Ngày 9/12, hãng xếp hạng tín dụng Fitch (Mỹ) thông báo hạ xếp hạng với Tập đoàn bất động sản Evergrande của Trung Quốc từ mức "C" (quá trình vỡ nợ hoặc tương tự vỡ nợ đã bắt đầu) xuống mức "RD" (vỡ nợ hạn chế - tức là nhà phát hành không có khả năng thanh toán các khoản nợ).
Evergrande, tập đoàn bất động sản hàng đầu tại Trung Quốc bị tuyên bố "vỡ nợ hạn chế", sau khi không thể thanh toán những khoản nợ trái phiếu phát hành bằng đồng USD. Diễn biến mới này đánh dấu sự suy sụp của một đế chế bất động sản với tuổi đời 25 năm tại Trung Quốc, qua đó tạo áp lực lớn lên chính phủ nước này trong việc ngăn chặn cuộc khủng hoảng nợ ngành địa ốc lan sang những lĩnh vực khác. Câu hỏi lớn nhất được đặt ra lúc này là điều gì sẽ xảy ra tiếp theo: Evergrande được tái cơ cấu như thế nào và những chủ nợ nào được ưu tiên nhận lại toàn bộ số tiền?
Kịch bản vỡ nợ chéo
Hãng định mức tín nhiệm Fitch Ratings vừa đưa ra công bố "vỡ nợ hạn chế" (restricted default) đối với "bom nợ" Evergrande, với lý do nhà phát triển bất động sản này không thể thanh toán khoản lãi trái phiếu trị giá hơn 82 triệu USD phát hành bằng đồng USD vốn đã hết thời gian ân hạn 30 ngày hôm 6/12 vừa qua.
Fitch Ratings công bố "vỡ nợ hạn chế" (restricted default) đối với "bom nợ" Evergrande (Nguồn: Reuters)
Tuyên bố trên được cho là có thể châm ngòi cho kịch bản vỡ nợ chéo trong mạng lưới nợ quốc tế hơn 19 tỷ USD trái phiếu của Evergrande, qua đó đưa tập đoàn này trở thành công ty phá sản lớn nhất Trung Quốc.
Dù chưa chính thức lên tiếng về việc vụ phá sản có thể dẫn đến quá trình tái cơ cấu nợ kéo dài, song Evergrande vẫn bị dán mác "phá sản hạn chế". Theo giới chuyên gia, đây chính là dấu mốc lớn trong bi kịch kéo dài của ngành địa ốc Trung Quốc, khi mà Evergrande, công ty với khoản nợ hơn 300 tỷ USD cùng một loạt các công ty bất động sản mắc nợ khác đã tác động nghiêm trọng đến thị trường tài chính Trung Quốc, ngay cả khi giới chức Bắc Kinh nhiều lần tìm cách trấn an các nhà đầu tư.
Từng được đánh giá là "quá lớn để vỡ nợ", Evergrande giờ đây trở thành "nạn nhân" lớn nhất trong chiến dịch giám sát hoạt động vay nợ của Trung Quốc. Dù đã nỗ lực để "chúng không trở thành nguy cơ mang tính hệ thống", song giới chức nước này vẫn phải "ngậm ngùi" nhìn một loạt các tên tuổi bất động sản sụp đổ do không thể thanh toán.
Mới đây nhất, tập đoàn Sunshine 100 đã công bố không thể trả khoản tiền trái phiếu trị giá 170 triệu USD và hơn 8,9 triệu USD lợi suất đáo hạn trong năm nay. Sunshine 100 cho biết, những khó khăn trong môi trường kinh tế vĩ mô và ngành bất động sản là nguyên nhân chính khiến công ty này không thể trả các khoản nợ.
Dữ liệu từ Bloomberg cũng cho thấy hồi đầu tuần trước, các doanh nghiệp Trung Quốc đã vỡ nợ tổng cộng 10,2 tỷ USD trái phiếu nước ngoài từ đầu năm, trong đó các công ty bất động sản chiếm tới 36%.
Tuyên bố "vỡ nợ hạn chế" có thể châm ngòi cho kịch bản vỡ nợ chéo với trái phiếu thị trường quốc tế của Evergrande là 19 tỷ USD (Nguồn: Forbes)
Kế hoạch tái cơ cấu Evergrande bị gia tăng sức ép
Theo Giám đốc đầu tư Brock Silvers của Kaiyuan Capital chi nhánh Hong Kong (Trung Quốc), "Việc Evergrande bị hạ điểm tín nhiệm có thể không ảnh hưởng tức thì đến quy trình thủ tục của Trung Quốc, song lại gia tăng sức ép lên kế hoạch tái cơ cấu của tập đoàn".
Việc Evergrande bị hạ điểm tín nhiệm có thể gia tăng sức ép lên kế hoạch tái cơ cấu của tập đoàn (Nguồn: Nikkei Asian)
Kế hoạch này có sự tham gia của chính phủ Trung Quốc và bao gồm toàn bộ các khoản nợ trái phiếu quốc tế và nợ vay tư nhân của Evergrande. "Sẽ rất thú vị khi chứng khiến vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong quá trình tái cơ cấu cũng như khả năng kiểm soát của chính phủ", ông Robin Usson, chuyên gia phân tích tín dụng tại Federated Hermes cho biết.
