Báo cáo "Bất bình đẳng thế giới 2022" dựa trên công trình của hơn 100 nhà nghiên cứu trên toàn cầu, dẫn đầu bởi các nhà kinh tế tại Trường Kinh tế Paris (Pháp) và Đại học California tại Berkeley (Mỹ). Phiên bản đầu tiên của nghiên cứu được công bố vào năm 2018.
Báo cáo thông tin, khoảng 2.750 tỷ phú đang kiểm soát 3,5% tài sản của thế giới. Con số này cao hơn nhiều so với mức 2% khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát vào đầu năm 2020 và 1% của năm 1995. Trong khi, một nửa dân số nghèo nhất hành tinh chỉ sở hữu khoảng 2% tài sản của thế giới.
Dữ liệu: Global Inequality Lab
Điều này cho thấy bất bình đẳng ngày càng trầm trọng trong đại dịch, đang làm tổn thương các nền kinh tế đang phát triển, vốn thiếu thốn vaccine cũng như nguồn tài chính để chống đỡ. Với các nền kinh tế phát triển, thị trường tài chính và bất động sản tăng vọt kể từ đợt sụt giảm năm ngoái, làm gia tăng thêm khoảng cách giàu nghèo trong nước.
Lucas Chancel, Đồng giám đốc Global Inequality Lab nhận định: "Thực sự có sự phân cực này trên một thế giới vốn đã rất bất bình đẳng trước đại dịch". Ông cho hay, các tỷ phú đã tích lũy được khối tài sản 3.600 tỷ euro (4.100 tỷ USD) trong cuộc khủng hoảng đại dịch. Cũng trong giai đoạn này, Ngân hàng Thế giới ước tính có khoảng 100 triệu người đã rơi vào cảnh nghèo cùng cực.
Dữ liệu: Global Inequality Lab
Ở hầu hết các nơi trên thế giới, 10% người giàu nhất kiểm soát khoảng 60% đến 80% của cải. Song, báo cáo nêu bật một số khác biệt rõ ràng giữa các khu vực. Bất bình đẳng đã tăng vọt ở các nước đang phát triển. Theo nghiên cứu, sự chênh lệch giàu nghèo ở các nước này hiện chiếm hơn 2/3 tỷ lệ bất bình đẳng toàn cầu, tăng từ khoảng một nửa vào năm 2000.
Mỹ Latinh và Trung Đông là những khu vực bất bình đẳng nhất trên thế giới, với hơn 75% của cải nằm trong tay 10% người giàu. Tương tự như với Nga và khu vực châu Phi cận Sahara. Trong khi, các nền kinh tế mới nổi khác như Ấn Độ vẫn chịu cảnh "thiếu hụt tầng lớp trung lưu".
Bên cạnh đó, theo báo cáo, tại Việt Nam, nhóm thuộc 50% thu nhập thấp kiếm tiền ít hơn khoảng 13-16 lần so với nhóm 10% thu nhập cao. Tại Brazil, con số này là 29 lần, tại Pháp là 7 lần.
Khoảng cách giàu nghèo cũng được phản ánh trong mức độ xả thải carbon. Điển hình như tại Bắc Mỹ, 10% nhóm giàu nhất thải ra trung bình 73 tấn trên đầu người mỗi năm, so với ít hơn 10 tấn của một nửa dân số nghèo nhất.
Báo cáo đánh giá, châu Âu là khu vực bình đẳng nhất, dựa trên đo lương từ thu nhập và sự giàu có. 19% tổng thu nhập mà một nửa số người nghèo nhất châu Âu kiếm được cao hơn so với tỷ lệ tương đương của nhóm đó ở bất kỳ nơi nào khác. Các chính sách đại dịch như hỗ trợ thu nhập cho những người lao động bị bỏ việc có thể đã giúp ngăn chặn sự gia tăng khoảng cách giàu nghèo.
Hà Trần
Doanh nghiệp và Tiếp thị