Số lượng người thuộc tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc đã tăng mạnh trong 20 năm qua. Năm 2000, khoảng 3% dân số nước này được xếp vào tầng lớp trung lưu. Năm 2018, hơn 1 nửa dân số Trung Quốc - 707 triệu người, đã bước vào nhóm thu nhập trung bình (chi tiêu từ 10-50 USD/ngày), theo tính toán của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS).
Khi tầng lớp trung lưu của Trung Quốc ngày càng đông đảo, quốc gia này cũng bắt đầu có một số điểm tương đồng với Mỹ (52% dân số). Song, Max Zenglein - nhà kinh tế trưởng của bộ phận nghiên cứu Trung Quốc thuộc Mercator Institute, cho biết tầng lớp trung lưu Trung Quốc sẽ sớm đối mặt với những thách thức giống Mỹ và châu Âu.
Ông nói: "Tăng trưởng tiền lương không đủ mạnh mẽ để giúp họ thực hiện ước mơ. Xu hướng tăng là khó diễn ra và đó là một điều mới, có thể mức lương đã chạm trần."
Cả ở Mỹ và Trung Quốc, giá nhà ở đang tăng. Giá nhà tại Mỹ đặc biệt tăng cao trong thời kỳ đại dịch. Tháng 4, giá nhà tăng 14,6% - mức tăng lớn nhất trong 30 năm, và tiếp tục chiều hướng đi lên trong suốt năm 2021 và có thể tăng thêm 16% vào năm 2022.
Trong bối cảnh này, Ben Winck gần đây cho biết người mua nhà thuộc tầng lớp trung lưu lại kém may mắn. Mỹ đang không còn nhà cho những người mua lần đầu và đặc biệt là ở các bờ biển, nhà thầu lại ưu tiên cho các ngôi nhà đắt tiền, nằm ngoài tầm với của người có thu nhập trung bình.
Ở Trung Quốc, giá bất động sản cũng tăng trong 2-3 thập kỷ qua. Gần đây, khi thị trường lo ngại về sự sụp đổ của Evergrande, xu hướng này lại đảo ngược. Tháng 10, giá nhà ở Trung Quốc lần đầu tiên giảm sau 6 năm.
Dù giá nhà tăng mạnh trong thập kỷ qua, gần 80% hộ gia đình Trung Quốc vẫn là chủ nhà, trong khi Mỹ là 65%. Do đó, nhà ở không phải là điều năm ngoài tầm với mà là giá nhà. Đó là lý do tại sao người mua nhà và các thế hệ trẻ hơn đang phải tìm đến mạng lưới cho vay cá nhân để trả khoản đặt cọc 30%.
Các thành phố như Thâm Quyến - nơi sinh sống của nhiều người thuộc tầng lớp trung lưu, đang giống Mỹ hơn bao giờ hết. Phần lớn là do giá nhà tăng, nợ hộ gia đình ở cả Mỹ và Trung Quốc đều tăng.
Tổng nợ hộ gia đình ở Mỹ đã vượt quá 15 nghìn tỷ USD trong quý III/2021, theo Fed. Trong khi đó, nợ hộ gia đình Trung Quốc dù thấp hơn nhiều nước phát triển nhưng vẫn duy trì xu hướng tăng ổn định kể từ khủng hoảng tài chính, tăng 128% thu nhập trong năm 2020. Cuối tháng 10, nợ hộ gia đình Trung Quốc đạt 70 nghìn tỷ NDT (10,98 nghìn tỷ USD).
Chưa dừng ở đó, ở cả Trung Quốc và Mỹ, tầng lớp trung lưu không thể kiếm được nhiều tiền như cha mẹ họ.
Tầng lớp trung lưu của Mỹ đang thu hẹp và gặp nhiều khó khăn. Từ năm 1979 đến 2017, tăng trưởng thu nhập hộ gia đình đối với tầng lớp trung lưu tăng chậm hơn so với thu nhập của 20% người lao động Mỹ. Ngay cả khi lương không tăng, chi phí sinh hoạt ở Mỹ vẫn tăng vọt.
Trong khi 61% người trưởng thành ở Mỹ được xếp vào tầng lớp trung lưu năm 1971, con số này giảm xuống còn 50% vào năm 2005, theo Pew Research. Theo một tài liệu của công ty nghiên cứu Rand Corporation, 2,7 triệu người Mỹ đã không còn thuộc tầng lớp trung lưu từ năm 2007 đến 2017.
Ở Trung Quốc, Zenglein cho hay: "Đối với các thế hệ trẻ, cha mẹ họ đến từ thời kỳ Trung Quốc còn rất khó khăn và mỗi năm đều giàu có hơn. Còn đối với thế hệ mới, họ không còn coi việc giỏi hơn cha mẹ là điều hiển nhiên."
Song, tầng lớp trung lưu của Mỹ và Trung Quốc cũng có những điểm khác biệt. Thứ nhất, tầng lớp trung lưu của Mỹ vốn đã đông hơn. Trong nhiều thập kỷ, đây là tầng lớp trung lưu giàu nhất thế giới, sau đó Canada lên vị trí dẫn đầu vào năm 2019.
Ngoài ra, theo Zenglein, vai trò của bất động sản trong sự giàu có và xã hội lại khác đáng kể so với Mỹ. Ở Trung Quốc, nếu không có nhà, bạn không lấy được vợ. 70-80% các tài sản hộ gia đình đều gắn với bất động sản.
Điểm tương đồng giữa Mỹ và Trung Quốc không đồng nhất, chủ yếu chỉ nổi bật ở các trung tâm đô thị phát triển như Thượng Hải, Thâm Quyến và Bắc Kinh.
Zenglein nhận định, những người được hưởng lợi nhiều nhất từ thành tựu kinh tế của Trung Quốc dường như đang ngày càng giống tầng lớp trung lưu của Mỹ. Điêu này cho thấy điểm giống vẫn rất rõ ràng và nhiều hơn trước đây.
Trong khi đó, Wright nhận định, kinh tế và mức sống của Trung Quốc đang ngày càng gặp rủi ro khi lĩnh vực bất động sản đang dần suy yếu.
Tham khảo SCMP