Chiều 8-12, tại phiên họp thứ 6, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét Tờ trình của Chính phủ về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Theo tờ trình, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách, tập trung vào bốn nhóm vấn đề: Khám bệnh, chữa bệnh; Thanh toán chi phí và chế độ chống dịch; Dược và Trang thiết bị y tế.
Chính phủ cũng đề xuất cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân được huy động tham gia phòng, chống dịch COVID-19; mức giá dịch vụ do HĐND cấp tỉnh nơi huy động cơ sở y tế tư nhân tham gia quyết định.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long. Ảnh: quochoi.vn
Không bóc tách được chi phí, ngân sách chi trả toàn bộ
Đáng chú ý, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay thời gian vừa qua có những thời điểm dịch COVID-19 bùng phát mạnh dẫn đến số lượng người bệnh COVID-19 phải điều trị tại các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 tăng mạnh.
Điều này dẫn đến tình trạng nhân viên y tế không thể có thời gian thực hiện việc lập các biểu mẫu, hồ sơ thống kê chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế… Từ đó, không thể thực hiện việc bóc tách chi phí điều trị bệnh COVID-19 do ngân sách nhà nước chi trả và chi phí khám bệnh, chữa bệnh điều trị bệnh nền hoặc bệnh khác do Quỹ bảo hiểm y tế chi trả.
Cạnh đó, nhiều người bệnh khi nhập viện không mang giấy tờ tùy thân, không mang theo tiền hoặc nhiều người bệnh vào nằm điều trị rồi đến lúc tử vong cũng không thể liên hệ với người nhà nên không thể thực hiện việc thu viện phí…
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: quochoi.vn
Để giải quyết các khó khăn nêu trên, Chính phủ kiến nghị vẫn tiếp tục thực hiện việc thanh toán chi phí theo quy định tại Nghị quyết số 268/NQ-UBTVQH15 nhưng cho phép bổ sung quy định trường hợp không bóc tách được chi phí thì ngân sách sẽ chi trả toàn bộ.
Đồng thời, cho phép Chính phủ quyết định việc sử dụng kinh phí từ nguồn quỹ dự phòng của Quỹ bảo hiểm y tế để cùng với nguồn ngân sách nhà nước chi cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh COVID-19 trên nguyên tắc bảo đảm an toàn.
Đặc biệt, Chính phủ để xuất cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân được huy động tham gia phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, cơ sở khám, chữa bệnh tư nhận áp dụng mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh do HĐND cấp tỉnh nơi huy động cơ sở y tế tư nhân tham gia quyết định, bảo đảm không vượt quá mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế của bệnh viện đa khoa tỉnh hoặc bệnh viện Trung ương đóng trên địa bàn.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng tán thành với đề xuất ngân sách nhà nước đảm bảo chi phí thực tế trong trường hợp không bóc tách được.
Ông Hưng nêu rõ nguồn chi trả gồm có ngân sách nhà nước, BHYT, thu từ dịch vụ y tế và các nguồn thu khác. Trong đó, ngân sách Trung ương đảm bảo cho các cơ sở thu dung, điều trị do Trung ương lập; ngân sách địa phương đảm bảo cho các cơ sở do đại phương thành lập. Ngân sách Trung ương cũng sẽ hỗ trợ cho các địa phương khó khăn.
Phát biểu ý kiến sau đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng nguyên tắc của bảo hiểm là đóng- hưởng, do vậy không thể giao cho Chính phủ điều hoà điều hoà quỹ dự phòng của bảo hiểm y tế, lấy quỹ bảo hiểm chi cho việc nọ, việc kia.
“Tách được thì tách, không tách được thì ngân sách nhà nước trả” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
"Áp các thước vào thì rất khó"
Phát biểu tại phiên họp, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Vũ Văn Họa cho rằng về nguồn lực phòng chống dịch, “nếu tính toán, soi kỹ để bảo đảm chính xác thì rất khó”. “Tôi đã làm việc với một số tỉnh, nhất là TP HCM, các đồng chí có ý kiến là đến lúc dịch cứ tiêu thôi, không phân nguồn nào là ngân sách…”- ông Hoạ nói.
Phó Tổng kiểm toán nhà nước cũng thông tin quá trình rà soát cho thấy đến nay có gần 50 văn bản ban hành từ công văn, thông tư, nghị định chỉ liên quan đến COVID -19.
Đáng chú ý, qua kiểm toán, nhiều khoản kinh phí chuyển từ Mặt trận Tổ quốc sang Bộ Y tế không chi được vì vướng cơ chế chính sách, nhất là mua sắm trang thiết bị. “Nếu không có cơ chế gỡ vướng sớm thì ngành y tế không tiến hành mua sắm phục vụ khám chữa bệnh được”- ông Hoạ nói và cho rằng điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới người bệnh.
Ông Hoạ cho biết Thanh tra Chính phủ đã có quyết định số 621 thực hiện thanh tra việc mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm phục vụ phòng, chống dịch COVID -19 tại Bộ Y tế, Hà Nội và TP HCM.
Về kế hoạch kiểm toán, ông Hoạ đề xuất giới hạn không kiểm toán việc mua sắm này. “Nói thật, khi vào kiểm toán, chúng tôi sợ không có đường ra. Bởi mua sắm mỗi ông một kiểu. Vì dịch, lúc đó mua được là mua thôi. Tôi có ngồi với đồng chí Chủ tịch Đồng Nai, TP.HCM, các đồng chí cho biết lúc bây giờ bằng mọi giá để có nên áp các thước vào thì rất khó”- ông Hoạ nói.