vĐồng tin tức tài chính 365

Hành trình săn tìm Coban - "Kim cương máu" của những viên pin xe điện

2021-12-11 15:20
Hành trình săn tìm Coban - Kim cương máu của những viên pin xe điện - Ảnh 1.

Một chiều tháng Tư ở Kasulo, Cộng hòa Dân chủ Congo.

Người đàn ông trong bộ suit sọc với điểm nhấn là chiếc túi đựng khăn tay màu đỏ đi quanh mép một cái hố khổng lồ, nơi bên dưới là hàng trăm công nhân chân đi dép tông, mải miết đào sâu xuống lòng đất bằng xẻng và cuốc.

Đôi giày da bóng loáng của ông ta dính đầy bụi bặm, thứ mà những người thợ mỏ đổ ra từ những chiếc túi nylon nhồi đầy đá coban.

Người đàn ông này là Albert Yuma Mulimbi, là một nhà môi giới lâu năm đầy quyền lực ở Cộng hòa Dân chủ Congo. Ông ta cũng là chủ tịch của một cơ quan chính phủ chuyên làm việc với các công ty quốc tế để khai thác trữ lượng đồng và coban vô cùng lớn của quốc gia này.

Mục tiêu từng được ông Yuma tuyên bố là biến Congo thành một nhà cung cấp coban đáng tin cậy, bởi trên thị trường thế giới, đây là thứ kim loại vô cùng quan trọng trong việc sản xuất pin của những chiếc xe điện. Đồng thời, ông cũng khẳng định muốn xóa bỏ tai tiếng về việc dung túng một thế giới ngầm ở quốc gia này, nơi những đứa trẻ chưa thành niên bị đưa vào làm việc tại các mỏ khai thác, một môi trường đầy độc hại và thiếu trang thiết bị, rất dễ khiến chúng bị thương hoặc bị giết.

“Chúng tôi phải tổ chức lại đất nước và kiểm soát lĩnh vực khai thác”, ông Yuma nói khi ngồi cùng một phái đoàn cấp cao tới mỏ khai thác ở Kasulo, trong một đội xe SUV đắt tiền, để khảo sát về những thách thức cần phải đối mặt.

Nhưng đối với nhiều người ở Congo và cả chính quyền Mỹ, bản thân chính Yuma cũng là một vấn đề. Với tư cách là chủ tịch của Gécamines, doanh nghiệp khai thác mỏ quốc doanh của Congo, người đàn ông này bị cáo buộc đã giúp chuyển hướng doanh thu lên tới hàng tỷ USD.

Các quan chức hàng đầu của Bộ Ngoại giao Mỹ đã cố gắng tách ông ta ra khỏi cơ quan khai thác mỏ và đưa người đàn ông này vào danh sách trừng phạt, với lập luận rằng Yuma đã lạm dụng chức vụ của mình trong nhiều năm để làm giàu cho bạn bè, thành viên gia đình và các đồng minh chính trị.

Hành trình săn tìm Coban - Kim cương máu của những viên pin xe điện - Ảnh 2.

Nhưng Yuma phủ nhận mọi hành vi sai trái và đang tiến hành một chiến dịch vận động hành lang và pháp lý phức tạp để xóa tên mình ở cả Washington lẫn thủ đô Kinshasa của Congo, đồng thời tiếp tục thúc đẩy kế hoạch đại tu lĩnh vực khai thác coban.

Để điều hành hiệu quả bộ máy chính sách đối ngoại của riêng mình, Yuma đã thuê một nhóm các nhà vận động hành lang có nhiều mối quan hệ tốt, chuyển khoản 1,5 triệu USD cho một cựu quan chức Nhà Trắng không được tiết lộ. Ông thậm chí cung cấp cho Mỹ thông tin tình báo về Nga và các khoáng sản quan trọng, cũng như thực hiện chuyến thăm riêng tới Tháp Trump ở New York vào năm 2018, theo các cuộc phỏng vấn và tài liệu mật. Mặc dù vậy, ông đã bị cấm nhập cảnh vào Mỹ chỉ hai tháng sau cuộc gặp gỡ đó.

