Bảo hiểm xã hội Việt Nam trả lời thắc mắc của bạn đọc về lựa chọn nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu bảo hiểm y tế hộ gia đình.
Bà Phạm Ánh hỏi: Hiện nay tôi và bố mẹ ruột đã có bảo hiểm y tế đăng ký khám chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) ban đầu tại Bệnh viện Đà Nẵng (tuyến thành phố) được 15 năm theo diện thân nhân lực lượng vũ trang. Nay chồng tôi về hưu nên BHYT sẽ chuyển về dạng tham gia tự nguyện.
Vậy khi mua lại BHYT hộ gia đình tự nguyện tại địa phương thì gia đình tôi có được đăng ký nơi KCB ban đầu tại Bệnh viện Đà Nẵng được không? Vì hiện nay tất cả hồ sơ bệnh án, bác sĩ, và mọi vấn đề liên quan đến điều trị của tôi và bố mẹ ruột đều nằm tại Bệnh viện Đà Nẵng.
Về việc này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam trả lời:
Căn cứ Điểm 1 Điều 26 Luật BHYT số 25/2008/QH12 ngày 14.11.2008 quy định: Người tham gia bảo hiểm y tế có quyền đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến xã, tuyến huyện hoặc tương đương; trừ trường hợp được đăng ký tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến tỉnh hoặc tuyến trung ương theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
2. Điều kiện đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu tuyến tỉnh, tuyến trung ương được quy định tại Điều 9 Thông tư số 40/2015/TT-BYT ngày 16.11.2015 của Bộ Y tế quy định đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu và chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh BHYT, cụ thể như sau:
1. Người tham gia BHYT được đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại một trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7 và 9 Điều 5 và Điều 6 Thông tư này trong các trường hợp sau đây:
a) Người thường trú, tạm trú có thời hạn hoặc làm việc trên địa bàn quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh không có cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định tại Điều 3 và Điều 4 Thông tư này hoặc các cơ sở đó không đáp ứng được việc khám bệnh, chữa bệnh ban đầu cho người tham gia BHYT theo quy định của Giám đốc Sở Y tế sau khi có sự thống nhất bằng văn bản của Giám đốc BHXH tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
b) Người thường trú, tạm trú có thời hạn hoặc làm việc trên địa bàn quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh được đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7 và 9 Điều 5 và Điều 6 Thông tư này do Giám đốc Sở Y tế quy định sau khi có sự thống nhất bằng văn bản của Giám đốc BHXH tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
2. Người tham gia bảo hiểm y tế được đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại một trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định tại Điều 8, Khoản 1 Điều 9 Thông tư này hoặc được đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế khác trong các trường hợp sau đây:
a) Đối tượng thuộc diện được quản lý, bảo vệ sức khoẻ theo Hướng dẫn số 52 HD/BTCTW ngày 2.12.2005 của Ban Tổ chức Trung ương Đảng về việc điều chỉnh bổ sung đối tượng khám, chữa bệnh tại một số cơ sở y tế của Trung ương được đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại Bệnh viện Hữu Nghị, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Thống Nhất trực thuộc Bộ Y tế hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác quy định tại Điều 5 (trừ Khoản 4) và các Khoản 1, 2 và 4 Điều 6 Thông tư này;
b) Đối tượng thuộc diện được quản lý, bảo vệ sức khỏe cán bộ của tỉnh, thành phố được đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại phòng khám thuộc Ban bảo vệ chăm sóc sức khoẻ cán bộ tỉnh hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại các Khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7 và 9 Điều 5 Thông tư này,...
3. Người tham gia bảo hiểm y tế đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo được đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuận lợi nhất trên đất liền nếu trên các xã đảo, huyện đảo không có cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định tại các Điều 3, 4, 5 và 6 Thông tư này.
Đối chiếu trường hợp của bà với các quy định nêu trên; căn cứ Điều 5 và Điều 6 Thông tư số 40/2015/TT-BYT: Bệnh viện Đà Nẵng là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu tuyến tỉnh nên BHXH thành phố chưa đủ cơ sở để giải quyết theo đề nghị.