Những bộ phim nhạc sĩ Phú Quang phụ trách phần âm nhạc, từ trái qua: Hải nguyệt, Bao giờ cho đến Tháng Mười và Vị đắng tình yêu
Tiếng đàn bầu ngân thánh thót trong phiên chợ của người và ma, rồi nối liền đó là tiếng reo dây guitar lan ra như sóng nước, cơ hồ dòng sông trần thế đã nhập vào nhánh sông dưới cửu tuyền.
Đúng lúc ấy, Duyên gặp lại chồng. Phân cảnh hay nhất trong kiệt tác điện ảnh Bao giờ cho đến Tháng Mười chứng kiến một đỉnh cao khác của âm nhạc Phú Quang bên ngoài tình khúc về Hà Nội.
Bao giờ cho đến Tháng Mười của đạo diễn Đặng Nhật Minh bắt đầu bằng âm nhạc. Ta không biết chuyện gì đang xảy ra, đạo diễn chỉ cho ta có hai thứ: một người phụ nữ nông thôn đang đọc lá thư với đôi mắt buồn vô hạn, và tiếng piano đìu hiu theo sau đó là cả dàn nhạc dây như miết vào một nỗi đau vò xé.
Không có lời thoại nào, và phải xem tới 10 phút nữa ta mới biết rằng lá thư mà Duyên đọc là thư báo tử, nhưng một mình phần khí nhạc của Phú Quang đã cô nén một nỗi buồn vừa dữ dội cũng vừa cam chịu, và sự trang nghiêm của một dàn nhạc thính phòng gợi lên một tấm lòng đức hạnh, đầy phẩm cách.
Còn đến phiên chợ Âm Phủ, nhạc sĩ lại chọn một thứ âm nhạc gần với folk, heo hút, tiều tụy, xa xăm, đượm âm khí, phảng phất sự kín đáo của một miền quê Bắc Bộ.
Sang đến Vị đắng tình yêu, một bộ phim "mì ăn liền" nổi bật của điện ảnh miền Nam những năm 1990, Phú Quang trở về với những giai điệu trữ tình quen thuộc, mang nỗi lòng của một tiểu thư, rất mực mong manh và không giấu nổi sự đài các phong lưu.
Ai đã xem bộ phim này mà quên được cảnh Quang Đông Ki-sốt trong cơn mưa tầm tã leo lên cửa sổ nhà Phương, tặng cô đóa hoa dại mà anh hái trộm ở công viên, rồi Phương dạo bản Khi mùa thu đến sầu âm u như đã thấy trước cuộc tình buồn của họ?
Phương không phải là nhân vật duy nhất chơi piano trong những bộ phim mà Phú Quang nhận phụ trách âm nhạc. Trong Tình khúc 68, nhân vật đại úy An của Thương Tín cũng chơi piano, nhưng anh chơi Fur Elise của Beethoven.
Còn trong Hải Nguyệt, nhân vật Hải Nguyệt do Hồng Ánh thủ vai chơi một bản nhạc quá lãng mạn, quá Tây Âu mà Phú Quang sáng tác, mới đầu tưởng như chệch tông khỏi câu chuyện về một gia đình làm nước mắm ở Phan Thiết.
Chính trong Hải Nguyệt của đạo diễn Trần Mỹ Hà, một bộ phim tràn ngập cát, tràn ngập những ghe cá đầy au, một bộ phim xộc lên mùi tanh nồng và mặn mòi của nước mắm, ta mới thấy Phú Quang đa dạng tới thế nào.
Vẫn là bản nhạc chủ đề ấy, nhưng ông dần phát triển phần phối khí cho nó theo cuộc đời của Hải Nguyệt. Khi cô còn là một cô nữ sinh trường dòng khá giả, tết tóc hai bên, đôi mắt thơ ngây ẩn chứa khúc mắc về cuộc đời thì bản phối chỉ có tiếng độc tấu piano, mãnh liệt đấy nhưng không chút vẩn đục.
