn Cao khi còn sống.
Vào năm 2015, Thanh tra Bộ VH-TT&DL cùng Cục Bản quyền tác giả có thông báo dừng thu phí tác quyền tác phẩm Tiến quân ca khi Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đề xuất thu phí tác quyền ca khúc này trong trường hợp ca khúc được mở phục vụ thương mại.
Tuy nhiên, quốc ca đã bị tắt tiếng khi phát trên YouTube trong trận bóng đá Việt Nam - Lào tối 6-12. Lý do tắt tiếng bởi đơn vị sở hữu kênh YouTube khi phát sóng trận đấu muốn tránh các rắc rối về việc vi phạm bản quyền bản ghi quốc ca trên nền tảng YouTube.
Trước đó, cũng trong tháng 11, trong trận Việt Nam - Saudi Arabia thuộc vòng loại World Cup, đơn vị có bản quyền tiếp sóng trận đấu đã mất doanh thu khi phát trên YouTube do phần chào cờ khai mạc trận đấu có sử dụng bản ghi quốc ca Việt Nam của hãng đĩa Marco Polo (Mỹ) sản xuất. Điều này tạo ra tâm lý lo lắng cho những cá nhân, tổ chức thực hiện phát sóng hay tiếp sóng các chương trình có phần nghi thức chào cờ, sử dụng các bản ghi âm quốc ca nhưng không rõ chủ sở hữu đối với bản ghi là ai.
Thực tế, khi một ca khúc trở thành quốc ca được quy định trong Hiến pháp thì đó không đơn thuần là một bản nhạc mà là tiếng lòng, là tinh thần dân tộc, là tài sản quốc gia. Rất nhiều cá nhân, đơn vị phục vụ cho công chúng cũng như các sự kiện chung của đất nước với mục đích phi lợi nhuận rất có nhu cầu sử dụng. Để có một đối xử tử tế với chính tác giả ca khúc khi đã hiến tặng ca khúc cho Nhà nước; cũng như đối xử trân trọng với ca khúc quốc ca, Bộ VH-TT&DL nên tổ chức ghi âm bản thu giai điệu lẫn bản thu có lời quốc ca chuẩn và phổ biến trên tất cả hệ thống. Với các bản thu đó, bất kỳ ai cũng có thể dùng mà không cần xin phép, không cần trả tiền.
Ngoài ra, công tác truyền thông để người dân, đoàn thể, doanh nghiệp, các cá nhân hay tổ chức nắm bắt thông tin, biết cách tìm kiếm, an tâm tải và sử dụng đúng quy định các bản ghi quốc ca do Bộ VH-TT&DL thực hiện và phổ biến cũng rất cần thiết. Điều đó hạn chế tối đa tâm lý lo ngại, cũng như các rắc rối liên quan đến vấn đề bản quyền trong bối cảnh các nền tảng kỹ thuật số đã phát triển, việc livestream ngày càng thịnh hành, quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ ngày càng được thắt chặt.