Nhân viên y tế chăm sóc cho bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 (TP.Thủ Đức) - Ảnh: DUYÊN PHAN
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, liều bổ sung là liều dành cho người đã tiêm đủ liều cơ bản nhưng thuộc nhóm suy giảm miễn dịch để nhóm này có thể đạt được miễn dịch bảo vệ như những người khỏe mạnh khác.
Liều bổ sung được tiêm một mũi bổ sung sau mũi cuối cùng của liều cơ bản ít nhất 28 ngày. Loại vắc xin được tiêm cùng loại với liều người dân đã chích hoặc vắc xin mRNA, hiện tại Việt Nam vắc xin mNRA đã được cấp phép là Pfizer và Moderna.
Bên cạnh đó có liều nhắc lại vắc xin COVID-19, thời gian tiêm mũi nhắc lại ít nhất 6 tháng sau mũi cuối cùng của liều cơ bản hoặc liều bổ sung.
Nếu các mũi tiêm cơ bản hoặc bổ sung cùng loại vắc xin thì tiêm mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc vắc xin mRNA.
Nếu trước đó đã tiêm các loại vắc xin khác nhau thì tiêm mũi nhắc lại cũng bằng vắc xin mRNA.
TP.HCM là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai tiêm liều bổ sung và nhắc lại, các tỉnh thành khác, đặc biệt là tỉnh thành đang có dịch, cũng sẽ sớm được triển khai.
Người dân điền thông tin để tiêm vắc xin ngừa COVID-19 tại nhà thi đấu Hồ Xuân Hương (Q.3, TP.HCM) - Ảnh: DUYÊN PHAN
TP.HCM có 473 trẻ dưới 16 tuổi mắc COVID-19 đang điều trị
Qua phân tích số liệu, số ca tử vong tại TP.HCM (địa phương có tỉ lệ tử vong bệnh nhân COVID-19 cao nhất nước) tập trung ở nhóm có bệnh lý nền, tuổi trên 50 đặc biệt là trên 65 tuổi. TP đang triển khai chiến dịch "Bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ trước dịch bệnh COVID-19".
Số ca nhập viện tầng 2, 3 tính đến ngày 9-12 là 1.217 người. Tổng số ca đang điều trị tại bệnh viện tầng 2, 3 là 13.177 người. Số ca đang cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung là 4.813 người. Số ca đang cách ly, điều trị tại nhà là 65.576 người.
Như vậy hiện đang có tổng cộng TP.HCM 83.566 bệnh nhân đang được điều trị, cách ly. Trong đó, số ca nặng phải hỗ trợ hô hấp là 3.297 người, gồm 472 người đang thở máy xâm lấn.
Số trẻ em dưới 16 tuổi nhiễm đang điều trị là 473 người. Số phụ nữ mang thai đang điều trị là 115 người. Số trường hợp xuất viện trong ngày là 1.167 người, số ca xuất viện cộng dồn là 288.174 người.
Số ca tử vong trong ngày 9-12 là 76 người trong đó có 9 người chuyển viện từ các tỉnh thành khác.
Trong 62 ca tử vong thì có 99% kèm bệnh nền, 92% có độ tuổi từ 50 trở lên. Không có người tử vong ở người dưới 18 tuổi và ở phụ nữ mang thai.
Áp dụng quy trình phát hiện và xử lý người nhiễm COVID-19 mới tại cộng đồng và khu vực sản xuất theo hướng dẫn của Sở Y tế, đến nay TP đã thực hiện 14.781.330 mũi tiêm vắc xin COVID-19: bao gồm 7.935.465 mũi 1 và 6.845.865 mũi 2, trong đó có 1.319.526 mũi tiêm cho trẻ 12-17 tuổi.
Lực lượng chức năng lập vùng cách ly và tiếp tế vật dụng thiết yếu tại một số khu vực ở Hà Nội vì phát hiện nhiều ca F0 - Ảnh: NAM TRẦN
Thủ tướng giao Bộ Y tế xây dựng kế hoạch tiêm chủng cho trẻ 5-11 tuổi
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo ý kiến của Thủ tướng sau phiên họp về vắc xin và thuốc điều trị COVID-19. Thông báo cho hay chiến lược vắc xin của Việt Nam là phù hợp tình hình, kịp thời, đạt kết quả tốt, đến nay tỷ lệ người từ 18 tuổi đã tiêm mũi 1 đạt 95,6%, tiêm mũi 2 đạt 74,2%.
