Sáng 10-12, đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM do Phó Trưởng đoàn Văn Thị Bạch Tuyết chủ trì đã có buổi làm việc với UBND TP Thủ Đức về việc thực hiện các nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021.
4 đột phá cho TP Thủ Đức khi quản lý dân số như 1 tỉnh
Tại đây, nhiều đại biểu (ĐB) đã góp ý về những vấn đề liên quan đến cơ chế đặc thù và phân cấp, uỷ quyền cho TP Thủ Đức.
ĐB Nguyễn Minh Nhựt, Phó Trưởng ban Ban Văn hoá - Xã hội HĐND TP.HCM, góp ý cho TP Thủ Đức. Ảnh: LÊ THOA
ĐB Nguyễn Minh Nhựt, Phó Trưởng ban Ban Văn hoá - Xã hội HĐND TP.HCM, chia sẻ với những khó khăn của TP Thủ Đức trong thời gian qua; cụ thể chỉ mới thành lập khoảng một năm nhưng thời gian chống dịch đã chiếm hết một nửa.
Theo ĐB Nhựt, chỉ có TP Thủ Đức hiểu rõ nhất bản thân đang cần gì để phát triển theo như kế hoạch đề ra. Trong mục tiêu ban đầu khi thành lập TP Thủ Đức có mục tiêu về nộp ngân sách; đứng đầu là TP.HCM, tiếp theo là TP Hà Nội và thứ ba là TP Thủ Đức.
“Như vậy mục tiêu đó liệu trong tương lai có đảm bảo không?” – ĐB Nhựt hỏi và cho rằng TP Thủ Đức cần xác định điều này vì đó là những mục tiêu rất quan trọng để định hướng việc cần thực hiện trong thời gian tới, dẫn đến đề xuất các nghị quyết về cơ chế đặc thù phát triển TP Thủ Đức.
“Thực tế, TP Thủ Đức không thiếu tiền nhưng cần cơ chế thoát khỏi chiếc áo đang chật chội” – ĐB Nhựt nói và đề nghị TP Thủ Đức cần rà soát kĩ về cơ chế phân cấp, uỷ quyền; đồng thời lắng nghe ý kiến chuyên gia về đề án cơ chế đặc thù.
Nhiều đại biểu cho rằng TP Thủ Đức cần cơ chế để phát triển. Ảnh: HOÀNG GIANG
Còn ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bí thư Thành uỷ TP.HCM, cho rằng trách nhiệm của TP Thủ Đức với 1,2 triệu dân tương đương với dân số của một tỉnh thì bộ máy hành chính phải làm sao để công việc chạy được tốt như bộ máy của một tỉnh.
“Quản lý một địa phương có dân số bằng dân số của một tỉnh mà với bộ máy của một quận thì chắc chắc không làm tốt, dễ quá tải” – ĐB Nhân khẳng định việc nhập 3 quận rời rạc lại thành TP Thủ Đức để tạo nên sức mạnh tổng hợp nhưng để quản lý dân tốt thì bộ máy quản lý phải tương xứng.
ĐB Nhân cho rằng bộ máy hiện nay của TP Thủ Đức còn chưa tương xứng và gặp nhiều vất vả.
Theo ĐB Nhân, TP Thủ Đức không đòi số lượng biên chế nhiều hơn, thu nhập cao hơn một cách phi lí mà tạo điều kiện cho bộ máy phát huy năng lực kinh tế của một địa phương có năng suất cao. Ông đặt ra mục tiêu TP Thủ Đức phải đạt năng suất cao nhất, tiền đề khoa học công nghệ và giao thông đô thị tốt nhất TP.HCM.
ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bí thư Thành uỷ TP.HCM, góp ý 4 đột phá cho TP Thủ Đức. Ảnh: LÊ THOA
Qua đó, ĐB Nguyễn Thiện Nhân đề nghị TP Thủ Đức phải phát triển ba đột phá. Một là tự chủ cao mới phát huy các tiềm lực mà nơi khác không có. Hai là phải có trình độ nguồn nhân lực bình quân cao nhất TP.HCM bằng việc tận dụng cơ sở đào tạo giáo dục, văn hoá trên địa bàn. Ba là đột phá về hạ tầng 4.0, hạ tầng đô thị; trong đó thúc đẩy dự án Khu công nghệ cao giai đoạn 2. ĐB Nhân đặt hàng về một Trung tâm siêu máy tính tốt nhất Việt Nam nằm tại Thủ Đức.
Nguyên Bí thư Thành uỷ TP.HCM cũng cho rằng để tự chủ còn cần có chính sách khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo hiệu quả cao. Tuy nhiên qua việc ghi nhận sự hài lòng của người dân, nếu cán bộ vi phạm nhiều thì mạnh dạn chuyển công tác.
Bên cạnh ba đột phá trên, ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh về đột phá ở lĩnh vực đầu tư. “Để có thể làm được những điều trên thì phải huy động, vay, mượn được khoảng 1 tỉ USD, trong vòng 7 năm mới đổi mới hạ tầng được mạnh mẽ”- ông nói và cho biết nếu vay về thì có thể trả được.
