Tờ Bloomberg đưa tin, tập đoàn Evergrande lần đầu tiên chính thức bị gán mác vỡ nợ. Đây là cột mốc mới nhất trong bê bối tài chính kéo dài nhiều tháng qua, mở đường cho một cuộc tái cơ cấu lớn đối với công ty bất động sản mắc nợ nhiều nhất thế giới này.
Cụ thể, Fitch Ratings đã hạ đánh giá Evergrande xuống "vỡ nợ hạn chế" do không kịp thanh toán hai khoản trái phiếu sau khi thời gian gia hạn đã hết vào thứ hai. Phía công ty đánh giá tín dụng cho biết Evergrande đã không phản hồi yêu cầu xác nhận về khoản thanh toán kể trên và giả định rằng khoản thanh toán đó không được thực hiện. Việc hạ xếp hạng có thể gây ra các vụ vỡ nợ chéo đối với khoản nợ 19,2 tỷ USD của Evergrande.
Việc này đánh dấu sự khởi đầu cho kết thúc của đế chế bất động sản lớn bắt đầu từ 25 năm trước bởi người sáng lập Hui Ka Yan, mở ra một cuộc chiến kéo dài xem chủ nợ nào sẽ được trả tiền trước từ những gì còn lại. Sự việc cũng đặt ra thách thức đối với nỗ lực của chính phủ Trung Quốc nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng nợ trong lĩnh vực bất động sản làm bùng phát sự lây lan rộng hơn.
Evergrande, công ty gánh hơn 300 tỷ USD nợ phải trả tính đến tháng 6, cho biết trong một hồ sơ trao đổi ngắn vào ngày 3/12 rằng họ có kế hoạch "tích cực trao đổi" với các chủ nợ nước ngoài về một kế hoạch tái cơ cấu. Công ty đang có kế hoạch đưa cả trái phiếu phát hành ở nước ngoài và nghĩa vụ nợ tư nhân vào cuộc tái cơ cấu được xếp vào hàng lớn nhất Trung Quốc từ trước đến nay.
Brock Silvers, Giám đốc đầu tư tại Kaiyuan Capital ở Hồng Kông cho biết: "Việc hạ xếp hạng có thể không có tác động công khai hoặc ngay lập tức đến tình hình hiện tại, nhưng có thể làm gia tăng áp lực lên công ty (và các cơ quan quản lý) để nhanh chóng tiết lộ các đề xuất tái cơ cấu ban đầu".
Fitch cũng hạ xếp hạng của Kaisa Group Holdings xuống "vỡ nợ hạn chế" với lý do công ty này không thanh toán được khoản lãi của số trái phiếu trị giá 400 triệu USD đáo hạn vào thứ Ba. Việc giảm xếp hạng cũng có thể gây ra vỡ nợ chéo đối với khoản nợ 11,2 tỷ USD chưa thanh toán của công ty bất động sản này.
Việc Bắc Kinh không nhiệt tình giải cứu Evergrande gửi đi một tín hiệu rõ ràng rằng chính phủ nước này sẽ không dung thứ cho những khoản nợ chồng chất lớn đe dọa sự ổn định tài chính. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã nhắc lại vào thứ sáu rằng có thể hạn chế các rủi ro gây ra cho nền kinh tế bởi cuộc khủng hoảng nợ của Evergrande, với lý do "sự quản lý kém của chính công ty bất động sản" và "sự mở rộng thiếu thận trọng" đối với các vấn đề mà nó phải đối mặt. Thống đốc PBOC Yi Gang cho biết trong một phát biểu hôm thứ năm rằng Evergrande sẽ được xử lý theo định hướng thị trường.
Đồng thời, chính phủ hiện đang tham gia sâu vào việc quản lý công ty. Tuần trước, chính quyền Quảng Đông cho biết họ sẽ cử một đội tới Evergrande để đảm bảo hoạt động "bình thường". Ủy ban rủi ro gồm bảy thành viên mới của công ty bao gồm các nhà quản lý cấp cao từ các doanh nghiệp nhà nước Quảng Đông và Công ty Quản lý Tài sản Cinda Trung Quốc, công ty quản lý nợ xấu lớn nhất quốc gia. Một người khác đến từ một công ty luật, trong khi chỉ có hai thành viên đến từ Evergrande, bao gồm cả tỷ phú Hui.
Các trái chủ Evergrande bao gồm Marathon Asset Management cho biết họ cho rằng các chủ nợ nước ngoài sẽ là những người xếp cuối hàng đợi trả nợ. Mục tiêu chính của chính phủ Trung Quốc thường là duy trì sự ổn định xã hội, trong trường hợp này có nghĩa là ưu tiên cho các chủ nhà, nhân viên và các nhà đầu tư cá nhân trong các sản phẩm quản lý tài sản của Evergrande.
Một số chủ nợ nước ngoài đã tham khảo ý kiến của các cố vấn tài chính và pháp lý. Việc này có thể giúp các trái chủ bao gồm một số công ty đầu tư lớn nhất thế giới như Ashmore Group, BlackRock Inc., FIL Ltd., UBS Group AG và Allianz SE tìm hướng giải quyết.
Nguồn: Bloomberg
http://tintuc.vdong.vn/12/1124496.htmPhương Linh
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị