Người mua và tư vấn viên bên sa bàn một dự án bất động sản của Evergrande - Ảnh: AFP
Hôm 9-12, Fitch, một trong "ba ông lớn xếp hạng tín dụng" của thế giới, tuyên bố Tập đoàn bất động sản Evergrande của Trung Quốc "vỡ nợ giới hạn" vì không trả 1,2 tỉ USD lãi trái phiếu USD cho người mua ở nước ngoài. Đây là đòn giáng mới vào uy tín của nhà phát triển bất động sản từng nằm tốp đầu Trung Quốc.
Xử lý theo thị trường
Trong cuộc họp báo ngày 11-12, đại diện Nhà Trắng cho biết Mỹ quan tâm đến tình hình của Evergrande. Bộ Tài chính Mỹ sẽ theo dõi sát mọi tác động liên quan đến "quả bom nợ" Evergrande.
Theo báo South China Morning Post ngày 11-12, tỉ phú Hứa Gia Ấn - nhà sáng lập tập đoàn - đã bán số cổ phần trị giá 64 triệu USD từ ngày 6 đến 9-12 nhưng dường như không cứu vãn được tình hình.
"Vỡ nợ giới hạn" chỉ là một cách nói giảm mang tính kỹ thuật của Fitch. Báo New York Times giải thích bị xếp hạng này đồng nghĩa doanh nghiệp đó đã vỡ nợ rồi, chỉ là chưa nộp đơn phá sản, xin thanh lý tài sản hoặc một quy trình chấm dứt hoạt động nào đó. Evergrande không có một lời giải thích với người mua trái phiếu (trái chủ) khi quá hẹn thanh toán lãi.
Ở Mỹ và nhiều nơi khác, các trái chủ có thể đưa công ty thiếu thiện chí ra tòa và thường dẫn đến việc tái tổ chức công ty, có thể là chia nhỏ doanh nghiệp. Ra tòa là khả năng vẫn có thể xảy ra với Evergrande, nhưng Chính phủ Trung Quốc sẽ không để nước ngoài chia nhỏ hoặc đẩy một tập đoàn của họ đến bờ vực sụp đổ hoàn toàn.
Việc công ty ngừng hoạt động đột ngột có thể ảnh hưởng đến hệ thống tài chính của đất nước mà trực tiếp là những người đã bỏ tiền mua những căn hộ chưa xây của Evergrande.
Có rất nhiều câu hỏi đang đặt ra lúc này chờ Evergrande và Chính phủ Trung Quốc trả lời, chẳng hạn những người đã "lỡ" mua trái phiếu USD của Evergrande có đòi được tiền không? Đòi như thế nào và có cần kiện cáo gì không?
Như đoán được những lo ngại này, tối 9-12 ông Yi Gang, thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, cho biết vấn đề nợ của Evergrande là một "sự cố thị trường" và sẽ được xử lý "theo các giải pháp định hướng thị trường, dựa trên luật lệ, tôn trọng đầy đủ các thủ tục thanh lý hợp pháp".
Chờ động thái của chính phủ
"Rõ ràng nhà nước đang nghiêm túc tham gia việc quản lý tình hình" - ông Shehzad Qazi, giám đốc điều hành của Công ty phân tích dữ liệu China Beige Book, nhận xét với Hãng tin AFP.
Các nhà phân tích tự tin Trung Quốc sẽ không để Evergrande "sụp đổ sau một đêm" như sự kiện Ngân hàng Lehman Brothers ngừng hoạt động năm 2008, kéo theo cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Theo giới phân tích, Bắc Kinh có thể sẽ giám sát "hoạt động phá hủy có kiểm soát" đối với Evergrande.
Meng Ting, chiến lược gia tín dụng cấp cao của Ngân hàng ANZ (Úc), suy đoán: "Ưu tiên chắc chắn sẽ là đảm bảo những ngôi nhà ở Trung Quốc được giao. Nợ nần gì sau đó sẽ được hoàn trả theo mức độ ưu tiên của trái phiếu".
Với mục tiêu duy trì "sự ổn định xã hội", Bắc Kinh đã và đang làm việc để tránh những hậu quả lớn do sự sụp đổ của Evergrande nhưng luôn né tránh tung ra gói cứu trợ.
Vì điều này sẽ tạo ra một tiền lệ xấu, có thể khiến các doanh nghiệp tư nhân khác lầm tưởng hậu quả của việc mở rộng vốn bất chấp sẽ được nhà nước xử lý giúp.
Có rất nhiều dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang tìm cách tái cơ cấu Evergrande. Tuần trước, tỉ phú Hứa Gia Ấn và ban lãnh đạo Evergrande đã được triệu tập họp với lãnh đạo tỉnh Quảng Đông, nơi đặt đại bản doanh của tập đoàn.
Sau cuộc gặp, theo truyền thông Nhà nước Trung Quốc, Evergrande đồng ý để "một nhóm làm việc" tham gia quản lý các công việc của tập đoàn. Ngày 6-12, tập đoàn này thông báo thành lập "ủy ban phân tán rủi ro" để xem xét những thách thức hiện tại trong hoạt động và tài chính.
Các nhà phân tích nhận định việc nhóm làm việc của chính quyền đến Evergrande báo hiệu sự bắt đầu chính thức của quá trình tái cơ cấu.
"Sự tham gia hợp pháp của chính phủ sẽ giúp kiểm soát hiệu quả rủi ro và tổn thất cũng như giảm thiểu sự không chắc chắn trong quá trình giải quyết rủi ro" - Liu Hongyu, giáo sư Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc), nhận xét.
Không chỉ Evergrande vỡ nợ
Trong thông báo ngày 9-12, Fitch cũng tuyên bố Kaisa, một công ty bất động sản nhỏ hơn Evergrande nhưng là một trong những công ty mắc nợ nhiều nhất Trung Quốc, đã "vỡ nợ giới hạn" vì không trả được 400 triệu USD lãi trái phiếu.
Hơn 10 công ty bất động sản Trung Quốc đã vỡ nợ trong nửa cuối năm 2021 vì không trả được lãi trái phiếu phát hành trong và ngoài nước, theo AFP.
TTO - Tập đoàn China Evergrande Group (Hằng Đại) đã vỡ nợ các lô trái phiếu trị giá hàng tỉ USD sau nhiều tuần chật vật. Đây là cột mốc mới nhất trong 'khủng hoảng Evergrande', mở đường cho cuộc tái cơ cấu của hãng bất động sản này.
Xem thêm: mth.4792927021211202-uac-oc-iat-ib-es-ednargreve-on-ov-uas/nv.ertiout