Các loại thuốc nhập khẩu, thuốc được sử dụng theo đề cương thử nghiệm lâm sàng điều trị COVID-19 đã được Bộ Y tế phân bổ theo đề xuất của các đơn vị, địa phương, tuy nhiên, "Bộ Y tế còn bị động trong chuẩn bị và phân bổ; Bộ Y tế cũng khẳng định số lượng vắc xin mua, tiếp nhận tài trợ, đã cam kết năm 2021 đủ để đáp ứng nhu cầu trong nước"- thông báo cho biết.
Thủ tướng yêu cầu cần có đánh giá toàn diện, triển khai kịp thời, hiệu quả hơn nữa việc nhập khẩu, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vắc xin, thuốc điều trị COVID-19, không để địa phương nào thiếu vắc xin để hoàn thành tiêm chủng theo mục tiêu.
Bộ trưởng Bộ Y tế và Chủ tịch UBND các tỉnh thành chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng đến 15-12, chậm nhất cuối tháng 12 cơ bản phải tiêm xong 2 mũi cho số người từ 18 tuổi trở lên, nhất là những người 50 tuổi trở lên và người có bệnh nền.
Giao Bộ Y tế khẩn trương hoàn thiện Chương trình tổng thể phòng, chống dịch COVID-19 báo cáo xin ý kiến Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trước khi báo cáo Thủ tướng.
Trong đó, kế hoạch bảo đảm vắc xin phòng COVID-19 cần chi tiết về số lượng, chủng loại, độ tuổi tiêm, thời gian tiêm, phương án tiêm, việc tiêm trộn giữa các loại vắc xin, tiêm tăng cường, bổ sung, nhắc lại, kế hoạch bảo quản, chú ý hạn sử dụng.
Đồng thời tích cực tiêm mũi 3 và đề xuất lộ trình xã hội hóa việc tiêm vắc xin phòng COVID-19, báo cáo, xin ý kiến Bộ Chính trị.
Xây dựng kế hoạch để sớm báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị về phương án tiêm (mũi 1 và 2) cho trẻ em từ 5-11 tuổi, trong đó thể hiện rõ cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn, giải pháp trên cơ sở khoa học, diễn biến dịch bệnh trong nước và thực tiễn các nước trước 10-12; đồng thời chỉ đạo quyết liệt để rà soát kỹ lưỡng đề xuất cấp có thẩm quyền kế hoạch mua vắc xin năm 2022, đặc biệt là vắc xin cho trẻ em cần phải ký được hợp đồng trong tháng 12-2021.
Thủ tướng giao Bộ Y tế bám sát tiến độ giao nhận, tiêm vắc xin để đảm bảo đủ vắc xin tiêm mũi 3 cho toàn bộ người dân từ 18 tuổi trở lên, trong đó ưu tiên những người từ 50 tuổi trở lên và các đối tượng tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19; kiến nghị kịp thời việc tiêm mũi 3 cho trẻ em từ 12-18 tuổi.
Giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan rà soát lại quy trình vận chuyển, bảo quản, tổ chức tiêm vắc xin, đánh giá chính xác, khách quan, khoa học các sự cố xảy ra để truyền thông kịp thời, đúng bản chất; kiến nghị rút kinh nghiệm và xử lý nếu có sai phạm.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế bám sát, tiếp thu các ý kiến góp ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để kịp thời đề xuất, tháo gỡ về thể chế, các khó khăn vướng mắc liên quan tới nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất, cấp phép vắc xin, thuốc điều trị COVID-19…
Chủ động trong dự báo nhu cầu về số lượng, loại thuốc điều trị COVID-19 cho cả nước để có phương án mua, kể cả mua tập trung và phân bổ, sử dụng phù hợp với yêu cầu điều trị, bảo đảm công khai, minh bạch, theo cơ chế thị trường, chống mọi biểu hiện, hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; có cơ số dự phòng cho tình huống dịch diễn biến xấu đối với các loại thuốc thiết yếu.
F0 điều trị tại bệnh viện dã chiến Phú Nhuận số 01, quận Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tiến độ tiêm chủng đang có xu hướng chậm lại
Theo ghi nhận của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, những ngày gần đây tiến độ tiêm của cả nước có xu hướng giảm nhiều, tỷ lệ sử dụng vắc xin/số vắc xin phân bổ của nhiều địa phương còn thấp ngay tại các địa phương tỷ lệ bao phủ vắc xin cho người từ 18 tuổi trở lên ở mức dưới 85%, thấp hơn mức bình quân cả nước.
