Chiều ngày 9-12, Công an tỉnh Thanh Hóa đã phát đi thông báo về các thủ đoạn cho vay trái pháp luật xảy ra trên địa bàn tỉnh này.
Công an tỉnh Thanh Hóa nhận định, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động cho vay trái pháp luật xảy ra tại nhiều địa phương trong tỉnh với các phương thức, thủ đoạn rất tinh vi làm ảnh hưởng lớn tới tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn.
Các đối tượng cho vay lợi dụng mạng viễn thông “núp bóng” các doanh nghiệp có chức năng cho vay tài chính, kinh doanh cầm đồ, tạo “vỏ bọc” để tổ chức hoạt động cho vay không thế chấp, góp vốn, góp tài sản kinh doanh với lãi suất rất cao (từ 100% đến 300%, thậm chí lên đến 700%/năm đối với khoản tiền ở thời điểm vay).
Từ đó, hệ lụy của hoạt động cho vay trái pháp luật đã kéo theo nhiều loại tội phạm, vi phạm pháp luật về trật tự xã hội như giết người, cưỡng đoạt tài sản, hủy hoại tài sản, cố ý gây thương tích, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản hay gây rối trật tự công cộng, ném chất bẩn xảy ra thời gian qua.
Ổ nhóm tín dụng đen ở huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa cho vay lãi suất lên tới 194% vừa bị công an bắt giữ hôm 18-11. Ảnh: Công an cung cấp
Công an Thanh Hóa khẳng định, thời gian qua đã sử dụng nhiều biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn hoạt động cho vay trái pháp luật. Qua điều tra đã phát hiện, bắt giữ, xử lý hàng trăm đối tượng, đường dây, ổ nhóm hoạt động tín dụng trái pháp luật trên địa bàn.
Tuy nhiên, để phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn, xử lý nghiêm đối với các loại tội phạm này, vì lợi ích chính đáng của nhân dân, Công an tỉnh Thanh Hoá thông báo một số nội dung liên quan đến hoạt động cho vay trái pháp luật trên địa bàn.
Một là, các cá nhân, tổ chức hạn chế vay, mượn tiền của các đối tượng hoạt động cho vay trái pháp luật ngoài xã hội, các đối tượng cho vay thông qua các trang mạng, ứng dụng trên máy tính, điện thoại thông minh...
Các trường hợp vay, mượn thông thường thì yêu cầu phải lập hợp đồng dân sự ghi rõ số tiền vay, mức lãi suất, phương thức thanh toán, giải quyết tranh chấp. Cụ thể quy định tại các Điều 463, 466, 468 - Bộ luật Dân sự; việc viết giấy vay tiền, tính lãi phải theo quy định của Ngân hàng, tránh bị đối tượng tính gộp lãi vào gốc thành gốc mới.
Hai là, khi có nhu cầu vay vốn, các cá nhân, tổ chức trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá tìm hiểu về các gói vay ưu đãi phù hợp, lãi xuất thông qua cổng thông tin điện tử Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Thanh Hoá theo số điện thoại 02373.852.342.
Ba là, những cá nhân hiện nay đang “mắc nợ” của các đối tượng hoạt động cho vay trái pháp luật với phương thức, thủ đoạn nêu trên thì liên hệ Phòng Cảnh sát hình sự theo địa chỉ 15A Hạc Thành, TP Thanh Hoá hoặc điện thoại 02373.858.252).
Hoặc người dân liên hệ đến công an huyện, thị xã, thành phố, xã phường, thị trấn để tố giác, cung cấp tin, tài liệu, “bằng chứng" đồng thời tích cực phối hợp với cơ quan công an để điều tra, xác minh, xử lý các đối tượng theo quy định của pháp luật.
Bốn là, khi “chủ nợ” trực tiếp hoặc tổ chức cho đối tượng “côn đồ” đến đòi nợ có hành vi đe dọa, cưỡng bức, hành hung... Đồng thời, cần chủ động tự bảo vệ mình; nếu có thể thì ghi âm, ghi hình để cung cấp cho cơ quan Công an.
Vì thế, Công an tỉnh Thanh Hóa đề nghị người dân gọi ngay cơ quan công an nơi gần nhất hoặc qua đường dây nóng Công an tỉnh Thanh Hóa (số điện thoại 02373.725.725) để được hướng dẫn giải quyết.