Đề án phát triển trung tâm phát hành phim trực tuyến quốc gia đang được xây dựng. Ảnh: Một số phim VN phát trên nền tảng Netflix sau khi ra rạp - Ảnh chụp màn hình
Tại hội nghị - hội thảo do Bộ VH-TT&DL tổ chức ngày 8-12 tại Hà Nội, trực tuyến với Đà Nẵng, TP.HCM.
Nên thoáng hơn khi duyệt đề tài
Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát thẳng thắn nhận xét: 7 năm thực hiện chiến lược điện ảnh, những gì đạt được đều rất ít ỏi trên cả 4 lĩnh vực: sản xuất, phát hành phổ biến, đào tạo, hợp tác, hội nhập quốc tế. Một trong những nguyên nhân, theo bà Ngát, là Nhà nước vẫn chưa coi điện ảnh là một "sức mạnh mềm" để tập trung đầu tư toàn diện và liên tục về các mặt.
Ngoài ra, bà cũng góp giải pháp phát triển điện ảnh là phải tôn trọng tìm tòi sự mới lạ, thoáng hơn khi duyệt đề tài thì mới mong có phim hay. Lấy ví dụ bộ phim Ký sinh trùng của Hàn Quốc, bà Ngát nghi ngờ rằng Việt Nam khó lòng mà chấp nhận những câu chuyện dám đi đến tận cùng như vậy.
Tuổi Trẻ đặt câu hỏi với cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành rằng những mục tiêu mà chiến lược điện ảnh Việt Nam đặt ra có phải là quá lãng mạn như bà Hồng Ngát nêu, ông Thành nói chiến lược nào cũng vươn đến những mục tiêu cao nhất để toàn ngành cùng cố gắng phấn đấu. 7 năm qua, nhiều chỉ tiêu trong chiến lược đạt được, một số vượt mục tiêu như năm 2019 có hơn 40 phim so với mục tiêu 25 phim Việt ra rạp. Mục tiêu về số lượng rạp, số phòng chiếu cũng vượt.
Mong có trung tâm phát hành phim trực tuyến
Một số mục tiêu chưa đạt được có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó sự chuyển đổi nhanh chóng từ phim nhựa sang phim kỹ thuật số đã gây ra sự thay đổi mạnh mẽ với toàn bộ các khâu của điện ảnh khiến nền điện ảnh của ta chưa thích ứng kịp. Ngoài ra, sự ra đời và phát triển nhanh chóng của phim chiếu mạng tạo sự cạnh tranh khốc liệt với phim điện ảnh chiếu rạp, với nền điện ảnh chưa kịp thích ứng.
Ông Thành cho biết thêm Cục Điện ảnh và Trung tâm chiếu phim quốc gia đang xây dựng đề án phát triển trung tâm phát hành phim trực tuyến quốc gia do Nhà nước "cầm trịch" với tham vọng thích ứng với nền điện ảnh đang chuyển đổi mạnh mẽ trên môi trường số. Tuy nhiên, nhìn vào số tiền đầu tư lớn cho trung tâm này, ông Thành chưa biết bao giờ trung tâm mới ra đời.
"Tất nhiên chúng tôi rất mong muốn có trung tâm này nhưng điện ảnh nói chung và văn hóa nghệ thuật nói riêng lâu nay không được coi là một ngành công nghiệp văn hóa có thể hái ra tiền mà chỉ tiêu tiền nên vẫn chưa được Nhà nước đầu tư xứng đáng", ông Thành nói.
"Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" đặt mục tiêu doanh thu ngành điện ảnh đạt khoảng 150 triệu USD (phim VN đạt khoảng 50 triệu USD) vào năm 2020 và 250 triệu USD (phim VN đạt khoảng 125 triệu USD) vào năm 2030 và rất nhiều mục tiêu lớn khác.
Thị trường điện ảnh Việt phát triển mạnh nhưng chưa bền vững
Theo thông tin của Cục Điện ảnh, số lượng phim Việt Nam chiếu tại các rạp trong 7 năm thực hiện chiến lược hầu như không tăng: năm 2015 có 41 phim, năm 2016 là 42 phim, năm 2017 - 2018 mỗi năm có 37 phim, năm 2019 có 41 phim và đến năm 2020, do diễn biến dịch COVID-19 phức tạp, chỉ có 36 phim. Số lượng phim Việt Nam chiếm 20,5% tổng số phim được phát hành tại rạp năm 2020.
Theo Cục Điện ảnh, thị trường điện ảnh Việt Nam phát triển mạnh nhưng chưa phải là thị trường điện ảnh bền vững, vì hơn 70% doanh thu thị trường điện ảnh đến từ phim nước ngoài.
TTO - "Hà Nội mùa đông 2021" là chương trình điện ảnh hiếm hoi ở Việt Nam đặt mục tiêu phá bỏ định kiến, khuôn mẫu giới trong điện ảnh Việt, bởi nhiều nhân vật nữ lên phim thời gian qua chỉ có "một kiểu vẻ đẹp, một kiểu cảm xúc".
Xem thêm: mth.80232408090211202-nam-gnal-om-caig-0302-ned-man-teiv-hna-neid-neirt-tahp-coul-neihc/nv.ertiout