Trung Quốc giữ vững lập trường
Trong khi Ngân hàng Trung ương Mỹ đang rục rịch với kế hoạch ứng phó trước lạm phát gia tăng, thì Trung Quốc có vẻ sẽ tiếp tục gắn bó với chính sách tiền tệ hỗ trợ cho nền kinh tế.
Dự kiến quý đầu tiên của năm 2022, có thể đồng USD sẽ tăng giá so với đồng Nhân dân tệ Trung Quốc (ảnh minh hoạ)
Theo đó, sự phân kỳ chính sách tiền tệ có thể đẩy tỷ giá hối đoái Đô la Mỹ- Nhân dân tệ Trung Quốc cao hơn trong quý đầu tiên của năm 2022. Với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hiện đang từng bước tiến hành giải quyết sự gia tăng của lạm phát, do vậy, chính sách tiền tệ của Mỹ có vẻ sẽ thắt chặt ngay cả khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) vẫn giữ vững lập trường thích ứng như hiện tại. Những tình huống như vậy có thể làm tăng lợi nhuận cho đồng USD so với đồng Nhân dân tệ.
Đối với Trung Quốc, các thiết lập chính sách tiền tệ của PBoC vẫn là một công cụ thiết yếu hỗ trợ nền kinh tế hiện tại. Đặc biệt, quốc gia này tiếp tục tuân thủ chiến lược Zero-Covid, điều đó được dự báo sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động kinh tế nói chung và tiêu dùng nội địa nói riêng.
Đáng chú ý, sự xuất hiện của biến thể Omicron trên toàn cầu sẽ chỉ củng cố quan điểm của các nhà hoạch định chính sách Bắc Kinh rằng, phản ứng của chính họ đối với đại dịch tiếp tục là vì lợi ích tốt nhất của Trung Quốc.
Ngoài ra, Trung Quốc đã áp dụng chính sách "ba lằn ranh đỏ" để giảm bớt sức nóng của giá bất động sản và giải quyết các vấn đề về đòn bẩy tài chính quá mức, giữa các công ty trong lĩnh vực bất động sản. Điều này cũng cho thấy sự mong manh của doanh nghiệp, đòi hỏi các phản ứng chính sách tiền tệ được điều chỉnh thận trọng, để hỗ trợ toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc trong thời gian điều chỉnh.
Trên thực tế, không ai mong đợi Trung Quốc đi ngược hướng trong lĩnh vực bất động sản. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã khẳng định vào năm 2017 rằng, “Trung Quốc phải đối mặt với mâu thuẫn giữa sự phát triển không cân bằng và không tương xứng với nhu cầu ngày càng tăng của người dân về một cuộc sống tốt đẹp hơn và giải quyết vấn đề này sẽ trở thành trọng tâm chính trong chính sách của Chính phủ.”
Chuyên gia kinh tế vĩ mô và tài chính quốc tế Neal Kimberley phân tích trên tờ South China Morning Post, chính sách “ba lằn ranh đỏ” là một hệ quả của sự thay đổi tư duy từ năm 2017. Chính vì việc thực hiện chính sách đã và đang gây ra những gợn sóng kinh tế lớn, nhưng không có nghĩa là Bắc Kinh sẽ từ bỏ kế hoạch của mình.
“Sự kết hợp của các yếu tố này đã góp phần khiến nền kinh tế Trung Quốc mất động lực trong nửa cuối năm 2021, sau đợt sụt giảm do đại dịch năm 2020 gây ra. Trong năm tới, có vẻ như ngày càng có nhiều khả năng các nhà hoạch định chính sách sẽ tiếp tục tuân thủ các thiết lập chính sách tiền tệ phù hợp, để hỗ trợ nền kinh tế Trung Quốc khi nước này tiếp tục điều chỉnh theo biến động của tình hình thực tế”, Kimberley đánh giá.
Mỹ siết dần chính sách
Cũng theo vị chuyên gia, ở Mỹ thì ngược lại. Cục Dự trữ Liên bang đã kết luận rằng, lạm phát Mỹ gần đây tăng lên không còn là nhất thời, mà việc giá cả tăng cao giờ đây đòi hỏi phải có phản ứng chính sách tiền tệ sớm nhất có thể.
Khi chứng kiến sự thay đổi của Fed, các thị trường bắt đầu đưa ra kỳ vọng về việc tăng lãi suất thực tế của Mỹ trong cả năm tới và năm 2023 (ảnh: Internet)
Trước đó, Fed được cho là đã cho phép nền kinh tế Mỹ tăng nóng, với chương trình mua tài sản hàng tháng, ngay cả khi áp lực lạm phát gia tăng. Tuy nhiên gần đây, Ngân hàng Trung ương nước này phải phát đi thông báo, đã đến lúc cần giảm bớt các giao dịch mua này và có vẻ sẽ đạt được mức giảm đó trong một khoảng thời gian ngắn hơn so với các dự kiến trước đây.
“Có thể thấy, khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu đã bùng phát tại các thành phố của Mỹ, khi các kệ hàng trống rỗng với nhu cầu tăng cao. Nhưng dần dần, ngừng mua tài sản khi nền kinh tế đang nóng lên, được xem là chính sách tiền tệ tương đương với việc “không đổ thêm dầu vào lửa”, giúp ngăn ngọn lửa bốc cao, nhưng cũng khó để dập tắt”, vị chuyên gia nhận xét.
Trả lời trên Reuters tại một Hội nghị, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nói, việc giảm một số mức thuế quan dưới thời cựu Tổng thống Trump đối với hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu có thể giúp giảm bớt áp lực lạm phát của Mỹ.
Khi chứng kiến sự thay đổi của Fed, các thị trường bắt đầu đưa ra kỳ vọng về việc tăng lãi suất thực tế của Mỹ trong cả năm tới và năm 2023.
Trên thực tế, đồng bạc xanh hiện tại cũng đã tăng giá khá mạnh, đặc biệt trước những lo ngại về biến thể Omicron tại nhiều bang của Mỹ. Trong khi đó, Trung Quốc mới đây đã nới lỏng chính sách tiền tệ bằng cách cắt giảm yêu cầu dự trữ của các ngân hàng lần thứ hai vào năm 2021. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc sẽ giảm 0,5 điểm phần trăm tỉ lệ dự trữ bắt buộc của hầu hết các ngân hàng vào tuần tới. Điều này tương đương việc giải phóng 1,2 nghìn tỷ CNY (188,16 tỷ USD) thanh khoản vào thị trường. Chỉ số USD/CNY đã giảm xuống và trước đó Trung Quốc công bố xuất nhập khẩu tháng 11 tăng lần lượt 22% và 31,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Xu hướng tạo khoảng cách của đồng USD so với đồng Nhân dân tệ đã và đang xảy ra, ít nhất với những diễn biến quanh cặp tỷ giá luôn phản ánh những "đường đi nước bước" tiền tệ rõ rệt giữa hai quốc gia này.
Xem thêm: nhc.6662858090211202-2202-man-oav-dsu-iov-os-aig-tor-eht-oc-et-nad-nahn/nv.fefac