Nhân viên y tế đến tận nhà lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân quận Tân Bình - Ảnh: DUYÊN PHAN
Chiến dịch bảo vệ người có nguy cơ vừa triển khai tại TP.HCM sẽ bao gồm 6 nhóm hoạt động:
- Cập nhật danh sách người thuộc nhóm nguy cơ,
- Tăng cường truyền thông cho hộ gia đình có nguy cơ,
- Tiêm mũi bổ sung cho nhóm nguy cơ,
- Xét nghiệm sàng lọc tầm soát F0 thuộc nhóm nguy cơ,
- Chăm sóc và điều trị F0 thuộc nhóm nguy cơ.
Phân loại 4 nhóm nguy cơ: thấp, trung bình, cao, rất cao theo hướng dẫn của Bộ Y tế và phân tích các trường hợp tử vong do COVID-19 tại TP.HCM thời gian qua cho thấy phần lớn các trường hợp tử vong tập trung ở nhóm trên 50 tuổi, có bệnh nền, chưa được tiêm vắc xin, chưa được sử dụng thuốc kháng virus trước đó.
Do đó việc ngăn ngừa, phát hiện sớm người thuộc nhóm nguy cơ nhiễm để kịp thời điều trị đặc hiệu với thuốc kháng virus và theo dõi sức khỏe nhằm hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong là vấn đề cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.
Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ nhằm tập trung nguồn lực bảo vệ sức khỏe cho người trên 65 tuổi và người có bệnh nền, hạn chế thấp nhất tỉ lệ mắc và tử vong. Giai đoạn đầu của chiến dịch bắt đầu từ ngày 7 đến 31-12. Trong đó sẽ tiêm mũi bổ sung (mũi 3) cho người thuộc nhóm nguy cơ trước ngày 29-12.
Bên cạnh đó sẽ sàng lọc tầm soát F0 trong nhóm nguy cơ 2 lần cách nhau 3 ngày, nếu âm tính sẽ được Thầy thuốc đồng hành theo dõi từ xa, nếu dương tính sẽ được phát ngay gói thuốc C (thuốc kháng virus) để sử dụng ngay và gói thuốc B (thuốc kháng viêm, kháng đông dạng uống) sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ, bao gồm cả bác sĩ trong nhóm Thầy thuốc đồng hành.
340 công dân Việt Nam từ Nhật về nước ngày 29-4, được cách ly tại thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - Ảnh: MẠNH KHÁ
Người nhập cảnh tiêm đủ 2 mũi cách ly tại nhà, hướng dẫn sẽ có trước 15-12
Thông tin tại cuộc họp của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và các bộ ngày 8-12 cho biết kể từ khi bùng phát dịch COVID-19, Việt Nam đã tiếp nhận trên 200.000 chuyên gia, kỹ sư, lao động trình độ cao người nước ngoài để phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời tổ chức hàng trăm chuyến bay đón công dân có nhu cầu.
Tuy nhiên nhu cầu mở lại các chuyến bay thường lệ là cấp thiết, bên cạnh đó nhu cầu về nước của người Việt Nam đã hết hạn hợp đồng, học sinh, sinh viên, người đi công tác bị mắc lại ở nước ngoài rất muốn được về nước; bà con Việt kiều đã lâu không được về thăm quê...
Phó thủ tướng cho biết đây là nhu cầu chính đáng và phải giải quyết khẩn trương, nhất là khi Tết Nguyên đán đang đến gần. Ông Đam yêu cầu Bộ Y tế xây dựng hướng dẫn cách ly và theo dõi sức khỏe người từ nước ngoài nhập cảnh trước ngày 15-12, trên tinh thần tương tự như đối với người từ vùng dịch đến các địa phương khác ở trong nước.
Đối với người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin chỉ cần cách ly tại nhà và theo dõi sức khỏe trong thời gian đảm bảo an toàn, người chưa tiêm vắc xin cần bố trí khu cách ly với thời gian, điều kiện phù hợp, triển khai tiêm vắc xin cho bà con.
Việt Nam đã ngưng các chuyến bay quốc tế thường lệ từ tháng 3-2020, kể từ đó đến nay người từ nước ngoài về phải cách ly tập trung 14-21 ngày, gần đây giảm xuống 7 ngày với người đã tiêm vắc xin đủ mũi.
Tuy nhiên chi phí cách ly tập trung tự nguyện đang rất cao, gấp nhiều lần chi phí từ Việt Nam ra nước ngoài, việc không có chuyến bay thường lệ cũng khiến nhiều người không thể mua vé về quê theo đường bình thường.
Tiêm vắc xin mũi 2 Pfizer cho học sinh khối lớp 10 Trường THPT Trưng Vương, quận 1, TP.HCM sáng 23-11 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
TP.HCM hoàn thành chiến dịch tiêm vắc xin cho trẻ 12-17 tuổi
BS Lê Hồng Nga - phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM - vừa cho biết TP đã kết thúc 2 đợt tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ em 12-17 tuổi. Trong chiến dịch này đã có 709.645 trẻ trong độ tuổi từ 12-17 được tiêm vắc xin, tăng hơn 7.481 trẻ so với dự kiến ban đầu. Tỉ lệ mũi 1 đạt 96,6%, mũi 2 đạt 85,5%.
Toàn TP có 7 quận, huyện đạt tỉ lệ cả 2 mũi tiêm trên 90% gồm các quận 5, 8, 10, 11, Bình Thạnh, hai huyện Củ Chi và Cần Giờ.
