Vậy là sau một tuần chờ đợi, chúng ta cuối cùng cũng có được những dữ liệu sơ bộ đầu tiên về khả năng trốn tránh miễn dịch của biến thể Omicron. Không ngoài dự đoán của các chuyên gia y tế: Các thí nghiệm cho thấy kháng thể trung hòa sinh ra từ 2 mũi vắc-xin mRNA của Pfizer-BioNTech đã kém hiệu quả đáng kể trong việc chống lại biến thể này.
Kháng thể trung hòa là những kháng thể có khả năng ngăn chặn virus xâm nhập tế bào người và nhân lên hàng loạt - do đó, nó có hiệu quả trong việc ngăn ngừa lây nhiễm xảy ra ngay từ thời điểm bạn tiếp xúc với virus đầu tiên.
Với quá nhiều đột biến, Omicron bây giờ dường như đã có thể né tránh các kháng thể trung hoà. Thí nghiệm được thực hiện bởi Pfizer/BioNTech và 2 cơ quan nghiên cứu độc lập với họ cho thấy tỷ lệ trung hòa kháng thể do 2 mũi vắc-xin mRNA tạo ra đã giảm từ 25 tới 41 lần so với các phiên bản virus SARS-CoV-2 trước đó, thậm chí xuống tới mức không còn khả năng ngăn chặn lây nhiễm.
Một số dữ liệu nghiên cứu sơ bộ mới nhất cho thấy 2 mũi vắc-xin không còn khả năng chặn biến thể Omicron.
Dữ liệu từ Pfizer và BioNTech
Từ khi biến thể Omicron xuất hiện Pfizer và BioNTech đã chủ động thực hiện các thí nghiệm để kiểm tra khả năng kháng vắc-xin của biến thể này. Họ làm vậy bằng cách tạo ra các virus pseudovirus sao chép gai protein có đột biến của biến thể Omicon.
Sau đó, các nhà nghiên cứu tại Pfizer/BioNTech đã lấy huyết thanh của những người được tiêm đủ 2 liều vắc-xin của họ, cho tiếp xúc với virus Omicron giả để kiểm tra nồng độ kháng thể trung hoà.
Kết quả cho thấy khả năng trung hòa của vắc-xin đã giảm 25 lần trước biến thể Omicron so với các phiên bản virus SARS-CoV-2 trước đó. Nhưng khi họ lặp lại thí nghiệm với huyết thanh của những người được tiêm 3 mũi vắc-xin (một mũi tăng cường nhắc lại), khả năng trung hòa của kháng thể đã tăng trở lại đúng 25 lần.
Điều này là cơ sở để Pfizer/BioNTech khuyến cáo mọi người nên tiêm nhắc lại với liều vắc-xin thứ ba. Thuật ngữ "tiêm chủng đầy đủ" giờ đã không còn đúng với 2 liều nữa, ngay cả khi đó là các loại vắc-xin mRNA tiên tiến nhất.
Giám đốc điều hành Pfizer, Albert Bourla tuyên bố: "Những dữ liệu sơ bộ này cho thấy rằng khả năng bảo vệ [bạn trước COVID-19] sẽ được cải thiện với liều vắc-xin thứ ba của chúng tôi".
Tuy nhiên, ông Bourla cho biết 2 liều vẫn có thể bảo vệ bạn khỏi mắc triệu chứng nặng từ biến thể Omicron. Điều này có thể đến từ việc vắc-xin cũng kích hoạt các phản ứng miễn dịch khác, ngoài kháng thể trung hoà, như phản ứng của tế bào T chống lại và tiêu diệt virus dù cho bạn đã nhiễm bệnh.
"Vì vậy, đảm bảo càng nhiều người được tiêm chủng đầy đủ 2 liều đầu tiên và tiêm nhắc lại vẫn là phương án hành động tốt nhất để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19", ông Bourla nói.
Trước đó, Pfizer cho biết họ vẫn đang nghiên cứu một liều vắc-xin đặc hiệu dành cho biến thể Omicron, nhưng chỉ là "cho trường hợp cần thiết". Công việc tinh chỉnh vắc-xin mRNA cho biến thể này sẽ mất khoảng 100 ngày.