Để tăng cường công tác tiêm chủng, đảm bảo đạt tỷ lệ tiêm đủ liều cơ bản trong năm 2021, Cục Y tế dự phòng đề nghị Sở Y tế các tỉnh thànhchỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng COVID-19 đủ liều cơ bản cho người từ 18 tuổi trở lên (ưu tiên tiêm trước cho người từ 50 tuổi trở lên, người mắc bệnh nền), đảm bảo tiêm chủng an toàn theo các quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế.
Đối với những địa phương đã đạt được độ bao phủ vắc xin cao cho người từ 18 tuổi trở lên cần rà soát kĩ lại các đối tượng tiêm, tổ chức tiêm vét để tránh bỏ sót đối tượng và triển khai tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi.
Đồ hoạ tiêm vắc xin COVID-19 ở Việt Nam tính đến 9-12 - Đồ họa: NGỌC THÀNH
Tình hình dịch bệnh ở một số tỉnh thành
- 30/30 quận huyện của Hà Nội đều có ca nhiễm mới. Trong 704 ca nhiễm COVID-19 mới phát hiện ở Hà Nội có 222 ca cộng đồng khu cách ly (419), khu phong tỏa (63). Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 là 15.959 ca trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 6.069 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 9.890 ca.
- Hải Phòng ngày 9-12 ghi nhận thêm 235 ca dương tính, nâng tổng số ca mắc toàn thành phố lên 1.932 ca. Toàn thành phố đang thực hiện cách ly y tế tại các cơ sở cách ly tập trung: 762 người, tại các khách sạn: 692 người, cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 26.393 người. Hồi phục xuất viện: 264 ca. Đang điều trị: 1621 ca. Tử vong: 2.
- Từ khi xuất hiện ca bệnh BN687.470 vào chiều 19-9 đến tối 9-12, Hà Nam ghi nhận 1.450 ca COVID-19. Không có ca tử vong. Hiện đã có 1.337 bệnh nhân khỏi bệnh và được ra viện. Hà Nam còn 1.375 F1 đang cách ly y tế (trong đó 189 người đang cách ly tập trung và 1.186 người cách ly tại nhà).
- Thừa Thiên Huế tính đến 18h tối 9-12, phát hiện thêm 227 ca dương tính. Tính đến nay, toàn tỉnh có 5.889 ca F0 bao gồm cả số bệnh nhân nơi khác chuyển đến BV TW Huế điều trị. Hiện đang điều trị 2.483 ca, đã điều trị khỏi 3.395 ca, có 11 ca tử vong, trong đó có 4 ca bệnh nặng từ các tỉnh khác chuyển đến. Các trường hợp tử vong đều do già yếu, bệnh nền.
- Bình Dương trong ngày 9-12 có thêm 5.798 bệnh nhân khỏi bệnh, ghi nhận 489 ca COVID-19 test PCR (tăng 7,5% so với ngày 8-12). Tuy nhiên, số bệnh nhân thu dung mới trong ngày là 4.849 bệnh nhân qua test nhanh dương tính trong đó có 202 bệnh nhân vào các cơ sở điều trị và 4.647 bệnh nhân điều trị tại nhà.
Tính từ đợt dịch thứ 4, Bình Dương ghi nhận 286.078 ca COVID-19, tỉnh đang điều trị 48.354 bệnh nhân đang điều trị COVID-19. Tỉnh đã tiêm 4.307.167 liều/4.803.800 liều vắc xin COVID-19 được phân bổ (2.461.072 liều mũi 1 và 1.838.025 liều mũi 2).
- Bến Tre từ 18h ngày 8-12 đến 11h ngày 9-12 có 509 ca COVID-19, nâng tổng số ca mắc toàn tỉnh là 13.074 ca. Trong đó, có 5.648 ca ra viện, 72 ca tử vong. Trong số ca mắc mới, có 501 ca ghi nhận tại cộng đồng trong tỉnh, 2 ca trong khu cách ly, 6 ca ngoài tỉnh. Tính đến nay, tỷ lệ tiêm vắc xin COVID-19 của Bến Tre đạt 96,60 %, trong đó 81,10% dân số tiêm đủ 2 mũi. Riêng người từ 12-17 tuổi đạt 93,87% kế hoạch.
TTO - Tính từ 16h ngày 8-12 đến 16h ngày 9-12, cả nước ghi nhận 15.311 ca nhiễm mới, trong đó 11 ca nhập cảnh và 15.300 ca ghi nhận trong nước (tăng 705 ca so với ngày trước đó) tại 61 tỉnh, thành phố (có 8.843 ca trong cộng đồng). 256 người tử vong.