Dẫu vậy, sự nắm giữ và kiểm soát của Yuma đối với ngành công nghiệp khai thác vẫn rất lớn. Và chính điều đó đã làm phức tạp các nỗ lực của chính quyền Congo trong việc thu hút các nhà đầu tư phương Tây và đảm bảo cho mình một vị trí trong cuộc cách mạng năng lượng sạch.

Pin có chứa coban giúp giảm tình trạng quá nhiệt trong ô tô điện và mở rộng phạm vi hoạt động của chúng, nhưng kim loại này cũng được biết đến như một thứ "kim cương máu" vì giá cao và tình trạng khai thác trong môi trường độc hại ở Congo, quốc gia sản xuất coban lớn nhất thế giới. Do đó, các nhà sản xuất ô tô lo ngại về quan điểm của người tiêu dùng, nên đang nhanh chóng chuyển sang tìm kiếm các giải pháp công nghệ thay thế. Một trong số đó là tìm đến các quốc gia khác có lượng dự trữ nhỏ hơn.

Vì vậy, nếu không giải quyết được vấn đề nhân quyền tại các mỏ khai thác của mình, nhiều khả năng vai trò của Congo trong nền kinh tế mới nổi có thể bị giảm sút. Và ngay cả khi Yuma nỗ lực để giải quyết những vấn đề đó, như chính ông đã cam kết, điều đó vẫn có thể là chưa đủ đối với các nhà đầu tư. Bởi họ muốn yên tâm rằng đất nước này đã thực hiện đủ các bước để kiềm chế một lịch sử đầy tham nhũng trong ngành khai khoáng.

Hành trình săn tìm Coban - Kim cương máu của những viên pin xe điện - Ảnh 3.

Tổng thống của Congo, Felix Tshisekedi, đã cố gắng gạt Yuma sang một bên bằng cách đưa người của mình vào quản lý Gécamines. Trong một cuộc phỏng vấn riêng, Tshisekedi cho biết ông có chiến lược riêng để khắc phục các điều kiện khai thác mỏ nguy hiểm của đất nước.

“Nó sẽ không phụ thuộc vào Yuma”, tổng thống Congo nói. "Chính phủ sẽ quyết định."

Sự bất đồng giữa Yuma và tổng thống là minh chứng lặp lại cho những cuộc tranh giành quyền lực từng xé nát các quốc gia châu Phi giàu tài nguyên thiên nhiên trong quá khứ. Đối với Congo, câu hỏi đặt ra ở đây là: Liệu Yuma có giúp đất nước tiến vào một kỷ nguyên thịnh vượng mới, hay ông sẽ khiến nó trở nên xung đột và hỗn loạn hơn?

Giá coban đã tăng vọt trong những năm gần đây, và tác động rõ ràng nhất là ở các khu vực giàu coban gần Kasulo. Những chiếc xe tải chở những thùng hóa chất ầm ầm đổ xuống những mỏ khai thác khổng lồ, nơi có thể sản xuất hàng trăm nghìn tấn quặng.

Nhưng những người bình thường, và đôi khi là cả trẻ em, cũng tự tìm lấy cho mình một cái cuốc và bắt đầu đào. Họ được biết đến như những người khai thác thủ công, trái ngược với những người khai thác quy mô công nghiệp.

Hành trình săn tìm Coban - Kim cương máu của những viên pin xe điện - Ảnh 4.

Tại bùng binh chính của một trung tâm khai thác ở Copperbelt của Congo, có những bức tượng lớn và nổi bật. Một trong số đó mô tả một người thợ mỏ tác phong công nghiệp trong chiếc mũ cứng, với đèn pha và ủng. Một bức khác mô tả một người đàn ông cởi trần, mặc quần đùi rách rưới, tay cầm một cái cuốc. Chúng kể lại câu chuyện về nền kinh tế khai thác kép của đất nước này, theo phong cách công nghiệp và thủ công.

