Ngày 7-12, HĐND tỉnh Bình Thuận khóa XI đã khai mạc kỳ họp thứ 5. Kỳ họp được tổ chức bằng hình thức trực tuyến tại điểm cầu hội trường A - Trung tâm Hội nghị tỉnh và 9 điểm cầu tại các huyện, thị xã. Dự kiến kỳ họp sẽ tiến hành đến chiều 9-12.
Ông Nguyễn Hoài Anh, Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ tọa kỳ họp.
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2021, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Văn Đăng cho biết, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 11.264 tỉ đồng, vượt 35,39% so dự toán năm; giá trị sản xuất công nghiệp ước thực hiện 35.978 tỷ đồng, tăng 6,1% so với năm trước…
Ông Nguyễn Hoài Anh- Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ tọa kỳ họp. Ảnh NT
HĐND tỉnh đã dành thời gian để thực hiện quyền giám sát thông qua hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn.
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, vấn đề liên quan đến việc thực hiện chính sách hỗ trợ Bảo hiểm y tế đối với người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình trên địa bàn tỉnh đã được đưa ra làm rõ nhằm vận động nhân dân tham gia góp phần nâng cao tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm y tế toàn dân.
Một nội dung chất vấn quan trọng khác là công trình đường dây điện trung thế 22kv có chiều dài khoảng 22 km chạy dọc theo QL 1A qua khu dân cư các xã, thị trấn của huyện Hàm Tân đã được ông Lê Tuấn Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận trả lời bằng văn bản.
Cụ thể công trình này được đầu tư xây dựng, giai đoạn 1995 - 1997 đến năm 1999 bàn giao cho ngành Điện quản lý.
Tuyến đường điện trung thế này chạy dọc theo QL 1A, cách tim đường trung bình 40 - 45 m (nằm ngoài hành lang bảo vệ đường bộ quy định đối với Quốc lộ là 27 m).
Quang cảnh kỳ họp. Ảnh NT
Thời điểm xây dựng công trình điện mật độ dân cư trên tuyến đường QL 1A còn thưa thớt. Qua hơn 25 năm phát triển, cuộc sống của người dân đã khá lên, đầu tư xây dựng nhà ở nhiều hơn và chiều cao xây dựng các công trình nhà ở cũng cao hơn và điều này không thực hiện được, do vướng công trình đường điện 22 kv nằm hoàn toàn trong khu dân cư.
Đây là một vấn đề bức xúc mà người dân đã kiến nghị kéo dài từ nhiều kỳ tiếp xúc cử tri của HĐND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2016 - 2021 (Kỳ họp thứ 4, thứ 5, thứ 11) và Tổ đại biểu HĐND tỉnh đơn vị Hàm Tân khóa X đã chất vấn Chủ tịch UBND tỉnh, nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Theo UBND tỉnh Bình Thuận, công trình trên được thi công theo Nghị định số 70-HĐBT năm 1987 của Hội đồng Bộ trưởng quy định việc bảo vệ an toàn lưới điện cao áp.
Trong đó quy định không cho phép nhà ở, công trình kiến trúc nằm trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không, phải di chuyển nhà ở, công trình (nếu có) khỏi hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không (trừ những công trình đặc biệt được Bộ Năng lượng cho phép) khi thực hiện đầu tư xây dựng đường dây trung thế.
Do đó, đường dây trung thế 22 kV được xây dựng có hướng tuyến đi dọc, cách QL 1A với khoảng cách bình quân cách tim đường khoảng từ 40 – 45 m, nằm phía sau khu dân cư hiện hữu của các xã, thị trấn nêu trên tại thời điểm thi công công trình.
Do đó khi hoàn thành không có nhà ở nào của người dân trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện 22 kV.
Từ sau năm 1999 đến nay, do việc quản lý trật tự xây dựng tại địa phương chưa chặt chẽ để một số hộ dân tiến hành xây dựng nhà ở nằm trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện khi chưa được ngành điện thỏa thuận, hướng dẫn về các biện pháp đảm bảo an toàn điện trong quá trình xây dựng theo quy định của pháp luật nên dẫn đến một số nhà ở có mái nhà vi phạm khoảng cách an toàn phóng điện cấp điện áp 22 kV.
Người dân muốn tiến hành xây dựng nhà ở, nâng cấp, mở rộng nhà ở đảm bảo quy định khoảng cách hành lang bảo vệ an toàn đường bộ cách tim đường QL 1A là 27 m thì phải lùi sâu vào nằm phía trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện 22 kV và bị giới hạn về độ cao xây nhà ở do vướng chiều cao dây dẫn điện.
UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Công thương đã phối hợp Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng, UBND huyện Hàm Tân, Công ty Điện lực Bình Thuận khảo sát thực tế hiện trạng tuyến đường dây trung thế 22 kV đi dọc QL 1A qua huyện Hàm Tân.
Tổng chiều dài tuyến đường dây trung thế 22 kV qua khu dân cư các xã, thị trấn dài khoảng 20 km. Tổng số hộ dân có đất ở nằm trong hành lang bảo vệ an toàn dường dây dẫn điện 22 kV: 737 hộ dân; tổng số nhà ở nằm trong hành lang bảo vệ an toàn dường dây dẫn điện: 65 căn; tổng số nhà ở nằm trong hành lang bảo vệ an toàn dường dây dẫn điện có mái nhà vi phạm khoảng cách an toàn phóng điện: 38 căn (trong đó, khoảng cách nhỏ nhất là 0,8 m).
Toàn bộ 38 căn nhà này xây dựng sau khi công trình đường dây hoàn thành đưa vào vận hành.
Năm 2013, tranh thủ nguồn vốn vay ODA, Công ty Điện lực Bình Thuận đã lập phương án đầu tư, xây dựng mới lưới điện trung thế 22 kV dọc QL 1A mục tiêu đảm bảo cấp điện ổn định và thay thế dần tuyến đường dây trung thế hiện hữu trên.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, Tổng cục Đường bộ Việt Nam không chấp thuận cấp phép thi công công trình trong hành lang bảo vệ đường bộ QL 1A nên ngành điện phải cắt vốn điều chuyển sang đầu tư công trình khác.
Theo Công ty Điện lực Bình Thuận, trước mắt Công ty đề xuất phương án giải quyết là giữ nguyên hướng tuyến đường dây 22 kV như hiện nay để cấp điện ổn định cho sản xuất và sinh hoạt của người dân trong khu vực.
Công ty sẽ tiếp tục kiểm tra, rà soát lại hiện trạng các nhà ở, công trình của người dân hiện đang nằm trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp vi phạm khoảng cách an toàn phóng điện, sẽ xử lý bằng cách nâng độ cao dây dẫn tại các vị trí này để đảm bảo khoảng cách an toàn theo quy định.
Kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh Bình Thuận khóa XI dự kiến bế mạc vào chiều 9-12.
Công ty Điện lực Bình Thuận đề nghị chính quyền địa phương thông báo, tuyên truyền an toàn điện cho các hộ dân có có đất ở, nhà ở, công trình kiến trúc nằm trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện 22kV; đề nghị các hộ dân cần nghiêm túc tuân thủ quy định, không được tự ý xây dựng hoặc tiến hành sửa chữa, cơi nới nhà cửa, công trình trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp khi chưa được ngành điện thỏa thuận, hướng dẫn các biện pháp đảm bảo an toàn điện và cơ quan quản lý xây dựng ở địa phương cấp phép xây dựng.
Quá trình thực hiện cấp phép xây dựng, quản lý trật tự xây dựng tại địa phương, nếu kiểm tra phát hiện việc người dân xây dựng mới, nâng cấp, mở rộng nhà mà có chồng lấn với đường dây dẫn điện 22kV phải yêu cầu người dân tạm dừng xây dựng và liên hệ Điện lực Hàm Tân (đơn vị quản lý, vận hành lưới điện 22 kV) để được thỏa thuận, hướng dẫn về các biện pháp đảm bảo an toàn điện trong quá trình xây dựng.
UBND tỉnh Bình Thuận cho rằng, những kiến nghị phản ánh của các hộ dân là xuất phát từ việc xây dựng, cơi nới nhà ở, công trình vật kiến trúc của dân là hoàn toàn tự phát, vi phạm hành lang an toàn đường dây dẫn điện, trong khi đó chính quyền địa phương cũng như ngành điện Hàm Tân chưa phát hiện, xử lý ngay từ đầu.
Để tiếp tục xem xét giải quyết các kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Công ty Điện lực Bình Thuận, UBND huyện Hàm Tân tiếp tục nghiên cứu hoàn chỉnh các phương án dự kiến di dời đảm bảo đầy đủ thông tin về các yêu cầu thông số kinh tế, kỹ thuật, hiệu quả và tính khả thi của các phương án. Sau khi hoàn chỉnh các phương án sẽ thông tin cho người dân khu vực ảnh hưởng bởi đường dây 22kV biết.
Trường hợp có phương án di dời khả thi, hiệu quả sẽ báo cáo cấp thẩm quyền đề xuất đầu tư . Nếu không có phương án nào khả thi thì phải giữ nguyên hướng tuyến đường dây 22 kV như hiện nay nhằm cấp điện ổn định cho sản xuất và sinh hoạt của người dân trong khu vực như đã nêu trên.