Rác tràn ra vỉa hè một con đường tại TP.HCM
Theo Sở TN-MT TP.HCM, mỗi năm lượng rác do người dân thải ra môi trường tăng từ 10 - 15%/năm. Ước tính, mỗi ngày người dân TP thải ra môi trường gần 10.000 tấn rác đã được đưa về các nhà máy để xử lý. Ngoài ra, TP còn có lượng rác phát sinh do người dân lén đổ ra môi trường. Đối diện với khối lượng rác "khủng" như vậy, theo tôi, cơ quan chuyên môn cần tổ chức chặt chẽ "dây chuyền" xử lý.
Trạm trung chuyển rác chứ không phải nơi… xả rác
Tình trạng ô nhiễm dường như đã tồn tại bấy lâu ở hầu hết các trạm trung chuyển, điểm tập kết, điểm hẹn lấy rác trên khắp TP do nằm sát khu dân cư, không có mái che, không được cách ly... Ô nhiễm tại các điểm tập kết, điểm hẹn lấy rác còn do chưa có sự thống nhất, phối hợp đồng bộ, thậm chí đổ lỗi cho nhau giữa các đơn vị thu gom và xử lý rác thải.
Nhiều người sau khi thu gom rác, mang đến điểm tập kết rồi đổ bừa bãi tung tóe dưới lòng đường vì các xe lấy rác không đến đúng hẹn và họ chẳng thể nào ở đó đợi mãi. Ngược lại, phía các công ty môi trường đô thị cho rằng các đơn vị thu gom rác dân lập làm việc tùy tiện, không theo một quy định nào hết. Đó là chưa nói đến việc không ít người thiếu ý thức đã lén đem rác thải đến đây bỏ trộm để khỏi tốn chi phí mỗi tháng.
Nan giải ở chỗ các điểm tập kết, điểm lấy rác luôn gắn liền với các khu dân cư. Cho dù có chuyển đến đâu thì cũng bị phản ứng vì không ai chấp nhận một bãi rác thải tập kết ngay sát nhà mình.
Thế nên, cần bố trí trạm trung chuyển rác ở vị trí hợp lý, không gây ảnh hưởng môi trường khu dân cư. Bên cạnh đó, các bộ phận thu gom giao rác, tải rác đi cần phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng để đảm bảo không bị ùn ứ rác.
Siết lại hệ thống thu gom rác
Quy mô thu gom của lực lượng rác dân lập khá manh mún, phân tán nhiều đối tượng, nhiều khu vực và không đồng nhất với lực lượng thu gom rác chính quy, nên thường xuyên xảy ra tình trạng thiếu an toàn môi trường, mỹ quan và vệ sinh đô thị.
Không nói đâu xa, nơi tôi đang sống thuộc một phường có mật độ dân cư tương đối đông đúc tại quận 7, việc thu gom rác khá bất cập. Chỉ cùng một con đường nhỏ nhưng có đến 3 đơn vị tư nhân cùng thu gom rác nên đã xảy ra nhiều chồng chéo về cách quản lý, lộn xộn trong việc lấy rác, mâu thuẫn quyền lợi... Theo thỏa thuận thì 2 ngày sẽ lấy rác một lần, tuy nhiên vì gia đình họ có việc gì đó mà lắm khi cả tuần mới ghé qua một lần, rác bốc mùi hôi thối không chịu nổi.
Thiết nghĩ, cần hợp nhất các lực lượng thu gom rác thải dân lập cùng với các công ty môi trường đô thị quận, huyện, TP nên theo mô hình tổng công ty nhằm kiện toàn, thống nhất và nâng cao năng lực hoạt động cho các đơn vị. Đẩy mạnh việc phân loại rác thải tại nguồn, tiến tới việc tính đúng, tính đủ chi phí xử lý rác thải đối với mỗi hộ gia đình để có thêm ngân sách đầu tư máy móc, công nghệ theo hướng hiện đại, bao gồm các hệ thống xử lý nước thải, khí thải, mùi hôi… nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường TP.
Hiện nay, mọi người dân đều nhìn thấy chính quyền đang khẩn trương thực hiện các giải pháp đồng bộ, vận động người dân triệt để phân loại rác thải tại nguồn, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng có khả năng tái chế, có chế tài đủ sức răn đe với các cá nhân, tổ chức thiếu ý thức bảo vệ môi trường… Cùng với đó, tôi đề xuất cơ quan chuyên môn cần tổ chức mạng lưới xử lý hết sức khoa học, chặt chẽ, từ tạm trung chuyển đến hệ thống thu gom để rác không còn là nỗi ám ảnh của bất kỳ ai.
TTO - Theo Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM (Citenco), mỗi ngày TP.HCM thải ra 1.500 tấn chất thải nhựa chiếm tỉ trọng cao chỉ sau rác hữu cơ.