TPHCM - Năm 2021, Thành phố thực hiện biện pháp giãn cách xã hội nhiều giai đoạn đã tác động đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội, dẫn đến các chỉ tiêu kinh tế giảm sâu, thị trường lao động cũng ảnh hưởng nặng nề.
Hơn 80% doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19
Dịch COVID-19 ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành nghề, dẫn đến các chỉ tiêu kinh tế giảm sâu, tốc độ tăng trưởng trong 9 tháng đầu năm 2021 giảm 4,98% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2020 tăng 0,77%). Dự báo năm 2021 GRDP của Thành phố giảm 5,06% so với cùng kỳ năm 2020 (cùng kỳ tăng 1,39%).
Theo khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM (FALMI), có 13.286 doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, chiếm 84,94% tổng số doanh nghiệp khảo sát.
Trong đó, lĩnh vực, ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất là bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác; công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm; dịch vụ lưu trú và ăn uống chiếm; hoạt động kinh doanh bất động sản...
Phần lớn doanh nghiệp gặp khó khăn trong tìm kiếm khách hàng, tiêu thụ sản phẩm, khó khăn về vốn, cần hỗ trợ từ các chính sách của Nhà nước chiếm, thiếu vật tư, nguyên liệu sản xuất.
Năm 2021, nhu cầu tìm kiếm việc làm cũng tập trung chủ yếu ở các nhóm nghề như kinh doanh thương mại; dịch vụ phục vụ cá nhân, bảo vệ; hành chính - văn phòng - biên phiên dịch; dịch vụ vận tải - kho bãi - dịch vụ cảng...
Theo FALMI, trong 15.642 doanh nghiệp – với tổng số lao động đang làm việc là 385.724 người, thì có đến 180.840 người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, chiếm 46,88% tổng số lao động trong doanh nghiệp. Số doanh nghiệp dự kiến cắt giảm lao động trong những tháng cuối năm 2021 là 6.417 doanh nghiệp, chiếm 41,02%.
Tình trạng thiếu việc làm, mất việc có xu hướng tăng
Ông Đỗ Thanh Vân - Phó Giám đốc FALMI cho biết: "Năm 2021, dịch COVID-19 với những biến chủng mới, lây lan nhanh đã gây ảnh hưởng rất lớn đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Trong đó có cả thị trường lao động, tình trạng thiếu việc làm, mất việc làm dẫn đến mất thu nhập có xu hướng tăng".
Để khắc phục khó khăn, TPHCM đã triển khai thực hiện mục tiêu kép, vừa kiểm soát tốt dịch bệnh vừa triển khai phục hồi kinh tế; điều chỉnh định hướng, chiến lược phòng, chống dịch gắn liền với phát triển kinh tế, xã hội theo hướng kinh tế số, xã hội số, thương mại điện tử,...
Đến đầu tháng 10 tình hình dịch bệnh tại Thành phố cơ bản được kiểm soát, nhiều doanh nghiệp đã dần khôi phục, quay trở lại sản xuất và thực hiện kế hoạch tuyển dụng nhân sự đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới.
"Tuy nhiên, một số doanh nghiệp vẫn còn hoạt động cầm chừng vì chưa đảm bảo đủ lực lượng lao động trong các khâu sản xuất trực tiếp; mặt khác vì phải thăm dò tình hình dịch bệnh, đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong sản xuất" - đại diện FALMI cho hay.
Theo FALMI, để thích ứng với những thay đổi của thị trường lao động trong tình hình mới, các doanh nghiệp cần tạo nơi làm việc an toàn và lành mạnh với các chính sách làm việc linh hoạt, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe và chế độ đãi ngộ phù hợp để thu hút và giữ chân người lao động.
Bên cạnh đó, người lao động cũng cần chia sẻ cùng doanh nghiệp để vượt qua những khó khăn trong giai đoạn hiện nay.