Trong tương lai, người dân sẽ mua thuốc chữa Covid-19 như mua thuốc cảm cúm?
Sáng 8/12, tại kỳ họp HĐND TP.HCM thứ 4, đại biểu Đặng Quốc Toàn, Chánh văn phòng UBND TP.HCM đặt câu hỏi: Khi nào có thuốc điều trị Covid-19, được bán rộng rãi thuốc này tại các quầy thuốc tạo sự chủ động cho người dân?
Trả lời chất vấn, ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho hay thuốc kháng vi rút Molnupiravir sau thời gian thử nghiệm đã chứng minh hiệu quả rất rõ. Gần đây, trên thị trường có thêm loại thuốc Paxlovid của Mỹ cũng chứng minh hiệu quả rất tốt.
Kỳ họp thứ 4, HĐND TP HCM khóa X tiếp tục diễn ra phiên thảo luận tại hội trường sáng 8/12. Ảnh: Người lao động
Điều đáng mừng, hiện nay, hai công ty nắm bản quyền của hai loại thuốc này là Tập đoàn dược phẩm MSD của Mỹ và Công ty Pfizer đã đồng ý nhượng bản quyền cho Việt Nam và Bộ Y tế trong những ngày sẽ sắp xếp sản xuất trong nước.
"Hy vọng thời gian không xa nữa, lượng thuốc điều trị sẽ phong phú, không bị khan hiếm như thời gian qua", ông Thượng nói và cho biết ngành y tế tham mưu cho phép khi sản xuất đại trà rồi thì thuốc sẽ bán tại các nhà thuốc. "Trong tương lai, người dân có thể ra nhà thuốc mua thuốc kháng vi rút tự uống như loại thuốc cảm cúm bình thường", báo Tuổi trẻ ghi lời Giám đốc Sở Y tế TP.HCM.
Nhân viên y tế nghỉ việc nhiều gấp đôi năm ngoái
Tại buổi chất vấn, đại tá Phạm Văn Rậm, Phó tư lệnh Bộ Tư lệnh TP.HCM nêu thực tế nhân viên y tế nghỉ việc và đặt câu hỏi ngành y tế có chính sách gì để nhân viên y tế tiếp tục ở lại công tác.
Về vấn đề này, Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng cho biết thành phố có chỉ số 20 bác sĩ/vạn dân, cao gấp đôi cả nước. Nhưng nhìn ra các nước xung quanh, chỉ số của họ dao động 36-44-62/vạn dân. Như vậy, chỉ số này vẫn còn thấp so yêu cầu.
"Thực tế chỉ ra bình thường không thiếu nhưng khi dịch bùng phát lên thì rất thiếu bác sĩ", ông Thượng nói.Việc phân bổ y tế thì y tế cơ sở của thành phố thuộc diện thấp nhất cả nước, có 2,3 nhân viên y tế/vạn dân. Bình thường không thấy nhưng khi dịch bùng phát thì thấy rất rõ sự phân bố nhân viên y tế cơ sở quá thấp.
Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng.
Năm nay, số lượng nhân viên y tế nghỉ việc nhiều, khoảng 1.000 người, gấp đôi năm ngoái. "Lý do nghỉ việc chúng tôi dùng từ kiệt sức cũng không sai, gần 8 tháng trời chưa được nghỉ ngơi ngày nào với mức thu nhập thấp", ông Thượng nói.
Về giải pháp, ông Thượng cho biết ngành y tế đã xây dựng đề án gửi Thường trực UBND TP.HCM các cơ chế chính sách củng cố, nâng cao y tế cơ sở.Cụ thể, về giữ chân nhân viên y tế an tâm công tác, bớt nghỉ việc.
Ngành y tế kiến nghị chính sách trước mắt hỗ trợ về lương. Bác sĩ nhận thêm khoản bằng 1,5 lương tối thiểu vùng, còn điều dưỡng nhận thêm 1 lần lương tối thiểu vùng. Trước đây, TP.HCM đã có hỗ trợ cho nhân viên y tế cơ sở nhưng khá thấp, từ 400.000 - 1 triệu đồng/tháng.
Về chính sách thu hút nhân viên y tế đến các trạm, ông Thượng cho biết Sở Y tế đã làm việc với các trường đại học, đặc biệt là Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch về cơ chế mới để thu hút bác sĩ mới tốt nghiệp.
Hiện theo quy định, bác sĩ mới tốt nghiệp phải về bệnh viện thực hành 18 tháng mới được cấp chứng chỉ hành nghề.Nay ngành y tế kiến nghị bác sĩ mới tốt nghiệp về trạm y tế thực hành 12 tháng, 6 tháng ở bệnh viện. Điều này có lợi cho cả 2 phía. Bác sĩ mới tốt nghiệp về cơ sở gần dân hiểu dân thì sau này công tác thuận lợi hơn. Thứ 2 là có lợi cho trạm y tế, ước tính mỗi năm có 500 bác sĩ luân phiên xuống trạm y tế vừa công tác vừa thực hành.
"Để bác sĩ an tâm, kiến nghị thành phố hỗ trợ một phần chi phí sinh hoạt trong thời gian xuống y tế cơ sở, mỗi tháng nhận khoảng 1,5 lần lương tối thiểu vùng, không phải đóng tiền thực hành. Rất mong đề xuất này thành hiện thực để lúc nào cũng có lực lượng bác sĩ trẻ khám chữa bệnh cho người dân", báo Thanh niên dẫn lời Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng tại kỳ họp.
Theo B. Bình
Doanh nghiệp và Tiếp thị