Apple đang phải đối mặt với một làn sóng dò xét mới sau khi báo The Information đưa ra thông tin rằng CEO Apple Tim Cook đã đích thân vận động và đạt được một “thỏa thuận bí mật” trị giá 275 tỷ USD về việc Apple sẽ tăng cường đầu tư vào nước này và chấp hành quy định của giới chức Trung Quốc.
Khoản đầu tư được thỏa thuận bao gồm việc sử dụng nhiều linh kiện hơn từ các nhà cung ứng Trung Quốc, hợp đồng với các công ty phần mềm Trung Quốc, hợp tác với các trường đại học trong nghiên cứu và phát triển, và đầu tư trực tiếp vào các công ty công nghệ Trung Quốc, theo The Information.
Cụ thể hơn, sau khi vận động các quan chức Trung Quốc vào năm 2016, Apple đã đầu tư 1 tỷ USD vào “ông lớn” gọi xe công nghệ Didi Chuxing, đồng thời thiết lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển với các đối tác Trung Quốc, bao gồm cả Đại học Thanh Hoa. Apple cũng đã di chuyển hạ tầng hoạt động iCloud cho người dùng Trung Quốc sang quốc gia này và lưu trữ khóa mã hóa tại đây, đồng thời mở thêm 11 cửa hàng bán lẻ.
Một bài bình luận trên blog WeChat Buyidao do Thời báo Hoàn cầu đăng tải đã lên tiếng bảo vệ khoản đầu tư của Apple. Theo bài viết này, việc tấn công vào mối quan hệ giữa Apple và Trung Quốc “rõ ràng được thúc đẩy bởi tư tưởng bài Trung Quốc”.
Bài viết này còn cho rằng: “Việc bắt các công ty Mỹ phải rời bỏ Trung Quốc chính là bắt họ phải rời bỏ cơ hội và lợi nhuận. Điều này cũng không khác gì chủ nghĩa McCarthy áp dụng vào hoạt động kinh doanh”.
Bài bình luận trên, hiện đã lan truyền rộng rãi trong dư luận Internet Trung Quốc, cũng đặt nghi vấn về con số 275 tỷ USD, cho rằng số tiền lớn đến vậy đúng ra sẽ thu hút nhiều chú ý từ truyền thông và công luận hơn trong suốt 5 năm qua.
Apple chưa phản hồi hay bình luận về thông tin được đưa ra trên The Information.
Thông tin về “thỏa thuận bí mật” của Apple cùng những ý kiến chỉ trích công ty này sau khi nó được tiết lộ phản ánh thách thức ngày càng lớn mà các công ty Mỹ phải đối mặt trong việc tìm đường trong chính trường Trung Quốc trong khi vẫn tuân thủ giá trị cốt lõi của mình. Paul Haswell, một luật sư từ công ty luật quốc tế Pinsent Masons, cho biết: “Với việc căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng cả về mặt tư tưởng và chính trị, thử thách mà các doanh nghiệp phải xử lý sẽ càng ngày càng khó hơn. Năm 2022 sẽ là một năm thú vị cho bất cứ nền tảng hoặc công ty công nghệ nào muốn hoạt động tại cả Mỹ và Trung Quốc; các công ty này sẽ phải vật lộn để tuân thủ hệ thống quy định ở cả hai nước”.
Trên các mạng xã hội tại Mỹ, một số người dùng đã tranh luận về việc thỏa thuận của Apple có ý nghĩa là công ty này đã phải cúi đầu trước Trung Quốc, hay đây chỉ là hoạt động kinh doanh bình thường của một tập đoàn đa quốc gia.
Một phần lý do mà thỏa thuận bí mật gây chú ý rộng rãi đến từ sự phụ thuộc ngày càng tăng của Apple vào Trung Quốc, vốn là một trong những thị trường lớn nhất và tăng trưởng nhanh nhất của công ty này. Doanh thu của Apple tại Trung Quốc đại lục, Hồng Kông và Đài Loan (Trung Quốc) đã tăng 83% so với cùng kỳ năm trước, lên mức 14,6 tỷ USD trong quý 3/2021, vượt qua tăng trưởng doanh thu tại châu Mỹ và châu Âu.
Apple cũng đã vượt qua nhiều tranh cãi tại Trung Quốc và duy trì vị thế hàng đầu tại đây, ví dụ như khi một số người tiêu dùng kêu gọi tẩy chay đồ Apple sau việc chính phủ Mỹ trừng phạt Huawei vào năm 2019.
Trong tháng 10 vừa qua, Apple đã giành lại vị trí thương hiệu smartphone có thị phần lớn nhất Trung Quốc, với doanh thu tăng trưởng 46% so với tháng trước nhờ iPhone 13 trong khi toàn bộ thị trường smartphone Trung Quốc tăng trưởng 2% so với tháng 9.
Trung Quốc cũng đã có vị trí quan trọng hơn trong chuỗi cung ứng của Apple. Trong giai đoạn 2017 - 2020, số lượng các nhà cung ứng mới cho Apple từ Trung Quốc lớn hơn bất kỳ quốc gia nào khác, chiếm gần 1/3 danh sách nhà cung ứng mới.
Bà Vương Đan, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Hang Seng Trung Quốc, nói rằng: “Vụ tranh cãi này phản ánh một phần việc chính phủ Mỹ có ý định tách biệt giới công nghệ với Trung Quốc… Vì Trung Quốc đã trở thành một trong những thị trường lớn nhất cho Apple cũng như nhiều doanh nghiệp nước ngoài khác và không chỉ còn là một trung tâm sản xuất,... (các công ty đa quốc gia) cũng sẵn sàng hợp tác công nghệ với đối tác Trung Quốc hơn”.
Tuy Apple trụ vững trước tâm lý chủ nghĩa dân tộc tại Trung Quốc, bài viết của The Information cho rằng danh tiếng của Apple tại đây gắn liền với Tim Cook - có nghĩa là việc lãnh đạo Apple thay đổi có thể sẽ dẫn đến việc vị trí của Apple thay đổi.
Bên cạnh việc xây dựng quan hệ với các quan chức, ông Cook còn duy trì hình ảnh của mình trước dư luận Trung Quốc. Vào tháng 2 vừa qua, video một cuộc phỏng vấn giữa ông và một vlogger trẻ trên trang web Bilibili đã lan truyền rộng rãi trên Internet Trung Quốc. Khi thảm họa lũ lụt quét qua hai tỉnh Hà Nam và Sơn Tây vào năm nay, Tim Cook cũng đã cam kết đóng góp hỗ trợ khắc phục thiên tai trên mạng xã hội Weibo.
Dù căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục dâng cao, Apple cũng không có nhiều lý do để quay lưng với Trung Quốc. Theo lời bà Vương Đan, cam kết của Apple với Trung Quốc là quyết định kinh doanh nhắm vào tiềm năng tăng trưởng của thị trường này, và do đó nhiều khả năng sẽ ít bị ảnh hưởng bởi áp lực chính trị tại Mỹ.
Tùng Phong (Theo SCMP)