Các mỏ công nghiệp, sử dụng công nghệ cao do các tập đoàn toàn cầu như Molybdenum của Trung Quốc điều hành, sử dụng hàng nghìn nhân công. Trong khi cũng có những vấn đề riêng, phần lớn chúng lại không phải chịu trách nhiệm về tai tiếng hoen ố của đất nước này trước thế giới.

Nhưng với lĩnh vực khai thác thủ công, đó là một câu chuyện hoàn toàn khác. Đó cũng là nơi Yuma có kế hoạch tập trung phần lớn các giải pháp cải cách đã nêu của mình. Nơi đây bao gồm những người lớn không được đào tạo chính quy và đôi khi có cả trẻ em, tham gia vào việc khai thác thủ công hầu như không được kiểm soát. Dọc theo con đường cao tốc chính chia đôi nhiều khu mỏ, có những dòng người đi xe máy đều đặn chở đầy những bao coban cướp được - mỗi bao trị giá khoảng 175 USD - né tránh các trạm kiểm soát bằng cách lao ra từ những bụi hoa hướng dương.

Không thể tìm được một công việc nào khác, hàng nghìn bậc cha mẹ chấp nhân cho con cái họ đi tìm coban. Vào mỗi buổi sáng, bạn có thể nhìn thấy các nhóm thanh niên băng qua con đường chạy qua hai mỏ công nghiệp, nhặt những viên đá rơi xuống từ xe tải lớn.

Nhưng đó còn là một công việc an toàn. Còn có những việc khác nguy hiểm hơn, trong những khu mỏ tạm, nơi một số em đã chết sau khi phải trèo cao hàng chục mét hay chui xuống đất qua những đường hầm hẹp có thể bị sập bất cứ lúc nào.

Hành trình săn tìm Coban - Kim cương máu của những viên pin xe điện - Ảnh 6.

Kasulo, nơi ông Yuma đang trưng bày các kế hoạch cải cách của mình, từng là một ngôi làng nông thôn thịnh vượng. Nhưng nó đã trở thành một bãi khai thác mỏ sau khi một người dân phát hiện ra những khối coban bên dưới một ngôi nhà.

Ngày nay, một cây xoài và một vài bụi hoa giấy tím, cùng những mảnh vườn còn sót lại của khu dân cư, là dấu tích duy nhất của cuộc sống làng quê còn sót lại. Thay cho những ngôi nhà giờ là các tấm bạt màu cam, được buộc bằng dây thừng sờn cũ, để ngăn nước mưa tràn vào các hầm trục thẳng đứng được đào bằng tay, nơi công nhân sẽ chui xuống và đập búa vào đá để chiết xuất các khối coban.

Georges Punga là một người có mặt thường xuyên ở khu mỏ này. Người đàn ông 41 tuổi này cho biết mình bắt đầu làm việc trong các mỏ kim cương từ khi mới 11 tuổi. Kể từ đó, ông đã đi khắp đất nước để tìm kiếm các kho báu dưới lòng đất của Congo: đầu tiên là vàng, sau đó là đồng, và trong ba năm qua, là coban.

Ông Punga tạm dừng công việc đào bới của mình vào một buổi chiều, kéo chiếc quần dài màu xanh bụi bặm khỏi đôi giày thể thao. Những vết sẹo chằng chịt hiện lên trên ống chân của ông là minh chứng cho các chấn thương trong nhiều năm làm việc. Ông kiếm được ít hơn 10 USD một ngày - số tiền chỉ đủ để nuôi gia đình và cho con cái đi học, thay vì gửi chúng đến hầm mỏ.

“Nếu tôi có thể tìm được một công việc khác, tôi sẽ làm việc đó”, ông nói. "Tôi mệt mỏi với việc đào bới."


