Báo cáo mới nhất của McKinsey về sự nổi lên của tầng lớp tiêu dùng mới tại Việt Nam với tiêu đề Tương lai châu Á - Diện mạo mới của người tiêu dùng Việt chỉ ra rằng, Việt Nam đang có vị thế rất tốt để trở thành một động lực đáng kể dẫn dắt câu chuyện tiêu dùng của châu Á bước sang một chương mới.
Trong thập kỷ tiếp theo, tầng lớp tiêu dùng của Việt Nam có thể được bổ sung thêm 36 triệu người, theo định nghĩa là những người tiêu dùng tối thiểu 11 USD/ngày tính theo ngang giá sức mua (PPP).
Đây là một sự thay đổi lớn. Năm 2000, chưa đầy 10% dân số Việt Nam nằm trong tầng lớp này, nhưng đến nay con số này đã tăng lên 40%. Đến năm 2030, con số này có thể đạt gần 75%.
Sức tiêu thụ mới đang nổi lên mạnh mẽ không chỉ từ những người lần đầu gia nhập tầng lớp tiêu dùng, mà còn do thu nhập của tầng lớp tiêu dùng nói chung có xu hướng tăng vọt trong biểu đồ kim tự tháp thu nhập.
Hai tầng cao nhất của tầng lớp tiêu dùng (gồm những người chi tối thiểu 30 USD/ngày) đang gia tăng với tốc độ nhanh nhất, và có thể chiếm 20% dân số Việt Nam ở năm 2030. Đô thị hóa là một yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng thu nhập. Dân số đô thị của Việt Nam dự kiến tăng vọt thêm 10 triệu người trong một thập kỷ tới khi tỷ trọng dân sô đô thị tăng từ 37% năm 2020 lên 44% năm 2030.
Các thành phố nhiều khả năng sẽ là đầu tàu tăng trưởng của Việt Nam, đóng góp khoảng 90% tổng tăng trưởng tiêu dùng trong thập kỷ tới. Câu chuyện đô thị hóa của Việt Nam thường xoay quanh các thành phố đông dân như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi thành phố này hiện có hơn 10 triệu dân và tập trung phần lớn tầng lớp trung lưu của Việt Nam.
Tuy nhiên, nghiên cứu của McKinsey thấy rằng trong thập kỷ tới, các nguồn tiêu thụ đô thị nhiều khả năng sẽ lan rộng sang các thành phố nhỏ hơn, gồm Cần Thơ, Đà Nẵng, và Hải Phòng, nơi tầng lớp trung lưu đang trên đà gia tăng.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng, tại nhiều nước châu Á, quy mô hộ gia đình đang thu hẹp. Quy mô bình quân hộ gia đình tại Việt Nam đã giảm khoảng 20% trong hai thập kỷ vừa qua, từ 4,5 người/hộ vào năm 1999 còn 3,5 người/ hộ vào năm 2019.
Nếu những gì từng diễn ra tại các thị trường châu Á khác cũng diễn ra tại Việt Nam, thì quy mô hộ gia đình suy giảm có thể dẫn đến những loại hình nhu cầu mới, gồm: giảm diện tích nhà ở, tăng sở hữu thú cưng, và các hình thức giải trí mới.
Mặt khác, xét một cách tổng thể, Việt Nam vẫn là một quốc gia trẻ, với độ tuổi trung vị là 32 tuổi ở năm 2020. Tuy nhiên, số lượng người từ 60 tuổi trở lên dự kiến sẽ tăng lên 5 triệu người; người cao tuổi có thể chiếm hơn 17% tổng dân số Việt Nam ở năm 2030. Chi tiêu của người cao tuổi dự kiến tăng gấp ba lần trong thập niên tới đây, với tốc độ tăng nhanh gấp hơn 2 lần so với tốc độ tăng tổng thể của toàn dân số trong cùng kỳ.
Báo cáo cũng đưa ra khái niệm “Công dân thế hệ số”. Đây là khái niệm để chỉ những người sinh trong giai đoạn 1980-2012, gồm Thế hệ Z và Thế hệ Y. Dự kiến đối tượng này sẽ chiếm khoảng 40% tổng tiêu thụ của Việt Nam ở năm 2030. Thành viên của thế hệ sành công nghệ số này sống trên mạng và trên điện thoại di động. Gần 70% dân số Việt Nam năm 2020 có sử dụng internet.
Quá trình số hóa diễn ra nhanh chóng đang làm thay đổi các kênh và phương pháp trao đổi thông tin hàng ngày của người Việt, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại điện tử, nơi các doanh nghiệp tầm cỡ khu vực như Shopee và Lazada và các doanh nghiệp trong nước như Tiki đang hoạt động tích cực. Sự nổi lên nhanh chóng của đối tượng người tiêu dùng số đã tiếp nhiên liệu cho những đổi mới trong hành vi bán lẻ và mua sắm.
Theo Hoàng Hà
Nhịp sống Kinh tế