Hôm qua tôi có cuộc họp với một đối tác từ Singapore. Họ quan tâm hỏi một câu quan trọng: "Bao giờ chúng tôi, những người đã tiêm đủ vắc xin, được bay đến Việt Nam mà không mất nhiều thời gian cách ly?".
Tôi hiểu mối quan tâm của họ. Trong giai đoạn này, những người cất cánh bay không hẳn là những người muốn dạo chơi. Phần nhiều họ là các nhà đầu tư, nhân viên kinh doanh, chuyên gia và người Việt Nam muốn về nhà.
Vừa qua các bộ liên quan đã nhất trí chủ trương mở lại các đường bay quốc tế, bắt đầu từ 15-12. Hy vọng văn bản chính thức sẽ sớm được trình lên Thủ tướng và những cánh cổng cuối cùng sẽ được mở ra cho giao thương quốc tế. Để đối tác của tôi sớm có mặt ở Việt Nam.
Có lẽ cho đến giờ này, Việt Nam là quốc gia cuối cùng còn đóng cửa với các chuyến bay thương mại quốc tế. Sự dè dặt, thận trọng là cần thiết, song thận trọng quá đang khiến chúng ta mất nhiều cơ hội hồi phục kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực du lịch.
Sức ép mất thị trường du lịch quốc tế năm 2022 đặt chúng ta vào thế phải đưa ra những quyết định dứt khoát, dũng cảm và khoa học. Trong giai đoạn thử nghiệm cho khách du lịch nhập cảnh vừa qua, chúng ta đã đón 1.179 du khách và chưa phát hiện bất kỳ một trường hợp nào dương tính. Đã có người bình luận rằng Việt Nam đang xếp hạng 35/233 về số lượng ca nhiễm, du khách không sợ thì thôi, vì sao Việt Nam lại sợ du khách mang virus tới?!
Thông tin mới nhất cho hay với chính sách mở cửa phập phù của chúng ta, một số hãng lữ hành, tàu biển nước ngoài đã hủy tour đến Việt Nam tới tháng 5-2022.
Điều này cũng dễ hiểu, bởi không công ty nào có thể lập kế hoạch dài hạn cho du khách của mình khi không biết chừng nào Việt Nam mới có thể "bình thường mới" thực sự, sống chung, thích ứng linh hoạt và an toàn với virus. Trong khi đó có quá nhiều sự lựa chọn về điểm đến trong thời điểm này như Thái Lan, Campuchia, Singapore, Indonedia... là các nước láng giềng nhưng cũng là đối thủ cạnh tranh của chúng ta trong lĩnh vực du lịch quốc tế.
Theo nghiên cứu của GlobalWebIndex, cùng với Worldwide Partners, Inc., khách du lịch hậu Covid-19 sẽ không hẳn mặn mà với du lịch tour tuyến. Giới trung lưu sẽ tìm kiếm các giải pháp du lịch nội địa hoặc trong khu vực, ngắn hạn.
Trong khi đó những người thu nhập cao sẽ mong muốn chuyến du lịch của họ được thiết kế riêng, phục vụ những nhu cầu cá nhân, mang tính riêng tư và kín đáo. Họ ưa thích các khu nghỉ dưỡng không ồn ào, an toàn và mang lại trải nghiệm cá nhân thoải mái, dễ chịu.
Những nhu cầu này có tương thích với chiến lược thử nghiệm mở cửa du lịch quốc tế của chúng ta hiện nay là điều cần đặt ra. Từ khi chúng ta triển khai thử nghiệm mở cửa Phú Quốc (Kiên Giang), mới chỉ có duy nhất một chuyến bay từ Hàn Quốc. Đó là một thực tế cần xem xét.
Thị trường hấp dẫn, bên cạnh việc mở cửa cho các chuyến bay thương mại thông thường còn cần phải là một vùng xanh an toàn cho du khách. Vùng xanh đó tuyệt nhiên không phải là một địa phương hoàn toàn không có COVID-19, mà là nơi phần lớn người dân được tiêm đủ vắc xin, có cuộc sống bình thường, với dịch vụ lưu trú, ăn uống, giải trí, chăm sóc con người phù hợp và hệ thống y tế đủ linh hoạt để xử lý các tình huống xảy ra. Khách du lịch sẽ chỉ quan tâm đến điểm đến nào có chính sách cởi mở, ít hạn chế sự tự do đi lại và thiết kế trải nghiệm riêng.
Du lịch phục hồi sẽ kéo theo hàng loạt lĩnh vực khác trở lại bình thường và tăng tốc. Chúng ta không thể chờ đợi thêm nữa, sự thận trọng quá mức sẽ làm lỡ cơ hội của chúng ta.
TTO - Dù chỉ mới là những thông tin chỉ đạo từ cấp chính phủ và còn phải chờ các bộ ngành liên quan lên kế hoạch triển khai cụ thể, nhưng hy vọng sắp có thể về nước mà không phải cách ly tập trung khiến nhiều người Việt xa xứ chộn rộn niềm vui.
Xem thêm: mth.51291053201211202-ioh-oc-ol-es-cum-auq-gnort-naht/nv.ertiout