Những ngày qua, sau khi hoàn tất bài kiểm tra giữa học kỳ một, năm học 2021-2022, một số phụ huynh, học sinh một lớp 7 tại một trường THCS ở TP.HCM tỏ ra băn khoăn về một câu hỏi trong đề môn Giáo dục công dân.
Theo thông tin từ phụ huynh, đề kiểm tra môn này thực hiện dưới hình thức trắc nghiệm. Tuy nhiên, trong đề có một câu liên quan đến phân biệt lòng yêu thương con người và lòng thương hại với các phương án không rõ khiến học sinh lẫn phụ huynh khó hiểu.
Cụ thể, ở câu 30, đề hỏi “lòng yêu thương con người và lòng thương hại khác nhau như thế nào?” và đưa ra bốn phương án lựa chọn. Gồm:
a/ Lòng yêu thương con người xuất phát từ mục đích vụ lợi; lòng thương hại xuất phát từ sự chân thành.
b/ Lòng yêu thương con người xuất phát từ tình cảm trong sáng; lòng thương hại xuất phát từ sự bao dung.
c/ Lòng yêu thương con người xuất phát từ tình cảm trong sáng; lòng thương hại xuất phát từ động cơ vụ lợi.
d/ Lòng yêu thương con người xuất phát từ mục đích hạ thấp giá trị con người; lòng thương hại xuất phát từ tình cảm trong sáng.
Theo một số phụ huynh và học sinh, ở câu này, phương án đúng là B nhưng đáp án của đề kiểm tra lại là C. Phụ huynh cho rằng đáp án này không thỏa đáng, vì giả sử một ai đó cho tiền người ăn xin vì thương hại họ nhưng không có vụ lợi gì với người ăn xin cả.
Các học sinh cũng đã gửi phản hồi đến giáo viên về đề kiểm tra này nhưng chưa được hồi đáp.
Nội dung câu hỏi trắc nghiệm gây băn khoăn trong đề kiểm tra giữa kỳ môn Giáo dục công dân tại một lớp 7 ở TP.HCM
Trước băn khoăn về đề kiểm tra này, để hiểu đúng, PLO đã có trao đổi với một số giáo viên phụ trách bộ môn giáo dục công dân ở khối THCS tại TP.HCM, tuy nhiên cũng nhận được những sự hồi đáp khác nhau.
Theo một tổ trưởng phụ trách về bộ môn này ở quận 12, các em đã học nội dung kiến thức câu hỏi này ở lớp 7 về lòng yêu thương con người và đây là dạng câu hỏi mở rộng với nội dung bao quát là để phân biệt giữa lòng yêu thương và lòng thương hại.
Về lý thuyết, lòng yêu thương phải xuất phát từ cái tâm, hoàn toàn vô tư, trong sáng, không có lợi ích. Ví dụ ai đó cho tiền để giúp một người nào đó khó khăn dù không quen biết. Còn lòng thương hại là ban phát tình cảm và lòng yêu thương cho người khác nhưng có mục đích cá nhân, là hạ thấp giá trị của mình.
Giáo viên này cho rằng, ở câu hỏi này, đáp án C là đúng nhưng phương án đưa ra chưa được chuẩn, gây nhầm lẫn cho học sinh.
“Đáp án đúng phải nên là lòng yêu thương con người xuất phát từ tình cảm trong sáng; lòng thương hại xuất phát từ động cơ vụ lợi, hạ thấp giá trị bản thân. Như vậy học sinh sẽ dễ hiểu hơn” – giáo viên này nói.
Tuy nhiên, giáo viên này cũng cho rằng học sinh chọn phương án B cũng đúng vì góc nhìn của các em là từ sự bao dung dù phương án đưa ra còn mập mờ chứ không hẳn sai.
“Ở đây, giáo viên ra đề chưa được chuẩn, đưa ra hai phương án chưa rõ ràng trong khi các em chỉ được chọn một phương án nên rất dễ nhầm lẫn. Để khắc phục, theo tôi, nên tính điểm cho những em nào chọn cả hai phương án B hoặc C để các em không thiệt thỏi” – giáo viên này góp ý.
Có quan điểm khác, Phó hiệu trưởng một trường THCS có chuyên môn về bộ môn Giáo dục công dân ở quận Bình Tân lại cho rằng ở câu hỏi trên, đáp án đúng là C chứ không thể là B. Tuy nhiên, có vấn đề nhỏ là nội dung đáp án C chưa sát nghĩa. Vì khái niệm lòng thương hại là thể hiện sự xót thương, bố thí, ban phát, mỉa mai trước khó khăn của người khác, giúp người khác nhưng không toàn tâm toàn ý.
Theo giáo viên này, dùng từ “động cơ vụ lợi” để nói về lòng thương hại dễ khiến học trò khó hiểu, dễ nhầm lẫn thành vụ lợi về vật chất nào đó.
“Khi ra đề ở ý này, giáo viên nên dùng từ ngữ dễ hiểu hơn, thay vì dùng từ “động cơ vụ lợi” khi giúp đỡ ai đó thì có thể dùng các từ như “không toàn tâm toàn ý”, “không xuất phát từ cái tâm”..., Phó hiệu trưởng này nhận định.