Mong giữ lại số biên chế như cũ
Trao đổi với các đại biểu, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng cho biết dù 5 tháng qua với nhiệm vụ chống dịch là chủ yếu nhưng việc thu ngân sách năm 2021 gần đạt mục tiêu, phấn đấu vượt chỉ tiêu TP.HCM giao. Cụ thể năm nay dự kiến TP Thủ Đức thu ngân sách hơn 8.500 tỉ.
Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng chia sẻ những khó khăn trong gần 1 năm hoạt động. Ảnh: LÊ THOA
Theo ông Tùng, thời điểm các hoạt động khác đều ngưng để tập trung chống dịch thì các hoạt động kinh tế ở TP Thủ Đức vẫn đang diễn ra nhộn nhịp như ở cảng Cát Lái duy trì công suất 80%, Khu công nghệ cao, khu chế xuất cũng duy trì 50% người lao động '3 tại chỗ' để không đứt gãy chuỗi sản xuất.
Ông Tùng bày tỏ kì vọng TP Thủ Đức sẽ có chuyển biến mới trong năm tới bằng sự quan tâm của TP.HCM.
Nói về công tác giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) sau sáp nhập, ông Hoàng Tùng cho biết đây là thách thức rất to lớn. “Mục tiêu hàng đầu là phải giải quyết thủ tục cho người dân đúng hạn vì khi thành lập TP Thủ Đức, đối với người dân không biết có gì hay hơn không mà TTHC chậm là không được”- ông Tùng nói và cho biết TP Thủ Đức đã cải tiến quy trình giải quyết thủ tục. Trong đó việc cấp phép xây dựng được hoàn toàn thực hiện trực tuyến, ngay cả giấy phép cũng được kí và gửi email cho người dân để người dân cần thì có thể “in ra bao nhiêu tuỳ thích”.
“Việc vận hành TTHC nên cải thiện chủ yếu ở các phường, chứ 1,2 triệu người dân dồn lên TP Thủ Đức, dù cố gắng làm nhưng khó đáp ứng thời gian, công việc cho người dân” – ông Tùng nói và cho biết đã nghiên cứu các quy định hiện hành để tăng trách nhiệm người đứng đầu để giải quyết tốt TTHC.
Về số lượng cán bộ, công chức, Chủ tịch Hoàng Tùng thông tin TP Thủ Đức hiện có khoảng 580 người, theo lộ trình sẽ giảm gần 150 người. Tuy nhiên hơn 500 cán bộ hiện có vẫn chưa thể làm hết việc. Vừa qua khi tinh giảm biên chế theo các nghị quyết của QH đã có một số cán bộ trăn trở, một số xin nghỉ trong khi khối lượng công việc rất lớn.
Chủ tịch TP Thủ Đức tha thiết mong có thể được giữ lại số biên chế như cũ, thậm chí có thế tăng cường từ sở, ngành xuống bởi dân số sẽ còn tăng lên nữa.
Chậm ban hành cơ chế phân cấp, uỷ quyền cho TP Thủ Đức Phát biểu kết luận, ĐB Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM, chia sẻ khó khăn với TP Thủ Đức sau khi sáp nhập.
Theo ĐB Tuyết, diện tích tự nhiên và quy mô dân số sau sáp nhật là rất lớn nhưng TP Thủ Đức đang hoạt động với chế điều hành của cơ quan hành chính cấp huyện. Trong đó, số lượng cán bộ công chức theo quy định rất thấp trong khi khối lượng hồ sơ hành chính nhiều, cùng với đó là nhiều nhiệm vụ tương ứng với quy mô dân số. Không những thế trên địa bàn còn có đặc thù khác như cảng Cát Lái, Khu đô thị mới Thủ Thiêm… ĐB Tuyết ghi nhận những nỗ lực của TP Thủ Đức sau gần một năm hoạt động. “Dù có ảnh hưởng bởi dịch nhưng việc TP.HCM chưa ban hành cơ chế phân cấp, uỷ quyền cho TP Thủ Đức là chậm” – ĐB Tuyết nói và cho biết Đoàn ĐBQH TP.HCM sẽ kiến nghị Thành uỷ, UBND TP.HCM đẩy nhanh việc này. Bà cũng cho rằng số lượng nhân sự của TP này phải phục vụ tốt cho 1,2 triệu dân, phù hợp mục tiêu phát triển mới của Thủ Đức. Do đó, Đoàn ĐBQH TP sẽ có đề nghị UBND TP nghiên cứu những giải pháp thuộc thẩm quyền của TP. Đồng thời có thể vận dụng Nghị quyết 54/2017 để tính toán trình HĐND TP xem xét để cán bộ tương ứng với hiệu quả làm việc, giữ được cán bộ giỏi. Đáng chú ý, ĐB Văn Thị Bạch Tuyết đề nghị TP Thủ Đức nên nghiên cứu một số cơ chế đặc thù của các địa phương khác, của đặc khu kinh tế để đề xuất cho mình. Bà gợi ý khi QH đánh giá Nghị quyết 54 để đề xuất tiếp cơ chế đặc thù cho TP.HCM thì có thể có một phần dành cho cơ chế đặc thù của Thủ Đức. “Đây là cơ hội quan trọng, đề nghị TP Thủ Đức tận dụng tối đa, đeo bám sở, ngành và UBND TP.HCM để thực hiện” – ĐB Tuyết nói. |