Các quan chức ở Congo đã bắt đầu thực hiện các bước cải cách, bao gồm cả việc thành lập một công ty con của Gécamines để cố gắng hạn chế các phương pháp khai thác lộn xộn mà các thợ mỏ sử dụng, cũng như cải thiện an toàn và ngừng sử dụng lao động trẻ em.

Theo kế hoạch, các thợ mỏ tại các địa điểm như Kasulo sẽ sớm được cấp mũ và ủng cứng, việc đào hầm sẽ bị cấm và độ sâu của hố sẽ được điều chỉnh để ngăn chặn tình trạng sập hầm. Người lao động cũng sẽ được trả lương đồng nhất và qua hệ thống điện tử, thay vì bằng tiền mặt, để ngăn chặn gian lận.

Nhưng với tư cách là chủ tịch hội đồng quản trị của Gécamines, ông Yuma vẫn sẽ là trung tâm của những cải cách này. Các nhà đầu tư phương Tây và các công ty khai thác ở Congo không còn lựa chọn nào khác ngoài việc hợp tác với người đàn ông này vì nhu cầu ngày càng tăng đối với coban khiến các mỏ quy mô nhỏ - chiếm tới 30% sản lượng của cả nước - càng trở nên cần thiết hơn.

Sau khi khai thác coban, một cơ quan mới sẽ mua nó từ những người khai thác và chuẩn hóa giá cả cho những người đào, để đảm bảo rằng chính phủ có thể đánh thuế doanh thu. Ông Yuma cũng hình dung ra một quỹ mới để hỗ trợ tài chính cho người lao động nếu giá coban giảm.

Hiện nay, những người đào mỏ thường bán coban tại một khu lán dài hàng dặm, nơi âm thanh của búa tạ đập vào đá sẽ át đi mọi tiếng ồn khác. Ở đó, các thương nhân quốc tế đánh giá một cách thô thiển độ tinh khiết của kim loại trước khi mua nó, còn các thợ mỏ thường phàn nàn về việc họ bị lừa.

Hành trình săn tìm Coban - Kim cương máu của những viên pin xe điện - Ảnh 8.

Ông Yuma thường dẫn các nhà báo đi tham quan Kasulo và một khu nhà kho, cùng phòng thí nghiệm mới được xây dựng gần đó, thứ được tạo ra nhằm mục đích thay thế các lán mua bán.

“Chúng ta đang trải qua một quá trình chuyển đổi kinh tế và coban là sản phẩm chủ lực”, ông Yuma cho biết, khoe nó như một người cha đầy tự hào với đứa con của mình.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế cũng lập luận rằng tìm kiếm các giải pháp cho vấn đề khai thác tận thu ở Congo là một cách tiếp cận tốt hơn việc quay lưng lại với đất nước này. Bởi vì điều đó sẽ gây ra nhiều khó khăn hơn cho những người thợ mỏ nghèo khó và gia đình của họ.

Nhưng các nhà hoạt động cũng chỉ ra rằng kế hoạch của ông Yuma, ngoài việc chi tiền cho các tòa nhà mới, vẫn chưa thực sự thay đổi được gì, đặc biệt trong việc cải thiện các điều kiện cơ bản cho thợ mỏ. Và nhiều quan chức chính phủ cấp cao ở cả Congo và Mỹ đã đặt câu hỏi liệu ông Yuma có phải là nhà lãnh đạo phù hợp cho nhiệm vụ này hay không.

Bất chấp những hoài nghi, ông Yuma vẫn duy trì sở thích của mình là thưởng thức những ly Dom Pérignon - một thương hiệu rượu champagne cổ điển - khi ngồi trong văn phòng của mình ở Gécamines. Căn phòng dược trang trí xung quanh với những khối kim loại quý và khoáng chất được tìm thấy ở Congo đã được bọc trong thủy tinh, cùng các tác phẩm nghệ thuật Congo đương đại từ bộ sưu tập cá nhân của ông. Yuma nói rằng lối sống của bản thân luôn được trưng bày một cách công khai, là bằng chứng rõ ràng rằng ông ấy không cần phải thực hiện các âm mưu hay tham nhũng để có được.

