Xây dựng nông thôn mới, nhiều nơi đã khai thác được tiềm năng, lợi thế của địa phương để xây dựng nên những điển hình tiêu biểu.
Mô hình hay từ tiềm năng của địa phương
Tại tỉnh Đồng Nai, thông qua Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã phối hợp các đoàn thể chính trị - xã hội xây dựng, nhân rộng những mô hình, cách làm hay trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan. Đến nay, tỉnh Đồng Nai đã xây dựng được 121 mô hình khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu gắn liền với những mô hình như: Ánh sáng dân sinh, Tổ tự quản vệ sinh môi trường, Ngày thứ bảy xanh - sạch - đẹp…
Bên cạnh đó, có 41 mô hình trong lĩnh vực giữ gìn an ninh trật tự, phòng - chống tội phạm và tệ nạn xã hội đang hoạt động hiệu quả, phát huy vai trò tích cực, sáng tạo trong tự quản, tự phòng của nhân dân. Điển hình như: Đội xe "ôm" tham gia bảo vệ an ninh trật tự, Đội Dân phòng nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Khu nhà trọ công nhân “An toàn - Văn minh - Không tội phạm và tệ nạn xã hội, Tiếng kẻng an ninh…
Nhiều huyện nông thôn của Hà Nội cũng đẩy mạnh phong trào sản xuất “xanh”, môi trường “xanh” trong tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Theo ông Chu Văn Khang - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chương Mỹ (Hà Nội), từ đầu năm đến nay, nông dân trên địa bàn đã xây dựng được 40 mô hình bảo vệ môi trường trong đó có những mô hình hàng cây nông dân, những tuyến đường nở hoa, những hồ ao không rác thải, nước thải đổ xuống. Hội đã phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chương Mỹ khảo sát, thí điểm triển khai mô hình "Cánh đồng không khói" trên địa bàn các xã Đồng Phú, Hòa Chính, Văn Võ, Thượng Vực…
Hội cũng đã cùng các hội cấp xã tuyên truyền, vận động hội viên thành lập các câu lạc bộ bảo vệ môi trường, triển khai các mô hình giảm thiểu thuốc bảo vệ thực vật hóa học, chuyển sang dùng thuốc sinh học, chống thuốc lậu và thu gom vỏ bao sau khi sử dụng để vào đúng nơi quy định, chờ xử lý.
Tại huyện Đan Phượng (Hà Nội), phong trào xây dựng nông thôn mới nâng cao với tại xã Thọ gắn liền với phấn đấu đảm bảo tiêu chí môi trường, xử lý chất thải sau khi thu hoạch làm phân hữu cơ. Người dân được tuyên truyền tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp, đặc biệt là rơm rạ, không đốt rơm, rác gây ô nhiễm môi trường (khói ngạt)….
TP.Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang) đã được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới với những thành tích tiêu biểu về ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Ðến nay, TP.Bắc Giang đã quy hoạch và xây dựng ba vùng sản xuất rau an toàn ở các xã Song Mai, Tân Mỹ và phường Ða Mai với diện tích 30ha; xây dựng được nhiều cánh đồng mẫu có diện tích từ 30-50ha, hằng năm đều tập trung đưa vào sản xuất các cây trồng có giá trị, có liên kết sản xuất.
Phong trào xây dựng nông thôn mới, sản xuất giởi, nông dân được hỗ trợ xây dựng hạ tầng (đường nội đồng, kênh mương, nhà lưới, giếng khoan, nhà sơ chế) vùng sản xuất rau an toàn. Nông dân cũng đượcc hỗ trợ giống, vật tư, được tuyên truyền, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP. Do đó, hàng năm, diện tích sản xuất rau an toàn, rau chế biến trên địa bàn 6 xã đạt hơn 300ha, mang lại thu nhập tốt cho nông dân.
Hiện nay, phấn đấu xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu, TP.Bắc Giang đang triển khai "mô hình làng thông minh, xã kết nối". Hướng đi mới này gắn với chuyển đổi số và khoa học - công nghệ, giúp áp dụng những cách làm hay, những mô hình hiệu quả nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, hiện đại hóa nông nghiệp.
Không có điểm kết thúc trong xây dựng nông thôn mới
Theo Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, sau 10 năm triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, khu vực nông thôn nước ta đã có những chuyển biến rõ nét trên hầu hết mọi lĩnh vực phát triển, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, cải thiện đời sống của nông dân.
Để xây dựng nên những vùng quê đáng sống, nông thôn hiện đại, văn minh, nông dân sáng tạo, thông minh…, mục tiêu xây dựng nông thôn mới giai đoạn tiếp theo đề cao vấn đề chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất, dịch vụ. Với mục tiêu đó, ngày 28.7.2021, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 25/2021/QH15 phê duyệt chủ trương đầu tư cho Chương trình giai đoạn 2021 - 2025, với mục tiêu đi vào chiều sâu xây dựng nông thôn kiểu mẫu, nâng cao.
Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có khoảng 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó, có ít nhất 20% số huyện đạt chuẩn được công nhận là huyện nông thôn mới nâng cao và huyện nông thôn mới kiểu mẫu…
Theo Bộ NNPTNT, việc triển khai 6 đề án/chương trình chuyên đề trọng tâm nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng đời sống của người dân nông thôn và giải quyết các vấn đề bức xúc, tồn tại trong xây dựng nông thôn mới nổi lên sau 10 năm thực hiện, gồm: Chương trình khoa học - công nghệ phục vụ xây dựng NTM; Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP); Đề án về phát triển du lịch nông thôn gắn với bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống trong xây dựng nông thôn mới; Đề án môi trường, vệ sinh, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn; Đề án chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh; Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh, trật tự trong xây dựng nông thôn mới...
Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đặt mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới, được thiết kế xoay quanh ba trụ cột: “Nông nghiệp sinh thái”, “Nông thôn hiện đại”, “Nông dân thông minh” hoàn toàn phù hợp với các định hướng chiến lược của quốc gia trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan khẳng định: Ngành nông nghiệp cần những bước đi táo bạo và có tầm nhìn để chuyển đổi nông nghiệp xanh và bền vững. Phải hành động ngay trong việc thay đổi mô hình phát triển nông nghiệp nhằm đảm bảo tính bền vững, cạnh tranh và khả năng phục hồi khi đối mặt với nhiều thách thức ảnh hưởng đến nông nghiệp.