Thạch Sanh trên chiếc xuồng ba lá đi chài lưới hằng ngày và sẵn lòng cứu giúp người khác - Ảnh: SƠN BÌNH
Chuyện mới nhất về Thạch Sanh: trong lúc đi chài lưới kiếm cá ven sông, thấy một người phụ nữ rơi từ cầu Bình Điền xuống dòng nước chảy siết, anh đã dũng cảm lao ra cứu sống.
Thạch Sanh năm nay 40 tuổi, quê ở Sóc Trăng, hiện ngụ tại xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP.HCM.
"Có duyên" cứu giúp người
Nhớ lại chuyện cứu người, Thạch Sanh kể khoảng 9h sáng 4-11 anh đi bốc vác nhưng không có hàng hóa. Như thường lệ, anh trở lại nhà trọ, một mình đi quăng lưới kiếm cá trên chiếc xuồng ba lá.
Khi chiếc xuồng đi đến khu vực cầu Bình Điền, xã Tân Kiên, anh nghe tiếng rơi "đùng" xuống nước. Vị trí rơi xéo phía sau lưng, cách chiếc xuồng một khoảng khá xa.
Thạch Sanh nhớ lại: "Mình cứ tưởng ai đó đi trên cầu quăng rác xuống. Đến khi lái xuồng qua cầu, nghe thấy người dân đứng trên cầu ngoắc tay lia lịa kêu cứu người, mình mới hiểu ra chuyện. Thế rồi phải xác định lại chỗ rơi xuống, mình quay xuồng lại tìm cách cứu người".
Xuồng lại gần, thoáng thấy dáng người bị cuốn trôi trồi dưới dòng nước, anh nhảy xuống rướn người chụp cổ áo nạn nhân kéo khỏi mặt nước. Nạn nhân là một phụ nữ đã đuối sức, rong rêu bám khắp người, nước trào ra từ miệng, cần đưa nhanh vào bờ sơ cứu.
Do chiếc xuồng nhỏ, lúc di chuyển lắc lư cứu người bị nước vô gần chìm nên không thể đưa nạn nhân lên xuồng. Thế là một tay anh phải nâng ngửa cổ nạn nhân khỏi mặt nước, một tay cố gắng hết sức bơi trong dòng nước chảy siết.
"Nước xoáy chảy mạnh, bơi muốn hết nổi rồi mình mới kêu người xuống giúp, nhưng ở trên người ta nói không biết bơi nên mình phải ráng", Thạch Sanh chia sẻ.
Đúng lúc này, có một chiếc sà lan đi ngang qua, một anh nhảy từ sà lan xuống nước bơi đến giúp anh đưa nạn nhân đến bên bờ sông an toàn.
Thạch Sanh mệt rã rời nhưng không quên xóc nước, làm thêm vài động tác sơ cứu, một lát sau người phụ nữ có thể tự ngồi. Chị không nói nên lời, hai tay bưng mặt khóc.
Thạch Sanh phần nào cảm thấy an tâm khi người phụ nữ mình cứu giúp đã qua cơn nguy hiểm, nhưng lại chạnh lòng buồn hiu khi mọi người xung quanh xôn xao: đứa con 1 tuổi của nạn nhân trước đó cũng đã rơi xuống nước.
Thời điểm này, cơ quan chức năng đã có mặt tại hiện trường xử lý, đồng thời cử lực lượng bơi lặn tìm kiếm đứa bé dưới sông.
Hai ngày sau, người nhà nạn nhân lần ra địa chỉ, tìm đến tận khu trọ nơi anh ở, nhờ anh lái xuồng ba lá đi tìm thi thể đứa bé. Thạch Sanh nghĩ bụng lực lượng lặn tìm chuyên nghiệp kiếm còn chưa ra, sao "tay mơ" như anh tìm được? Người nhà nạn nhân bảo anh vốn có ơn cứu sống người mẹ, biết đâu sẽ có "cái duyên" tìm ra được đứa bé.
"Người ta nhờ thì mình ráng giúp, nên bỏ một buổi bốc vác, lái xuồng ba lá đi tìm kiếm tiếp. Mà cũng lạ, bữa đó mình đi một lát là tìm thấy thi thể đứa bé cách hiện trường khoảng mấy cây số...", Thạch Sanh kể lại câu chuyện mà cũng như vẫn chưa tin sự thật về "cái duyên" của mình.
