Trước đó, trong tháng 10, giá rau ở Trung Quốc cũng đã tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước. Lũ lụt và thời tiết khác nghiệt trong những tháng gần đây đã ảnh hưởng đến các nông trại. Mặc dù Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết nguồn cung rau tăng trong tháng 11 nhưng giá mặt hàng này vẫn tăng 6,8% so với tháng 10.
Các nhà đầu tư đang theo dõi các dấu hiệu để xác định xem giá cả tăng nhanh và hoạt động kinh tế định trệ có thể tiếp tục kéo giảm tăng trưởng kinh tế Trung Quốc hay không.
Ngoài giá rau, giá thực phẩm khác tại Trung Quốc cũng đều gia tăng trong bối cảnh giá lương thực toàn cầu tăng mạnh. Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc cho biết chỉ số giá lương thực quốc tế đã tăng 27,3% trong tháng 11 so với cùng kỳ năm trước, mức tăng cao nhất từ tháng 6/2011.
Tại Trung Quốc, cơ quan thống kê cho biết giá trứng đã tăng 20,1% trong tháng 11 so với 1 năm trước trong khi giá cá nước ngọt tăng 18% trong cùng giai đoạn. Giá thịt lợn, mặt hàng chủ lực trong khẩu phần ăn của người Trung Quốc, vẫn ở dưới mức đỉnh được xác lập trong năm ngoái với mức giảm 32,7% vào tháng 11 so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, giá thịt lợn tháng 11 vẫn tăng 12,2% so với tháng 10.
Chỉ số giá tiêu dùng, vốn rất nhạy cảm với giá thịt lợn, nhìn chung đã tăng ít hơn dự kiến trong tháng 11. Cụ thể, nó tăng 2,3% so với mức 2,5% mà các chuyên gia được Reuters thăm dò dự đoán. Tuy nhiên, chỉ số giá sản xuất lại tăng 12,9%, cao hơn so với 12,4% như dự báo. Dẫu vậy, mức tăng của tháng 11 đã ghi nhận sự chậm lại so với tháng 10 khi chỉ số này tăng 13,5%.
Việc lương thực tăng giá tiếp tục dấy lên một vấn đề, tuy không mới nhưng vẫn vô cùng nan giải với Trung Quốc: Lo ăn cho 1,3 tỷ dân. Là quốc gia đông dân nhất thế giới, an ninh lương thực luôn là bài toán khó mà Bắc Kinh đi tìm kiếm lời giải. Ở thời điểm hiện tại, nhiều giải pháp, bao gồm áp dụng công nghệ cao vào nông nghiệp, đã được triển khai. Tuy nhiên, vẫn cần thời gian để xác định tính hiệu quả của chúng.