"Khi 20 tuổi, tôi đã lái chiếc BMW đầu tiên của mình ở Bỉ, vậy chúng ta đang nói về điều gì nhỉ?", ông đưa ra lời đáp về những cáo buộc rằng mình đã ăn cắp tiền từ chính phủ Congo.

Hành trình săn tìm Coban - Kim cương máu của những viên pin xe điện - Ảnh 9.

Yuma hiện là một trong những doanh nhân giàu nhất Congo. Ông có một khu bất động sản đắc địa ven sông ở Kinshasa, nơi gia đình ông đã thành lập một doanh nghiệp dệt may với các hợp đồng may quân phục cho chính phủ. Năm 2019, trong đám cưới của con gái mình, ông đã thuê dàn dựng một buổi biểu diễn hoành tráng không kém gì các vũ hội ở Las Vegas, với các vũ công mặc trang phục bắt mắt và những bức tượng hươu cao cổ lớn màu trắng đặt trên bàn.

Người đàn ông này cũng từng tham gia hội đồng quản trị của ngân hàng trung ương Congo và được bầu lại vào năm nay làm chủ tịch hiệp hội thương mại quyền lực của đất nước, tương đương với Phòng Thương mại Hoa Kỳ.

Còn Gécamines - cơ quan khai thác khổng lồ nơi ông làm chủ tịch - đã được quốc hữu hóa và đổi tên sau khi Congo giành được độc lập từ Bỉ năm 1960. Gécamines từng độc quyền khai thác đồng và coban và đến những năm 1980, là một trong những nhà sản xuất đồng hàng đầu thế giới.

Nhưng đến những năm 1990, sản lượng từ Gécamines đã giảm sút nghiêm trọng. Tiền không được tái đầu tư vào hoạt động và công ty đã tích lũy khoản nợ hơn 1 tỷ USD. Cuối cùng, một nửa lực lượng lao động của nó đã bị sa thải. Để tồn tại, Gécamines đã được tái cấu trúc, chuyển sang liên doanh với các nhà đầu tư tư nhân, chủ yếu là nước ngoài, trong đó công ty này có cổ phần thiểu số.

Ông Yuma đã tiếp quản nó vào năm 2010, hứa hẹn sẽ đưa Gécamines trở lại thời kỳ huy hoàng trước đây. Nhưng thay vào đó, theo các nhóm chống tham nhũng, doanh thu từ khai thác đã sớm biến mất. Tổ chức phi lợi nhuận Carter Center ước tính rằng chỉ riêng từ năm 2011 đến năm 2014, khoảng 750 triệu USD đã biến mất khỏi kho bạc của Gécamines, một phần là do Yuma.

Các nhà chức trách Mỹ cũng tin rằng ông Yuma đang sử dụng một số tiền trong lĩnh vực khai thác để hỗ trợ những người ủng hộ Joseph Kabila, tổng thống của Congo trong suốt 18 năm, cũng là người đầu tiên đưa Yuma lên nắm quyền điều hành Gécamines.

Báo cáo thường niên năm 2018 của Bộ Ngoại giao về nhân quyền ở Congo cho biết: “Các giao dịch tài chính đáng ngờ có vẻ trùng khớp với các chu kỳ bầu cử của đất nước”. Theo các báo cáo khác, ông Yuma đã bị cáo buộc lừa Congo khoảng 8,8 tỷ USD, một số tiền mà bản thân ông cho là vô lý. Ông thậm chí tuyên bố rằng mình đã mang lại hàng tỷ USD doanh thu về cho đất nước này.

Hành trình săn tìm Coban - Kim cương máu của những viên pin xe điện - Ảnh 10.

