Hồi đầu tháng 11, “hoa hậu chứng khoán” Mai Phương Thúy bất ngờ đăng tút khá dài về một ngân hàng nằm ngoài khả năng phân tích của cô. Đó là về Techcombank.
Mai Phương Thúy viết: “Xét góc độ doanh nghiệp thì ngân hàng (TCB) tích cực và tập trung số hóa ở mức độ cao, rất cao mà tôi chờ đợi cuối cùng đã xuất hiện.
Thú thật thì tôi không ngờ đó lại là TCB (dù thực tế thì tôi không nghi cho ngân hàng nào hết, đợt 2016-2017 tôi cứ sốt ruột không hiểu có ngân hàng Việt Nam nào chịu đầu tư mạnh tay và sớm hay không, lòng vòng mãi chả kiếm ra thông tin rồi lại bị MWG bắt mất hồn tôi quyết định chờ cho cái ngân hàng đó nó tự lộ diện)”.
Cô cũng cho biết bạn bè và những người cô quen trong giới đầu tư đều nhận xét Techcombank là ngân hàng tốt nhất trong ngành. Vì sao ngân hàng này lại nhận được những lời khen có cánh từ nàng hậu này đến vậy?
Kết quả kinh doanh ấn tượng
Techcombank là tên thường gọi ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam, được thành lập từ năm 1993 với cổ đông sáng lập nắm cổ phần lớn nhất khi đó (20%) là Vietnam Airlines. Sau gần 20 năm thành lập, ngân hàng này đạt được những thành tích kinh doanh đáng nể. Nếu so sánh với năm 2002, thu nhập lãi thuần của Techcombank năm 2020 đạt mức 18.751 tỷ đồng, gấp 278 lần. Trong khi đó lợi nhuận trước thuế cán mốc 15.800 tỷ đồng, gấp 2959 lần so với năm 2002.
Đây quả là những con số tăng trưởng ấn tượng của một ngân hàng tư nhân.
Từ một ngân hàng tư nhân non trẻ, Techcombank nhanh chóng đạt quy mô vốn hóa gần ngang tầm 2 ông lớn ngân hàng quốc doanh là BIDV và Vietinbank. Tại thời điểm ngày 9/12/2021, giá trị vốn hóa của Techcombank đạt 175.545 tỷ đồng, BIDV là 176.164 tỷ đồng, Vietinbank là 160.752 tỷ đồng và VPBank là 157.814 tỷ đồng. Hãy thử so sánh Techcombank và 3 ngân hàng lớn này.
Nếu nhìn vào thu nhập lãi thuần, ngân hàng của tỷ phú Hồ Hùng Anh có phần lép vế so với 3 ngân hàng còn lại. Năm 2020, cả ba đối thủ này đều đều đạt mức trên 32.000-36.000 tỷ đồng, gần gấp đôi con số của Techcombank.
Tuy nhiên lợi nhuận trước thuế của Techcombank thậm chí vượt xa BIDV (ở mức hơn 9000 tỷ đồng), VPBank (hơn 13.000 tỷ đồng).
Tại sao lại có điều này? Xem xét báo cáo tài chính năm 2020 của cả 4 ngân hàng này đều cho thấy Techcombank có tỷ lệ chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng thấp nhất.
Đội ngũ lãnh đạo khủng
Việc tăng trưởng ngoạn mục của Techcombank không thể không nói đến vai trò của cấu trúc thượng tầng lãnh đạo.
Người đầu tiên phải kể đến là cựu CEO Nguyễn Đức Vinh. Từ năm 2000, dưới sự dẫn dắt của ông Vinh, Techcombank bắt đầu có những bước thay đổi ngoạn mục. Bên cạnh việc xây dựng hệ thống, Techcombank còn đẩy mạnh gọi vốn từ đối tác ngoại là HSBC để tăng vốn cũng như học hỏi kinh nghiệm. Tính đến cuối năm 2007, Techcombank có mạng lưới giao dịch lớn thứ hai trong khối ngân hàng thương mại cổ phần với gần 130 chi nhánh và phòng giao dịch.
Đến năm 2008, ông Hồ Hùng Anh trở thành chủ tịch nhà băng này. Cùng với ông Nguyễn Đăng Quang và kinh nghiệm trong ngành tiêu dùng nhanh (FMCG), hai nhà lãnh đạo này mang đến làn gió mới với Techcombank và toàn ngành ngân hàng.
Đầu tiên là việc Techcombank mạnh tay "chiêu mộ" rất nhiều tài năng người Việt làm ở các nhà băng nước ngoài và tập đoàn quốc tế lớn như Citibank, Standard Chartered Bank, ABN, AMRO Bank lẫn các chuyên gia ngoại. Kèm theo đó là chế độ đãi ngộ thu nhập khủng.
Điều thứ 2 là đưa triết lý lấy khách hàng là trọng tâm của ngành FMCG vào dịch vụ ngân hàng. Đây là điều chưa từng có ở giai đoạn 2008-2010 của ngành này khi phần đông các nhà băng vẫn còn giữ vị thế cửa trên với khách hàng.
Đến năm 2012 khi ông Nguyễn Đức Vinh rời Techcombank sang VPBank, vị trí CEO được giao lại cho Simon Morris. Chuyên gia này từng có nhiều năm kinh nghiệm điều hành tại Standard Chartered Bank. Đây cũng là thời điểm ngành ngân hàng lao đao bởi sự kiện bầu Kiên, nợ xấu tăng vọt lẫn tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới.
Đến năm 2016, vị trí CEO được chuyển giao lại cho chuyên gia người Việt là ông Nguyễn Lê Quốc Anh. Vị này từng làm việc ở vị trí cấp cao trong nhiều tập đoàn lớn của Mỹ như T-Mobile US, Wells Fargo Bank, Fortress Investment Group, McKinsey… và nhận được lời mời từ chủ tịch Hồ Hùng Anh.
Ngoài CEO, những vị trí cấp cao khác tại Techcombank đều là những nhân tài đến từ các tổ chức lớn trong và ngoài nước. Dàn lãnh đạo này đều mang lại cú bứt phá cho Techcombank cho mỗi thời kỳ.
Sớm đầu tư cho công nghệ
Điểm chung xuyên suốt của đội ngũ lãnh đạo Techcombank là tầm nhìn xa về công nghệ, số hóa. Năm 2001, Techcombank đã đầu tư 20 tỷ đồng mua hệ thống ngân hàng lõi (Core Banking) của Thụy Sĩ. Thời điểm này, khái niệm core banking là điều còn xa lạ. Techcombank còn là ngân hàng tiên phong trong việc xây dựng và tham gia các dự án áp dụng công nghệ hiện đại.
Từ rất sớm, Techcombank cùng nhà tư vấn chiến lược McKinsey xây dựng chiến lược cho giai đoạn 2010-2015, sau đó là giai đoạn 2015-2020. Chiến lược này đặc biệt chú trọng tới đặc biệt là ở lĩnh vực bán lẻ và ngân hàng số. Một điểm khá thú vị là sự vươn lên của ngân hàng VPBank cũng có vai trò tư vấn của McKinsey.
Sang đến năm 2016, Techcombank công bố đầu tư 300 triệu USD cho hệ thống công nghệ thông tin trong giai đoạn 2016-2020 để số hoá ngân hàng này. Thời điểm đó, đây là một con số gây sốc bởi nhiều ngân hàng vẫn phải vật lộn với nợ xấu từ giai đoạn trước, hoặc mới hồi phục, thì cũng không dám đầu tư một khoản tiền khổng lồ như vậy cho một dự án chưa rõ ràng về khả năng thành công.
Thế nhưng đến nay chiến lược này đã gặt hái quả ngọt khi công nghệ giúp Techcombank này tiết giảm chi phí quản lý doanh nghiệp.
Không những vậy, công nghệ vượt trội kết hợp cùng chiến lược miễn thu phí dịch vụ còn giúp nhà băng này tăng được tiền lượng tiền gửi CASA. Điều này rất quan trọng trong việc gia tăng thu nhập lãi thuần ngoài mảng chính là cho vay khách hàng.
Đứng đầu cuộc đua CASA
Báo cáo phân tích mới đây của Công ty chứng khoán Bản Việt phải thốt lên rằng "chưa từng chứng kiến ở một ngân hàng khác" khi tỷ lệ CASA của Techcombank trong quý 3/2021 là 49%, so với 38,6% trong quý 3/2020. Năm 2020, tỷ lệ này cũng ở mức 38,1% cao nhất toàn ngành, trong khi đó MB là 36,1%, Vietcombank là 31,3%, BIDV là 18,5%, Vietinbank là 18,6%, VPBank là 21,5%.
Nâng cao tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn/tổng tiền gửi khách hàng (CASA) - loại tiền gửi có mức lãi suất thấp nhất, thường chỉ từ 0,1-0,8%/năm, được xem là một trong những giải pháp giảm chi phí vốn tối ưu. Tỷ lệ này càng lớn thì ngân hàng càng huy động được nhiều nguồn vốn rẻ, từ đó, giúp cải thiện tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM). Mặt khác, tỷ lệ này cũng gián tiếp phản ánh hiệu quả của chính sách phát triển sản phẩm, dịch vụ tiện ích trong thu hút và tạo nền tảng khách hàng.
Tập khách hàng thu nhập cao
Chi phí dự phòng thấp là một trong nguyên nhân khiến Techcombank đạt mức lợi nhuận trước thuế trong năm 2020 so với các ngân hàng tương đương. Báo cáo tài chính cho thấy nợ nhóm 3, 4, 5 của Techcombank năm 2020 chỉ từ 300-540 tỷ đồng trong khi đó VPBank là từ 2.000-6.000 tỷ đồng, BIDV từ 2.000-16.000 tỷ đồng.
Chia sẻ tại buổi cập nhật kết quả kinh doanh quý 3 và 9 tháng đầu năm 2021, ông Ngô Hoàng Hà, Giám đốc cao cấp tài chính doanh nghiệp của Techcombank cho biết việc trích lập dự phòng phụ thuộc vào tệp khách hàng, đồng thời cũng phản ánh ‘khẩu vị’ rủi ro của từng ngân hàng. Nếu ngân hàng có nhiều khoản vay tín chấp và có nhiều khách hàng thu nhập thấp thì sẽ phải trích lập dự phòng nhiều hơn, có rủi ro cao hơn.
“Trong khi đó, Techcombank tập trung vào phân khúc khách hàng có thu nhập cao, các doanh nghiệp lớn. Khi khủng hoảng xảy ra, các khách hàng này sẽ ít bị ảnh hưởng hơn các khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ”, ông Hà chia sẻ.
Thảo Nguyên
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị