Diễn đàn M&A năm 2021 với chủ đề "Cơ hội trong thị trường bùng nổ" do Báo Đầu tư tổ chức ngày 9-12 trên phạm vi toàn cầu (online). Các diễn giả cho rằng đại dịch Covid-19 diễn ra toàn cầu cũng như ảnh hượng nặng nề tại Việt Nam đã thúc đẩy hoạt động M&A gia tăng mạnh trong năm 2021 với con số hàng tỉ USD. Các lĩnh vực M&A nhiều nhất liên quan đến tài chính, tiêu dùng, năng lượng tái tạo. Năm tới, hoạt động M&A về du lịch, khách sạn, công nghệ… có thể sẽ tiếp tục bùng nổ.
Phát biểu khai mạc tại diễn đàn, ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết năm 2021, dù chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 nhưng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, bao gồm cả dòng vốn đầu tư thông qua M&A, vẫn tăng trưởng. Đến cuối tháng 11-2021, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt vẫn 26,46 tỉ USD, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đạt gần 4,4 tỉ USD.
Thống kê của KPMG Việt Nam cho thấy quy mô các thương vụ M&A Việt Nam vẫn đạt 8,8 tỉ USD trong 10 tháng đầu năm 2021, tăng 18% so với năm 2020. Có 58% tổng giá trị các giao dịch đến từ ngành hàng tiêu dùng thiết yếu, bất động sản và tài chính. Hơn 500 thương vụ được công bố trong tháng 10, sau khi hoạt động giãn cách, phong toả được tháo gỡ. Đã có 1,6 tỉ USD được thực hiện bởi các nhà đầu tư trong nước. Trong đó, 1,13 tỉ USD với 11 thương vụ được thực hiện bởi 5 công ty hàng đầu Việt Nam như Vingroup, Masan, Novaland (nhiều thương vụ từ bất động sản đến tiêu dùng), Hoà Phát, Vinamilk… Điều này cho thấy giá trị giao dịch ngày càng tăng, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Ông Masataka "Sam" Yoshida, Giám đốc toàn cầu dịch vụ Mua bán sáp nhập xuyên quốc gia Reof Corporatione, nhận xét trước, trong và sau Covid-19, các công ty Nhật Bản và các quốc gia Đông Nam Á đã có nhiều thay đổi trong xu hướng đầu tư. Việt Nam nằm trong nhóm 2 được đánh giá cao trong đầu tư với nhiều động lực như tuổi thị trung bình của người dân càng cao, tiền tích luỹ từ quỹ tiết kiệm ngày càng gia tăng nên chiến lược đem đi đầu tư ở những quốc gia Đông Nam Á phát triển như Việt Nam rất lớn. Chưa kể, chuyến thăm và hợp tác giữa Thủ tướng 2 nước vừa qua mở ra cơ hội đầu tư lớn.
Các diễn giả trao đổi tại diễn đàn ngày 9-12
Ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm tổng giám đốc KPMG Việt Nam và Campuchia, cho biết dù thách thức, khó khăn còn rất lớn khi đại dịch Covid-19 có thể diễn biến phức tạp hơn, với các biến chủng mới vừa xuất hiện; kinh tế thế giới được dự báo hồi phục chưa vững chắc, không đồng đều, rủi ro và bất ổn tiếp tục gia tăng. Nhưng Việt Nam đã động chủ động đưa ra đường hướng chiến lược và các giải pháp quyết liệt để khắc phục khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cộng với các hiệp định thương mại lớn đã được ký kết, sẽ tạo cơ hội thu hút vốn đầu tư nước ngoài, trong đó có đầu tư thông qua các hoạt động M&A.
Ngoài ra, hành lang pháp lý cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh cũng không ngừng được hoàn thiện. Nhiều luật đã được sửa đổi nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng cho các hoạt động này trong năm 2022.
Theo bà Võ Hà Duyên, Chủ tịch Công ty Luật VILAF, do dịch bệnh Covid-19 nên những thương vụ trong năm qua kết thúc theo phương cách khác biệt. Năm qua, hoạt động M&A bùng nổ, thu hút các các quỹ ngoại, các nhà đầu tư ở các lĩnh vực như tiêu dùng năng lượng, chuỗi cung ứng, bất động sản….
Trong khi đó, ông Lê Khánh Lâm, Chủ tịch RSM Việt Nam, cho rằng sau đại dịch, ngành du lịch, hàng không, bán lẻ đã thiệt hại nặng nề, nhiều tổn hại cho bảng cân đối kế toán. Chính vì vậy, năm 2022, lĩnh vực này cần "vá" lại tổn thất trên bảng cân đối kế toán, dẫn đến nhu cầu tìm nguồn vốn sẽ gia tăng và cơ hội để các hoạt động M&A diễn ra sôi động hơn. Hiện tại, theo ông Lâm, nhiều dòng tiền từ nội địa và quốc tế tìm cách đổ vào Việt Nam nên các mảng này sẽ "nóng".