Lòng tốt không phải do tên gọi
Thạch Sanh là anh lớn trong gia đình ba anh em, sinh sống ở miệt quê tỉnh Sóc Trăng. Chưa học hết phổ thông, anh phải nghỉ học phụ giúp cả nhà, lam lũ với đủ thứ nghề mưu sinh. Đến tuổi trưởng thành, anh đi nghĩa vụ quân sự, xuất ngũ năm 2005 rồi cùng gia đình lên TP.HCM thuê nhà trọ làm ăn sinh sống.
Hiện anh đã lập gia đình, vợ chồng sống hạnh phúc trong căn trọ nhỏ cùng hai đứa con. Hằng ngày Thạch Sanh đi bốc vác bên sông kiếm vài trăm ngàn; khi không có hàng hóa, anh thường một mình lái xuồng ba lá đi chài lưới kiếm cá ăn.
"Có bữa nhiều cá thì chia cho mấy người trong khu trọ cùng ăn, ở đây cũng có nhiều lao động xa xứ, hoàn cảnh cũng khó. Bữa nào nhiều cá hơn thì mình bán lấy ít tiền mua thêm xăng, mua thêm gạo" - Thạch Sanh chia sẻ.
Không chỉ cứu người đuối nước, quanh năm chài lưới trên sông Thạch Sanh đã nhiều lần thấy xác người, dù đêm hay ngày điều trước hết là báo tin người dân gần nhất nhờ báo cơ quan chức năng, hỗ trợ đem thi thể lên bờ. Nếu thi thể vướng bờ nước cạn thì chỉ cần canh giữ, báo tin, nếu thi thể trôi theo nước lớn thì phải ra tay ngay.
Hỏi Thạch Sanh có khi nào gặp xác chết sợ quá bỏ đi luôn không thì anh lắc đầu "chưa bao giờ".
"Mạng người mà, mình không học nhiều nhưng hiểu thế nào là lương tâm, nghĩa tử là nghĩa tận. Có lúc ban đêm đi chài lưới mình ên, gặp xác người cũng sợ quíu tay chân nhưng phải tìm cách báo công an, đưa xác người ta lên bờ. Còn bữa đó có cá ăn hay không thì tính sau" - Thạch Sanh giải thích.
Ghé xóm trọ Thạch Sanh, nhiều người còn kể mấy mẩu chuyện mà anh hay quan tâm giúp đỡ người khác. Mới đây thấy người đi đường hết xăng dẫn xe trong đêm, anh lấy xe máy đẩy giúp đến cây xăng. Khi biết người đi đường hết tiền, anh lục túi lấy 50.000 đồng đổ xăng cho người lạ.
Hỏi có phải "sự tốt bụng" của anh do ba má đặt tên giống nhân vật cổ tích? Anh cười nói chắc ba má muốn mình là người tốt nên đặt tên Thạch Sanh.
"Nhưng mình nghĩ người tốt hay xấu nào phải do tên gọi ba má đặt cho mà trong mọi hoàn cảnh tự mình phải biết phân biệt đúng sai, làm những gì không thẹn lương tâm" - Thạch Sanh cười hiền, nói.
Chí thú làm ăn, lo cho con ăn học
Ông Huỳnh Văn Thị, trưởng ấp 3, xã Tân Kiên, cho biết Thạch Sanh cùng gia đình thuê nhà trọ sinh sống ở ấp nhiều năm qua. Vợ làm công nhân, còn Thạch Sanh sống bằng nhiều nghề làm thuê, làm mướn nhưng chủ yếu là đi khuân vác hàng hóa và chài lưới ven sông, chăm lo cho hai con ăn học.
"Bao năm qua, nhiều người ở khu trọ quý mến Thạch Sanh bởi tính tình thật thà, chân chất, chí thú làm ăn, cứu giúp người gặp nạn và địa phương đã quan tâm, chia sẻ, ghi nhận lòng tốt của anh" - ông Thị nói.
TTO - Thành phố cái gì cũng có, ngại ra chợ thì người ta “ship” tận nhà, nhưng đồ quê gửi lên còn có cả tình thương. Khi Hà Nội là “tiền tuyến” chống dịch, quê nhà lại trở thành “hậu phương”, tiếp tế cho người thân ở thành phố.
Xem thêm: mth.76641110211211202-hnit-aihgn-nort-gnos-hnas-hcaht/nv.ertiout