Theo AFP, Evergrande sẽ thành lập một ủy ban quản lý rủi ro gồm 7 thành viên, trong đó có các quan chức thuộc cơ quan nhà nước nhằm giảm thiểu các rủi ro hoạt động trong tương lai. "Các ngân hàng và người nắm giữ trái phiếu sẽ rất ủng hộ các hoạt động tái thiết lập hồ sơ nợ của các công ty có vấn đề về thanh khoản, miễn là chúng được thực hiện một cách công bằng và minh bạch", ông Gustavo Medeiros thuộc công ty Ashmore Group nhận định. Thông tin tích cực trên, dù giúp cổ phiếu Evergrande ngay lập tức tăng nhẹ 1% trên sàn Hong Kong (Trung Quốc), song vẫn không thể ngăn kịch bản tập đoàn này vỡ nợ.
Tập đoàn bất động sản Kaisa Group không thể thanh toán 400 triệu USD trái phiếu đã quá thời gian ân hạn (Nguồn: Reuters)
Mới đây, Fitch cũng có động thái dán nhãn "phá sản hạn chế" tương tự đối với Kaisa Group sau khi tập đoàn bất động sản này không thanh toán 400 triệu USD trái phiếu quá thời gian ân hạn. "Việc Evergrande và Kaisa Group vỡ nợ sẽ đưa chúng ta bước sang giai đoạn suy thoái tài sản Trung Quốc. Rủi ro hệ thống lúc này sẽ dần được thay thế bằng những rủi ro đặc trưng", ông Usson nhấn mạnh.
Nỗ lực giảm sốc của chính phủ Trung Quốc
Trước tình hình đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc PBOC tuyên bố sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ tiền mặt bắt buộc của các ngân hàng trong bối cảnh nền kinh tế đang chững lại trước nhiều bất ổn.
PBOC tuyên bố sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ tiền mặt bắt buộc của các ngân hàng (Nguồn: Reuters)
Theo đó, tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tất cả các ngân hàng sẽ giảm 0,5 điểm phần trăm xuống 8,4%, đánh dấu lần cắt giảm đầu tiên kể từ tháng 7. Khi đó, 1.200 tỷ nhân dân tệ sẽ được giải phóng trong nỗ lực nới lỏng các hoạt động cho vay cũng như giảm áp lực cho nền kinh tế vốn đã chịu nhiều thiệt hại sau khủng hoảng thiếu điện và làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới. Bên cạnh đó, kế hoạch trên cũng được kỳ vọng có thể giúp các tổ chức tài chính tại Trung Quốc đại lục cắt giảm chi phí tài chính khoảng 15 tỷ nhân dân tệ mỗi năm. Đây được coi là tín hiệu tốt cho ngành bất động sản khi các công ty địa ốc có bậc xếp hạng tín nhiệm cao có thể tiếp cận dòng vốn.
Hồi tháng 10, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Dịch Cương cũng khẳng định nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang hoạt động tốt nhưng phải đối mặt với nhiều thách thức, chẳng hạn như nguy cơ vỡ nợ của một số doanh nghiệp nhất định. Nguyên nhân chủ yếu được cho là đến từ khả năng quản lý yếu kém. Chính vì vậy, các cơ quan quản lý nước này đã lên kế hoạch siết chặt quá trình giám sát các công ty bất động sản nhằm ngăn các vấn đề của Tập đoàn Evergrande lan sang những công ty quy mô nhỏ hơn.
Khả năng quản lý yếu kém tại một số doanh nghiệp khiến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đối mặt với nhiều thách thức (Nguồn: The Japan Times)
Bên cạnh đó, PBOC triển khai nhiều giải pháp khác nhau để ngăn chặn nguy cơ tài chính, chẳng hạn như bơm thêm vốn cho các ngân hàng nhỏ và vừa. Bắc Kinh cũng cho biết sẽ dành ưu tiên cao nhất cho công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, người mua nhà cũng như các chủ nợ và cổ đông của Evergrande.
Chủ nợ nào của Evergrande sẽ được ưu tiên?
Các chuyên gia cho rằng, giới chức Trung Quốc có thể áp dụng nguyên tắc ưu tiên ổn định xã hội và một số nhà đầu tư tổ chức nếu cần. Theo đó, những chủ nợ nước ngoài của Evergrande được cho là có thể sẽ nằm cuối danh sách ưu tiên của Evergrande, xếp sau gần 1,6 triệu khách hàng đã nộp tiền đặt cọc mua nhà, nhân viên của Evergrande cũng như một loạt nhà đầu tư sở hữu tài sản tài chính liên quan đến công ty này.
Dẫu vậy, Evergrande không thể hoàn toàn "ngó lơ" các chủ nợ trái phiếu quốc tế. Đây là danh sách bao gồm nhiều công ty đầu tư lớn trên thế giới, đối tượng mà chính phủ Trung Quốc cũng đang dành sự quan tâm như Ashmore Group, BlackRock… Ngân hàng đầu tư Morgan Stanley cũng tin rằng cơ quan quản lý Trung Quốc sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thảo luận tái cơ cấu nợ đối với các chủ nợ nước ngoài sau khi các hoạt động dần đi vào ổn định.
Nguồn: Reuters
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.7781232101211202-oeht-peit-ar-yax-ig-neyuhc-on-ov-ednargreve/ioig-eht/nv.vtv