Biến thể Omicron ban đầu được phát hiện tại Nam Phi, nhưng giờ đã lan ra khoảng 60 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Dữ liệu từ Nam Phi và Đức
Trong trường hợp bạn nghi ngờ Pfizer chỉ đang đưa ra dữ liệu để bán thêm mũi vắc-xin thứ ba, thì có hai cơ quan nghiên cứu độc lập với họ ở Nam Phi và Đức cũng đã xác nhận kết quả này.
Nghiên cứu đầu tiên được thực hiện bởi một nhóm tại Viện Nghiên cứu Sức khỏe Châu Phi ở Nam Phi, do nhà virus học Alex Sigal dẫn đầu. Trong đó, Sigal đã xem xét mức độ kháng thể trung hòa ở 6 người được tiêm 2 liều vắc-xin Pfizer/BioNTech và 6 người từng nhiễm các phiên bản COVID-19 trước đó nhưng cũng đã tiêm vắc-xin nhắc lại để phòng bệnh.
Với nghiên cứu này, Sigal thậm chí đã sử dụng virus Omicron thật thay vì virus giả như của Pfizer. Kết quả cho thấy nồng độ kháng thể trung hòa của những người chỉ tiêm 2 mũi vắc-xin thậm chí đã giảm mạnh hơn, tới 41 lần so với các phiên bản virus trước đó.
Tuy nhiên, 6 người đã được chủng ngừa và bị nhiễm bệnh trước đó đã có lượng kháng thể cao hơn. Ngoài ra, Sigal cũng cho biết bản thân 2 liều vắc-xin không mất tác dụng hoàn toàn trước Omicron.
Chúng vẫn có thể kích hoạt các phản ứng tế bào T, trong đó, tế bào T của hệ miễn dịch được đào tạo để ghi nhớ virus và giúp bạn chống lại nó sau khi đã lây nhiễm. Vì vậy, những người đã tiêm 2 liều vắc-xin sau khi nhiễm Omicron vẫn sẽ không bị mắc bệnh nặng. Điều này có thể được hỗ trợ bởi một giả thuyết nữa là Omicron có độc lực nhẹ hơn so với biến thể Delta trước đó.
Về phần nghiên cứu của các nhà khoa học Đức, bà Sandra Ciesek, Giám đốc Viện Virus Y tế Đại học Frankfurt, một trong những người đầu tiên theo dõi và nghiên cứu biến chủng Omicron cho biết họ đã kiểm tra kháng thể trung hòa của những người tiêm 2 liều vắc-xin các loại.
Theo đó, Omicron đã trốn được 2 liều vắc-xin Pfizer/BioNTech, 2 liều Moderna, 1 liều AstraZeneca kết hợp với 1 liều Pfizer/BioNTech. Khả năng trung hòa kháng thể của những người tiêm 2 mũi vắc-xin này "sau 6 tháng đối với biến thể Omicron là 0%", bà Ciesek viết trên Twitter.
Bà Sandra Ciesek, Giám đốc Viện Virus Y tế Đại học Frankfurt trích dẫn một nghiên cứu mới cho thấy biến thể Omicron đã kháng được 2 liều vắc-xin các loại.
Cũng cần phải nói rằng tất cả các kết luận này hiện chỉ mới được đưa ra dựa trên các nghiên cứu có số mẫu nhỏ. Các nhà khoa học cần phải tiếp tục cập nhật khả năng kháng vắc-xin của biến thể Omicron dựa trên dữ liệu dịch tễ hoặc các nghiên cứu có số mẫu lớn hơn.
Tuy nhiên, họ cho biết thế giới cần đưa ra những hướng đối phó với biến thể mới này ngay từ bây giờ. Hiện tại, có hai điều mà chúng ta có thể làm: Tiêm mũi thứ 3 nhắc lại hoặc sản xuất phiên bản vắc-xin cập nhật cho biến thể Omicron, bà Ciesek khuyến nghị.
Ngoài ra, các biện pháp phòng ngừa thông thường như đeo khẩu trang, rửa tay khử khuẩn, tránh tụ tập nơi đông người, giữ khoảng cách và khai báo y tế đầy đủ vẫn phải được thực hiện nghiêm túc.
Theo Thanh Long
Pháp luật & bạn đọc
Xem thêm: nhc.25974156190211202-hnax-eht-al-noc-gnohk-nix-cav-ium-2-norcimo-eht-neib-iov/nv.zibefac