Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa chia sẻ buổi gặp mặt có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động báo chí, là dịp để các cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo nhìn lại chặng đường đầy khó khăn, thử thách trong năm 2021 đối với hoạt động báo chí cả nước và TP.HCM - Ảnh: H.K
Cuộc gặp mặt nhằm tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý hoạt động báo chí để triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là "Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại".
Phát biểu khai mạc buổi gặp mặt, ông Nguyễn Trọng Nghĩa - bí thư Trung ương Đảng, trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương - chia sẻ buổi gặp mặt thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với các cơ quan báo chí, đặc biệt đối với sự hoạt động tích cực trong quãng thời gian phòng, chống dịch COVID-19.
Ông Nghĩa đánh giá cuộc chiến với đại dịch COVID-19 gây ra nhiều gian khổ, khó khăn, mất mát, hy sinh nhưng cũng thể hiện tinh thần cách mạng, tiên phong của nhiều tầng lớp, lĩnh vực, trong đó có các cơ quan báo chí.
Buổi gặp mặt diễn ra sau khi TP.HCM cùng cả nước đã đạt được các kết quả tích cực trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, từng bước chuyển từ trạng thái giãn cách, giãn cách tăng cường để phòng chống dịch sang trạng thái bình thường mới, gắn với việc đẩy mạnh, khôi phục, phát triển kinh tế, xã hội.
"Chúng tôi muốn gặp gỡ để tôn vinh, biểu dương các cơ quan báo chí. Ngoài ra, chúng tôi cũng muốn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng các cơ quan nhằm chuẩn bị kỹ lưỡng hơn cho hội nghị tổng kết ngành tuyên giáo, ngành báo chí và thông tin, đối ngoại toàn quốc năm 2021", ông Nghĩa chia sẻ.
Tại cuộc gặp mặt, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng gửi lời chúc mừng toàn thể cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Quân khu 7 nhân kỷ niệm 76 năm ngày truyền thống Quân khu 7 (10-12-1945 - 10-12-2021).
Phát biểu sau đó, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên ghi nhận sự lăn xả của báo chí vì đã không ngại nguy hiểm, gian khổ, khó khăn để kịp thời ghi nhận, đưa hình ảnh, tin tức sống động, cần thiết từ tuyến đầu trong giai đoạn dịch.
"Lực lượng báo chí đã ra trận chiến đấu, vừa đảm bảo nhiệm vụ đưa tin, vừa chống lại tin giả, tin xấu, tin độc. Họ vừa vượt qua cuộc sống đời thường, vừa làm việc, vừa chiến đấu và khắc phục khó khăn như những lực lượng khác. Lực lượng báo chí có thể coi là tuyến đầu của tuyến đầu", Bí thư Nguyễn Văn Nên bày tỏ.
Ông Nên nhìn nhận dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến nhiều tổ chức, cá nhân, báo chí cũng nằm trong bối cảnh chung ấy, buộc phải thích ứng linh hoạt, sáng tạo. Cụ thể, các cơ quan báo chí vừa phải vượt qua ảnh hưởng của dịch COVID-19, vừa đảm bảo đời sống cho đội ngũ cán bộ, nhân viên.
Ông cũng đề nghị các cơ quan báo chí tập trung truyền thông mạnh mẽ hơn, để mọi người có ý thức hơn, thay đổi thói quen, thích ứng an toàn trong giai đoạn bình thường mới.
Báo chí giúp người dân nâng cao cảnh giác chống dịch
Phát biểu tại hội nghị, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Phan Nguyễn Như Khuê chia sẻ trong quãng thời gian dịch COVID-19 diễn ra căng thẳng, các cơ quan báo chí đã tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức của người dân đối với công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.
Thông qua hoạt động này, người dân trên địa bàn đã nâng cao tinh thần cảnh giác, hạn chế được sự chủ quan, lơ là.
Theo ông Khuê, vào thời điểm đợt bùng phát dịch COVID-19 diễn ra phức tạp, thành phố cũng định hướng các cơ quan báo chí tổ chức thông tin về diễn biến dịch, cùng sự nỗ lực, quyết tâm cùng cả nước kiểm soát tốt dịch bệnh.
"Thường trực Thành ủy đã quan tâm, phối hợp tổ chức phong trào toàn dân phòng, chống dịch, ngăn chặn vấn đề xuất nhập cảnh trái phép. Đồng thời, Ban Tuyên giáo Thành ủy cũng chủ động ban hành chỉ đạo tăng cường thông tin về công tác phòng, chống dịch, phối hợp cùng Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá tình hình, xây dựng kịch bản truyền thông trong thời gian dài", ông Khuê phân tích.