Bất chấp các quan điểm trái chiều cùng áp lực từ chính quyền Congo và Mỹ, ông Yuma “vẫn giữ được ảnh hưởng đáng kể" tại đất nước này.

Như thường lệ, ông luôn đi cùng đoàn tùy tùng của mình gồm các phụ tá, những người xưng hô ông là "Tổng thống Yuma", biệt danh được biết đến trên khắp Congo nhờ vai trò lãnh đạo trong kinh doanh. Nó cũng ám chỉ cho quyền lực và tham vọng của người đàn ông.

Ông vẫn tiếp tục nói về việc lắp đặt lại bảy tầng lầu mới và xây dựng một bãi đáp trực thăng tại tòa nhà văn phòng của mình ở trung tâm thành phố Kinshasa. Ông cũng đã bắt đầu một chuyến công du toàn quốc trong năm nay, hoạt động này trông giống như một chiến dịch tranh cử tổng thống. Trong hành trình, ông đến thăm mọi tỉnh, với điểm dừng chân đầu tiên tại quê hương của mình, Tshisekedi. Tại đây, ông gặp một nhóm người bán nước dứa đang gặp khó khăn.

Trước khi rời đi, ông đã trao cho nhóm 5.000 USD tiền mặt để họ bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh.

“Chỉ để cho họ thấy rằng tôi ủng hộ họ”, ông giải thích trong một cuộc phỏng vấn sau đó.

Giống như một vị tổng thống, Yuma đang hy vọng nhận được sự ủng hộ để thu hút nhiều nhà đầu tư Mỹ hơn, những người sẽ tin rằng các nỗ lực cải cách của ông sẽ lật ngược tình thế.

“Tôi là một người bạn của nước Mỹ”, ông nói trong cuộc phỏng vấn. “Tôi luôn làm việc thiện chí để bảo vệ và giúp đỡ Mỹ đầu tư vào Congo. Và tôi đã nói với các bạn rằng, tôi yêu nước Mỹ. Các con tôi đã học đại học ở đó. Vào một ngày, mọi người sẽ hiểu tôi là một người bạn tốt thực sự của nước Mỹ và tôi sẽ tiếp tục giúp đỡ”.

Hành trình thăm thú của ông kéo dài suốt cả ngày, trên những đường cao tốc chính chạy qua hàng chục khu mỏ công nghiệp, nơi xe tải chở đầy đồng và các bồn chứa hóa chất dùng để khai thác kim loại từ quặng.

Hành trình săn tìm Coban - Kim cương máu của những viên pin xe điện - Ảnh 11.

Nhưng xen giữa những đoàn xe là lần lượt hết chiếc mô tô này đến mô tô khác. Chúng thường có một người đàn ông lái xe và một người ngồi lùi lại phía sau, hoạt động như một người cảnh giới, cầm trên tay những túi coban khổng lồ vừa bị đánh cắp.

Hiện tại, khai thác tận thu vẫn là một phần quan trọng của ngành công nghiệp này. Khoảng 30% sản lượng coban của Congo là từ khai thác thủ công. Và không ai rõ liệu kế hoạch cải tổ của Congo có biến thành hiện thực hay không.

Hành trình săn tìm Coban - Kim cương máu của những viên pin xe điện - Ảnh 12.

Tham khảo NYTimes

Hành trình săn tìm Coban - Kim cương máu của những viên pin xe điện - Ảnh 13.



https://phapluat.suckhoedoisong.vn/hanh-trinh-san-tim-coban-kim-cuong-mau-cua-nhung-vien-pin-xe-dien-162211012212321534.htm

Xem thêm: nhc.89123614111211202-neid-ex-nip-neiv-gnuhn-auc-uam-gnouc-mik-naboc-mit-nas-hnirt-hnah/nv.fefac

Comments:0 | Tags:No Tag

“Hành trình săn tìm Coban - "Kim cương máu" của những viên pin xe điện”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools