Tại Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2025 diễn ra hôm nay (8-12), Viện trưởng VKSND tỉnh Thanh Hóa ông Lê Văn Đông trình bày báo cáo tình hình tội phạm và công tác kiểm sát năm 2021.
Ông cho hay tôi phạm giết người trên địa bàn có chiều hướng gia tăng mà xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ.
Tội giết người, lừa đảo, ma túy gia tăng
Tại kỳ họp, ông Đông cho biết, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã đạt được những kết quả tích cực, tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn trên địa bàn Thanh Hóa ổn định, nhiều loại tội phạm được kiềm chế.
Tuy nhiên, theo ông Đông tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, số vụ án xảy ra giảm nhưng số bị can tăng. Theo đó năm 2021, đã phát hiện khởi tố 2.710 vụ, 4.732 bị can (giảm 3,04% về số vụ, tăng 5,5% số bị can so với cùng kỳ năm 2020).
Cụ thể, tội phạm giết người có chiều hướng gia tăng, phát hiện khởi tố 75 vụ, 114 bị can về tội giết người (tăng 11 vụ, 38 bị can). Đáng nói có nhiều vụ xuất phát từ mâu thuẫn gia đình giữa vợ-chồng; bố mẹ-con; anh em.
Các đối tượng thực hiện hành phạm tội sát hại để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng, thương tâm. Trong khi những vụ giết người đều xuất phát từ những mâu thuẫn đơn giản, nhưng sử dụng hung khí tước đoạt mạng sống bị hại.
Ông Lê Văn Đông phân tích nguyên nhân các loại tội phạm giết người, gây rối trật tự công cộng, tội phạm ma túy gia tăng ở Thanh Hóa. Ảnh: ĐT
Tội phạm gây thương tích, gây rối trật tự công cộng có 915 vụ, 2.600 bị can (tăng 58 vụ). Loại tội phạm này rất tinh vi, quá trình phạm tội có sự phân công vai trò chặt chẽ, từ đối tượng cầm đầu, chủ mưu, tạo vỏ bọc, chứng cứ ngoại phạm và không lộ diện khi tổ chức gây án nên khó khăn cho điều tra phát hiện, truy tố.
Trong khi đó, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản cũng xảy ra ở nhiều địa phương gây bức xúc trong dư luận dưới nhiều hình thức, ở nhiều lĩnh vực gồm ngân hàng, bất động sản, kinh doanh đa cấp, thương mại điện tử, lừa đảo qua mạng.
Tội phạm ma túy có chiều hướng gia tăng với 775 vụ, 1.101 bị can (tăng 41 vụ, 107 bị can). Các đối tượng buôn bán ma túy lợi dụng địa hình hiểm trở, hoạt động manh động, sẵn sàng tấn công lực lượng truy bắt khi bị phát hiện. Điển hình 1 cán bộ thuộc lực lượng phòng chống ma túy Công an Thanh Hóa hi sinh trong khi thực hiện nhiệm vụ.
Tội phạm phát sinh do nhiều nguyên nhân
Ông Đông cho rằng, tội phạm phát sinh do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu tác động mặt trái của kinh tế thị trường, công tác quản lý ở một số lĩnh vực còn thiếu sót sơ hở, công tác chỉ đạo của một số chính quyền địa phương có lúc chưa kịp thời để xử lý mâu thuẫn nội bộ trong nhân dân.
3 nghi can bị bắt về hành vi giết người trong lúc đi đòi nợ tại xã Quảng Thạch, huyện Quảng Xương đêm 22-7. Ảnh: ĐT
Quá trình giáo dục đối với học sinh trong các nhà trường còn lỏng lẻo và nhiều bất cập, ý thức chấp hành của một bộ phận nhân dân còn hạn chế, lười lao động, thích thụ hưởng ăn chơi, đua đòi.
Đáng chú ý, là tội phạm vị thành niên bị ảnh hưởng bởi gia đình do bố mẹ ly hôn, thường dễ rơi vào con đường nghiện ngập, xem thường tính mạng của người khác, giải quyết cá nhân bằng con đường bạo lực…
Theo ông Đông để giảm tội phạm thì cần phải tuyên truyền phòng chống tệ nạn ma túy trong thanh thiếu niên, giám sát thực hiện các biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm luật liên quan đến tội giết người, hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật và tội phạm lứa tuổi thiếu niên.
“Đặc biệt nâng cao giám sát trong đấu tranh, phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật bảo vệ quyền con người, quyền công dân từ đó góp phần đưa Thanh Hóa phát triển”, ông Đông khẳng định.
Trong năm 2021,Thanh Hóa đã khởi tố 11 vụ, 32 bị can về tội tham nhũng, chức vụ (giảm 3 vụ, 6 bị can so với năm 2020). |