Hoa hậu H’Hen Niê chia sẻ tại buổi họp báo - Ảnh: T.ĐIỂU
Bà Nguyễn Phương Hòa - cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch) - chia sẻ với Tuổi Trẻ Online bên lề buổi họp báo chiều 11-12 tại Hà Nội giới thiệu Ngày Việt Nam tại Expo Dubai 2020 diễn ra ngày 30-12.
Ngoài nghi lễ chính thức vào buổi sáng, lễ diễu hành vào buổi trưa, hoạt động xúc tiến thương mại, Ngày Việt Nam còn có nhiều hoạt động văn hóa như triển lãm tranh của Xèo Chu, tuần phim Việt Nam, chương trình thời trang nghệ thuật Dòng chảy bất tận - The Eternal Flow.
Đặc biệt trình chiếu phim ngắn về truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ, nguồn gốc con rồng cháu tiên của người Việt bằng công nghệ hình ảnh và âm thanh hiện đại trên hệ thống mái vòm 360 độ lớn nhất thế giới của Expo Dubai.
14 bức tranh vẽ phong cảnh Việt Nam, trong đó có nhiều bức vẽ ruộng bậc thang Mù Cang Chải của Xèo Chu sẽ được giới thiệu tới công chúng quốc tế từ ngày 28 đến 30-12. Lựa chọn Xèo Chu, ban tổ chức mong muốn "khoe" với thế giới một Việt Nam có những thế hệ trẻ đầy sáng tạo.
Tuần phim Việt Nam giới thiệu 7 bộ phim đặc sắc của Việt Nam gần đây như Bố già, Hai Phượng, Mắc biếc, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Cô Ba Sài Gòn, Cha cõng con, Cuộc đời của Yến. Phim Bố già được chọn chiếu khai mạc tuần phim vào tối 30-12.
Không phải những bộ phim kinh điển về đề tài chiến tranh, bà Phương Hòa nói ban tổ chức muốn cho thế giới thấy Việt Nam còn có rất nhiều thứ đáng tự hào và đáng được thế giới biết đến rộng rãi chứ không chỉ "nổi tiếng bởi chiến tranh".
Chương trình thời trang nghệ thuật Dòng chảy bất tận - The Eternal Flow ngoài H’Hen Niê còn có hoa hậu Đỗ Trần Khánh Ngân, á hậu Mâu Thủy, á hậu Hoàng My, á hậu Kim Duyên… cùng 64 người mẫu quốc tế và nhiều nghệ sĩ, nghệ nhân Việt Nam.
Chương trình giới thiệu ba bộ sưu tập lấy cảm hứng từ các sản phẩm dệt thủ công thổ cẩm của đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam của nhà thiết kế Diego (thương hiệu Chula) đã quá cố, Vũ Việt Hà, Lý Quí Khánh.
Là đại diện hình ảnh của chương trình thời trang nghệ thuật này, hoa hậu H’Hen Niê sẽ làm vedette trong chiếc váy mang hoa văn của các dân tộc Việt Nam của nhà thiết kế quá cố Diego Chula.
Nhà thiết kế Diego Chula khi còn sống và vợ trong bộ thiết kế của ông lấy cảm hứng từ thổ cẩm trình diễn tại rừng thông tỉnh Đắk Nông năm 2020 - Ảnh: LEON LEE
Bà Mỹ Dung - giám đốc Công ty Tấm và Cám - đại diện ban tổ chức chia sẻ, nhà thiết kế Diego Chula vừa hoàn thiện 30 mẫu thiết kế cho sự kiện quan trọng này thì đột ngột qua đời ở tuổi 49 hồi tháng 10 vừa qua.
Ban tổ chức quyết định vẫn tiếp tục giới thiệu bộ sưu tập của ông tại chương trình, thậm chí chọn một thiết kế đặc sắc nhất của ông làm vedette để tri ân một người nước ngoài rất yêu thổ cẩm, yêu lụa là vải vóc Việt, văn hóa Việt.
Ban tổ chức tin rằng bộ sưu tập thời trang thổ cẩm của Diego Chula sẽ truyền cảm hứng cho những người nước ngoài tiếp tục đóng góp cho văn hóa Việt Nam giống như ông.
"Diego Chula là một người nước ngoài nhưng chất liệu và nguồn cảm hứng sáng tác của ông đều bắt nguồn từ những giá trị văn hóa của Việt Nam. Đặc biệt với thổ cẩm, Chula đã dùng rất nhiều năm tháng của mình để đi đến với đồng bào dân tộc, với các nghệ nhân để sáng tạo.
Chọn bộ sưu tập của Diego Chula lần này, ban tổ chức muốn gửi đến thế giới hình ảnh văn hóa Việt Nam không chỉ là nguồn sáng tạo của các nhà thiết kế trong nước mà cả những nhà thiết kế nước ngoài", bà Phương Hòa cho biết.
TTO - Nhà thiết kế người Tây Ban Nha Chula (Diego Chula) nói chính nền văn hóa giàu có phi thường của người Việt và đời sống hằng ngày rất thú vị ở Việt Nam đã nuôi dưỡng cảm hứng sáng tạo bất tận trong ông.