TP.HCM bắt đầu đợt 1 tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ 12-17 tuổi từ ngày 27-10 đến 4-11, đợt 2 từ ngày 22-11. Dù chiến dịch kết thúc tuy nhiên TP vẫn tiếp tục rà soát để tiêm cho những trẻ chưa tiêm và việc tổ chức tiêm sẽ được diễn ra tại các phường, xã.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
TP.HCM: Phiếu khảo sát nhóm người nguy cơ liên thông sổ sức khỏe điện tử
Sở Y tế TP.HCM yêu cầu tất cả các hoạt động trong chiến dịch "Bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ" cần triển khai đồng loạt, kịp thời bảo vệ và chăm sóc sức khỏe người thuộc nhóm nguy cơ trên địa bàn nhằm hướng đến mục tiêu giảm mắc và giảm nguy cơ tử vong do COVID-19.
Chiến lược xét nghiệm, cung cấp thuốc Monulpiravir ở giai đoạn này sẽ ưu tiên tập trung cho nhóm đối tượng nguy cơ cao. Bên cạnh đó, các quận, huyện và TP Thủ Đức cần tăng cường hoạt động truyền thông xuyên suốt cả chiến dịch để người dân hiểu và cùng thực hiện.
Trong giai đoạn đầu của chiến dịch bắt đầu từ ngày 7 đến 31-12, TP sẽ tập trung nguồn lực bảo vệ sức khỏe cho người trên 65 tuổi và người có bệnh nền. Chiến dịch sẽ kéo dài đến hết năm 2022 và sẽ mở rộng đến nhóm 50 tuổi.
Mỗi người thuộc nhóm nguy cơ sẽ làm 1 phiếu khảo sát do địa phương cung cấp. Đây sẽ là dữ liệu để TP quản lý, chăm sóc người thuộc nhóm nguy cơ và cũng là cơ sở liên thông dữ liệu của sổ sức khỏe điện tử.
Lực lượng chức năng lập vùng cách ly và tiếp tế vật dụng thiết yếu tại nhiều khu vực thuộc phường Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội vì phát hiện hàng chục ca F0 - Ảnh: NAM TRẦN
Tình hình dịch bệnh ở một số tỉnh thành
- Hà Nội từ 18h ngày 7-12 đến 18h ngày 8-12 ghi nhận 709 ca COVID-19 mới, trong đó có 243 ca cộng đồng, khu cách ly (329), khu phong tỏa (137). Hiện có hơn 80% trẻ em từ 12-17 tuổi đã tiêm vắc xin. Gần 900 F0 đang điều trị tại các trạm y tế lưu động. Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4: 15.255 ca, trong đó số ca cộng đồng 5.847 ca.
Từ ngày 11-10 đến nay, Hà Nội có hơn 11.200 ca nhiễm mới, cao nhất ở Đống Đa với gần 1.400 ca, Nam Từ Liêm, Ba Đình, Gia Lâm... là các quận/huyện ghi nhận từ hơn 700 đến hơn 800 ca mắc mới trong gần 2 tháng qua.
- Thanh Hóa từ 16h ngày 7-12 đến 16h ngày 8-12 ghi nhận 219 bệnh nhân COVID-19 mới. Có 124 bệnh nhân phát sinh trong tỉnh và 95 bệnh nhân trở về từ các tỉnh, thành phố khác đang cách ly theo quy định. Hiện Thanh Hóa ghi nhận có 10 ổ dịch, trong đó ổ dịch mới xuất hiện tại huyện Hậu Lộc với 21 bệnh nhân (xã Đa Lộc 7, Hưng Lộc 3, Minh Lộc 2, Ngư Lộc 4).
- Vĩnh Long phê duyệt kế hoạch tiêm mũi 3 vắc xin COVID-19 cho 95% dân số từ 18 tuổi trở lên. Thời gian tiêm ngay trong tháng 12-2021. Đến nay Vĩnh Long đã tiêm vắc xin cho người từ 18 tuổi trở lên mũi 1 đạt tỉ lệ 99,2%; số đã tiêm mũi 2 đạt tỉ lệ 90,9%. Đối với trẻ từ 12-17 tuổi, số đã tiêm mũi 1 là 90.572 người, đạt tỉ lệ 99%; số đã tiêm mũi 2 là 84.009 người, đạt tỉ lệ 92,3%.
- Quảng Ngãi tiếp tục ghi nhận thêm 27 ca COVID-19, trong đó có 7 ca cộng đồng, 8 ca bệnh liên quan tới các F0; 2 ca đang cách ly tập trung; 5 ca đang cách ly tại nhà. Ngoài ra còn có 12 ca là người về từ vùng dịch. Từ ngày 26-6 đến nay, Quảng Ngãi ghi nhận 3.265 ca.
- Bến Tre từ 6h đến 11h ngày 8-12 có 501 ca COVID-19, nâng tổng số ca mắc toàn tỉnh là 12.492 ca. Trong đó, có 5.378 ca ra viện, 71 ca tử vong. Trong số ca mắc mới, có 497 ca cộng đồng trong tỉnh, 4 ca ngoài tỉnh. Tính đến nay, tỉ lệ tiêm chủng vắc xin của tỉnh đạt 96,5%, trong đó 79,4% dân số tiêm đủ 2 mũi. Riêng trẻ 12-17 tuổi đạt 91% kế hoạch.
TTO - Số ca mắc COVID-19 mới và số tử vong vẫn ở mức cao trong ngày 8-12. TP.HCM vừa khởi động chiến dịch bảo vệ người có nguy cơ cao khi mắc COVID-19.