Thị trường chứng khoán với VN-Index đang thực sự gặp khó trong khoảng điểm từ 1.440-1.470. Đây cũng là vùng chỉ số diễn biến tăng giảm bất thường, có xu hướng chưa rõ ràng trong trạng thái đang tích lũy.
Những cái khó…
Cái khó thứ nhất là thị trường chưa có dấu hiệu rõ ràng cho thấy đợt điều chỉnh đã kết thúc. Tính từ mức đỉnh 1.500 điểm mà VN-Index đã đạt đến vào phiên giao dịch ngày 25.11, tới nay chỉ số đã phải tạm lùi xuống hơn nửa tháng.
Đó chưa phải là đoạn lùi quá dài về thời gian. Tuy nhiên, vấn đề thanh khoản giảm mạnh trong tuần giao dịch vừa qua cộng hưởng với xu hướng thị trường chưa rõ ràng chính là cái khó thứ hai, mới khiến tâm lý nhà đầu tư thiếu tự tin, thậm chí lo ngại, từ đó đứng ngoài quan sát.
Thứ ba, nguồn vay margin của các công ty chứng khoán dù được tăng cường qua việc tăng vốn dồn dập nhưng vẫn chưa hoàn tất 100%, dẫn đến việc đáp ứng nhu cầu vẫn bị hụt. Trên thực tế giao dịch, cứ sau mỗi nhịp thị trường tăng mạnh thì lại xảy ra tình trạng căng margin tại nhiều công ty chứng khoán lớn.
Sau đó, thị trường bị điều chỉnh mạnh là y như rằng nhiều tài khoản buộc phải xả hàng để giải chấp nhằm cân đối lại margin, khiến tâm lý giao dịch trên thị trường bị tác động bất ổn.
Phản ứng thái quá
Trong khi thị trường đang bị thách thức trước những cái khó nêu trên, nhóm cổ phiếu “bằng chứng thép” (bank: ngân hàng + chứng khoán + thép) chủ lực trên thị trường lại hoàn toàn không có được sự đồng thuận.
Đầu tiên là nhóm chứng khoán, được cho là nhóm thường “dẫn sóng”. Cho dù có mức độ tăng điểm khá mạnh trong khoảng 2 tháng trở lại đây, nhưng tuần giao dịch vừa qua, nhóm chứng khoán đã liên tục mất điểm, hoặc nhịp tăng thiếu ổn định, chỉ dấu cho thấy sóng tăng bị phập phù.
Nhóm cổ phiếu thứ hai là ngân hàng, thỉnh thoảng có một phiên tăng khá mạnh và đồng loạt, nhưng cũng chỉ đến thế chứ không thể cầm chịch dẫn dắt thị trường được hơn 1 phiên trong ít nhất 4 tháng trở lại đây.
Cuối cùng là nhóm thép, đang rơi vào thoái trào với nhịp giảm giá mạnh và liên tục tạo đáy mới trong gần 2 tháng qua. Thậm chí, mức chiết khấu giá của một số mã như NKG đã giảm tới hơn 30%, trong khi HSG cũng đã có mức chiết khấu 30% và HPG khoảng 20% tính từ đỉnh, khiến cho nhiều tài khoản của nhà đầu tư đã “bay hơi” gần hết thành quả lợi nhuận từ nhiều tháng qua.
Một số chuyên gia tại các công ty chứng khoán nhận định rằng, mức giảm sâu đến vô lý của nhiều cổ phiếu thép cho thấy sự phản ứng thái quá của nhà đầu tư. Trong đó, có yếu tố nhiều tài khoản vi phạm margin bị buộc phải bán ra để cân bằng.
Vô lý bởi trên thực tế, tính tới thời điểm này, những mã ngành thép như HPG, HSG, NKG… có mức lợi nhuận cao hàng đầu trong số các doanh nghiệp niêm yết, và có các chỉ số EPS, P/E hấp dẫn.
Trong tuần giao dịch vừa qua, nhân khi thị trường đang ở trạng thái tích lũy, giao dịch giảm sút, những khuyến nghị từ một số công ty chứng khoán cho rằng, nếu giải ngân vào các phiên điều chỉnh chỉ nên ở tỉ trọng thấp, và nhắm đến các mã đã có mức chiết khấu giá nhiều, và những cổ phiếu có cơ bản tốt.
Trong đó, những mã được khuyến nghị thuộc những ngành liên quan tới phục hồi kinh tế, đầu tư công như vật liệu xây dựng, bán lẻ, vận tải biển, chứng khoán, bất động sản dân dụng và khu công nghiệp.
Đó chính là những ngành được dự báo vẫn đang có tiềm năng tăng giá trở lại hoặc tăng tiếp ngay vào thời điểm bước vào năm 2022 khi gói hỗ trợ phục hồi kinh tế khoảng 800.000 tỉ đồng được chính thức thông qua.