Tới khi gia sản tiêu tán, một mình Hải Nguyệt vần thùng nước mắm giữa những đồi cát vắng, đôi mắt cứng cỏi, mái tóc xõa phong trần, phần phối khí cũng trở nên phức tạp, nổi cơn gió bụi và nhiều nỗi truân chuyên, như dông bão cuộc đời vần vũ cùng dông bão trong lòng.
Nhưng một bài viết nói về âm nhạc của Phú Quang trong phim ảnh thì sẽ thật thiếu sót nếu không nói về Xích Lô, dù Phú Quang không phụ trách nhạc phim cho Trần Anh Hùng, mà chỉ là một bài hát của ông được đưa vào đó.
Bỗng nhiên, xen giữa những cảnh đẹp một cách khủng khiếp của Xích Lô như cảnh ăn một con thạch sùng còn quẫy đạp, cảnh tự thiêu, cảnh lão già bệnh hoạn thích xem phụ nữ tiểu tiện, thì có một cảnh đẹp một cách bình yên: Trần Nữ Yên Khê dựa vào vai Lương Triều Vỹ, họ cùng nghe Thanh Lam, bấy giờ còn rất trẻ, hát Em ơi, Hà Nội phố.
Bối cảnh câu chuyện là Sài Gòn, và ta không biết một bài hát về hoa sữa hay cây bàng mồ côi mùa đông thì làm gì ở đây. Nhưng làm gì chẳng được, chỉ biết rằng giây phút ấy, ta như Lương Triều Vỹ - một tài tử Hong Kong chắc là không hiểu nội dung bài hát, nhưng đôi mắt anh vẫn dâng lên một nỗi buồn không tên khi nghe nó.
Sau rốt, Phú Quang vẫn đẹp nhất khi là một người Hà Nội.
Phú Quang là một nhạc sĩ của Hà Nội theo cách George Gershwin là một nhạc sĩ của New York hay Cole Porter là một nhạc sĩ của Paris - qua âm nhạc, họ định vị một cấu trúc tâm tưởng cho đô thị của mình.
Có giai thoại kể rằng trong một đêm diễn nọ, Phú Quang dạo nhạc bài này nhưng một danh ca lại hát nhầm sang bài khác, Phú Quang tỏ ý không vui thì danh ca đùa rằng, bài nào của ông chả giống nhau. Nhưng có lẽ khó mà đùa như thế với kho nhạc phim của nhạc sĩ.
Bạn ơi đừng bao giờ cách xa
Tôi nói ca khúc này của ông giai điệu chính hao hao Rachmaninov
Tôi nói, quàng tay vào vai vợ tôi đi, để tôi chụp ảnh
Bạn ngượng nghịu cười
Chén rượu trưa bất bình
"Người yêu ơi, dù mai này..."
Giờ thì đã cách xa
Cay đắng mà là sự thật
Những hẻm phố gạch thô, bát phở vỉa hè, gốc bàng chè chén
Phong kẹo lạc như ước mơ một thuở
Một thuở ai cũng ghét ai và cũng yêu ai
Bạn ơi, giờ đành cách xa
Lá bàng xưa thôi cong vỉa hè Quan Thánh
Những viên gạch ba ngàn năm thôi
Ngân nga những dấu chân say rượu
Phố Phái nghiêng nghiêng phố Phú Quang
Bạn hát tôi nghe
ánh mắt bạn một chiều Hoàn Kiếm lăn tăn
Chúng ta sẽ không bao giờ cãi nhau như thế
Bạn ơi giờ có muốn cũng không bao giờ còn nữa
Giọt cà phê thanh thanh tiếng guốc vỉa hè
Dấu chân chiều tan dần trong sương
Nụ cười chiều ngân dần trong sương...
Nguyễn Đỗ
Oakley, 11-12-2021
TTO - Quán cà phê sân vườn Hà Nội một ngày đông nắng lạnh, bê ly cà phê nóng, nhà thơ Hồng Thanh Quang khẽ hát câu thơ mình đã được Phú Quang chắp thêm cho đôi cánh âm nhạc rất tài tình: "Một mình sẽ một mình thôi/Tìm câu ca cũ hát chơi một mình…".
Xem thêm: mth.19351422211211202-ion-ah-iaogn-neb-gnauq-uhp-tom-oc/nv.ertiout